📞

Câu chuyện phía sau thành công của nhà ngoại giao nữ

15:49 | 07/04/2016
“Cảm ơn Ngành và trường Đại học Ngoại giao đã đào tạo để tôi có một bản lĩnh. Cảm ơn đồng nghiệp đã giúp tôi có đam mê và nghị lực”, đó là những chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trong buổi lễ nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì.

Dù đang bận rộn hỗ trợ công việc ở Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017, nhưng Đại sứ Nguyệt Nga vẫn dành cho tôi một cuộc trò chuyện bên lề Lễ nhận Huân chương của bà ngày 25/3 vừa qua.

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung và Lãnh đạo các đơn vị chúc mừng Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. 

Qua câu chuyện, tôi hiểu sâu sắc rằng không chỉ có Ngành, Trường hay đồng nghiệp, mà quan trọng hơn cả là nỗ lực không mệt mỏi của bà trong suốt 35 năm qua đã đưa Đại sứ đến với phần thưởng cao quý ấy. Đằng sau nụ cười rạng rỡ của nhà ngoại giao nữ là bao vui, buồn, cơ hội, thách thức hiện hữu đan xen, trải dài gần nửa thế kỷ.

Thách thức đem đến thành công

“Khởi nghiệp” năm 1981 và có chặng đường làm công tác đối ngoại gắn liền với 30 năm đổi mới của đất nước, bà Nguyệt Nga cho rằng điều đó dường như đã giúp bà nỗ lực phấn đấu hơn. Bởi lẽ, khi đất nước đứng trước nhiều thách thức lớn cả trong nước và quốc tế, bản lĩnh của người làm công tác ngoại giao càng được tôi luyện dạn dày.

“Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, đi qua hết những thăng trầm cuộc sống, công việc khó khăn, vất vả rồi cũng đến một ngày mình cảm thấy vui vì tham gia được vào những chặng đường quan trọng của Tổ quốc”, Đại sứ chia sẻ.

Chặng đường nào trải bước trên “hoa hồng” mà bàn chân không phải đi qua những gian nan. Với bà Nguyệt Nga, thách thức là cánh cửa mở ra thành công nhanh nhất, chỉ trong thách thức thì bản thân mới có thể thay đổi và vươn lên nhanh hơn. Cứ như vậy, thách thức đến trước, thành công đến sau, trải dài trong nhiều thập kỷ làm công tác đối ngoại của bà. Nhưng có những chuyện nghề, chuyện nghiệp bà không thể nào quên.

 Là một trong năm học viên tốt nghiệp loại Xuất sắc của Đại học Ngoại giao, sau một năm làm việc, bà được Bộ cử đi công tác nhiệm kỳ ở Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh. Với cô cán bộ trẻ hồi ấy, đây thực sự là nhiệm vụ không hề dễ dàng. “Nhiều lúc, tôi không biết hỏi han, bày tỏ với ai. Đôi khi những nhược điểm của bản thân từ hồi sinh viên bộc lộ”, bà nói. Nhưng, với sự chủ động của mình, bà đã làm quen với công việc mới. “Sau tất cả, bản thân mình phải vượt qua rất nhanh và khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại sứ Nguyệt Nga tâm sự.

Tốt nghiệp Đại học, đi làm, lập gia đình và chăm sóc gia đình vốn là quy luật thông thường đối với cuộc sống của mỗi người phụ nữ. Song cân bằng giữa những nhiệm vụ đó không phải ai cũng làm được. Vì vậy, Đại sứ cho rằng, thách thức đầu tiên với cán bộ đối ngoại nữ là phải vượt qua mặc cảm về giới, biết cân đối, sắp xếp mọi việc để vừa làm tròn thiên chức một người mẹ, người vợ, vừa làm tốt vai trò của người cán bộ.

Đề cập tới khó khăn này, bà Nguyệt Nga nhớ lại khoảng thời gian từ năm 1991-1994 khi sang Nhật Bản học Thạc sĩ về Quan hệ quốc tế. Dù biết đưa con theo cùng sẽ rất vất vả nhưng bà vẫn quyết tâm làm theo “lời mách bảo của trái tim người mẹ”. Bởi đơn giản bà nghĩ, con cái sẽ là nguồn động viên để bà học tập tốt hơn. Chỉ cần có nghị lực, quyết tâm và biết sắp xếp thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Nhưng... phải có đam mê và nghị lực

Với năng lực công tác của mình, sau đó bà được Bộ cử đi công tác nhiệm kỳ tại Mỹ. Điều đó đã khiến một cán bộ ngoại giao vốn trước đó chuyên về châu Âu và Đông Nam Á không khỏi trăn trở và bỡ ngỡ. Không chỉ có thế, Đại sứ quán giao cho bà nhiều nhiệm vụ quan trọng như phụ trách quan hệ Quốc hội rồi Trưởng phòng Chính trị…

Để tự gỡ rối cho mình, trong ba năm (2005-2008), bà coi trọng và liên tục học hỏi, rèn luyện phương pháp nghiên cứu và kỹ năng vận động. Đồng thời, bà luôn tâm niệm, muốn làm thực tiễn tốt thì nghiên cứu thôi chưa đủ.

 “Tôi cố gắng tiếp cận, gặp gỡ bạn bè và dùng sự chân tình trong quan hệ con người với nhau để chủ động đến với đối tác, với những đề xuất cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác. Ngược lại, khi họ có những đề xuất trong quan hệ song phương thì tôi cũng theo đuổi tới cùng”, Đại sứ kể lại.

Bảy năm là Vụ trưởng nữ đầu tiên về kinh tế, phụ trách Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương của Bộ Ngoại giao cũng là khoảng thời gian “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đối với Đại sứ Nguyệt Nga trong bối cảnh công tác hội nhập kinh tế của đất nước đi vào chiều sâu.

Đại sứ chia sẻ, thời điểm ấy, đội ngũ cán bộ Vụ tương đối “mỏng”, năng lực làm việc của cán bộ còn hạn chế. Do vậy, Đại sứ cùng đồng nghiệp cải tiến cách thức quản lý cũng như làm việc, khơi dậy cho các cán bộ niềm say mê nghiên cứu, đổi mới trong tư duy, mạnh dạn đề xuất sáng kiến, phối hợp ngang và làm việc theo nhóm. Dần dần, Vụ trở thành một đơn vị điển hình tiên tiến của Ngành trong nhiều năm qua.

Bà nhấn mạnh: “Thăng trầm là điều luôn tồn tại trong cuộc sống, công việc và thách thức luôn mới. Những lúc như vậy có lẽ bản lĩnh, niềm tin và đam mê là những điều quan trọng nhất”. Sau tất cả, bà Nga cảm thấy tự hào bởi những nỗ lực của mình cũng như các cán bộ ngoại giao khác đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước, vào vị thế mà Việt Nam đang có ở khu vực cũng như trên thế giới hiện nay.

Vị “thủ lĩnh nữ”

Những đóng góp không ngừng nghỉ của Đại sứ trong suốt những năm công tác đã được Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ và đồng nghiệp ghi nhận. Trong buổi lễ trao Huân chương cho Đại sứ, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, “Đại sứ Nguyệt Nga đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau và qua nhiều lĩnh vực từ song phương tới đa phương. Ở mỗi cương vị, chị đều tỏ ra tích cực, gương mẫu và có trách nhiệm trong công việc, qua đó đóng góp không nhỏ vào công tác chung của Bộ”.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Hòa, Vụ trưởng, Chánh Thanh tra, Trưởng ban Nữ công Bộ chia sẻ, các chị em trong Bộ gọi chị Nguyệt Nga là “thủ lĩnh nữ”. “Chị chính là tấm gương, đặc biệt cho các cán bộ trẻ noi theo”, bà Hòa nói.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TG&VN. (Ảnh: Quang Hòa)

Trải qua tám đơn vị khác nhau, bà Nguyệt Nga có tới 17 năm tham gia quản lý cấp Phó Vụ trưởng và Vụ trưởng. Chia sẻ về kỹ năng lãnh đạo, bà cho rằng, trong thế kỷ XXI, đời sống quan hệ quốc tế có nhiều khác biệt, người lãnh đạo trước hết phải có bản lĩnh trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống; có năng lực “quản lý mềm” và biết tạo môi trường làm việc công bằng. Bên cạnh đó, người lãnh đạo trong nền kinh tế tri thức ngày nay cần có tầm nhìn, đạo đức nghề nghiệp và tính gương mẫu. Theo bà Nguyệt Nga, đạo đức nghề nghiệp của nhà lãnh đạo trong ngành Ngoại giao là dấn thân, cẩn trọng, trách nhiệm cũng như có đam mê. Người lãnh đạo cũng phải quan tâm, thấu hiểu cán bộ mình quản lý, coi trọng thế hệ trẻ và phụ nữ bởi đây là hai lực lượng luôn tâm huyết hết lòng.

“Rất nhiều lúc tôi thấy công việc quá tải. Mỗi lần như vậy tôi phải tự sắp xếp, coi đó là những nhiệm vụ, cơ hội trong cuộc sống và phải cố gắng làm tốt. Không còn cách nào khác”, Đại sứ Nguyệt Nga kết lại sau cuộc trò chuyện.

Cất những kỷ niệm vào sâu trong đáy lòng, bằng đam mê, nghị lực - những thứ tài sản vô hình nhưng vô cùng giá trị ấy, bà Nguyệt Nga lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp ngoại giao; tiếp tục làm tròn vai trò của người phụ nữ: vun vén, hy sinh cho gia đình.

Một ngày nào đó tôi hy vọng lại được ngồi nghe tiếp những kỷ niệm về vị “thủ lĩnh nữ” giỏi việc nước, đảm việc nhà của Ngành chúng tôi!

(thực hiện)