📞

Câu chuyện Shark Tank gây tranh cãi: 'Thả thính', suồng sã trên sóng truyền hình là hạ thấp người phụ nữ?

Nguyệt Nguyệt 13:56 | 13/05/2021
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam, câu chuyện Shark Phú suồng sã, cợt nhả người chơi khiến dư luận nổi sóng dữ dội rằng đây là hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói, hạ thấp phụ nữ...
Câu chuyện Shark Tank suồng sã trên sóng truyền hình gây tranh cãi.

Báo Thế giới & Việt Nam trích đăng góc nhìn của một số chuyên gia liên quan đến câu chuyện này:

PGS.TS Trần Thành Nam: "Phụ nữ sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi bị thả thính ngoan - ngon - xanh- sạch"

PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

"Các chương trình truyền hình là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nó đóng một vai trò lớn trong việc định hình văn hóa cho giới trẻ cho dù chúng ta có nhận ra được điều đó hay không.

Trên thực tế, có rất nhiều thông điệp ngầm ẩn không đúng đắn, những hành vi ứng xử mang tính định kiến giới trên các show truyền hình. Đó là những hạt sạn không mong muốn, vì thế nội dung của các chương trình trước khi phát sóng bao giờ cũng cần được giám sát bởi những nhà báo có nhiều kinh nghiệm.

Show truyền hình Shark Tank là chương trình có ý nghĩa tốt đẹp, là nơi xúc tiến cho các nhà đầu tư cũng như những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng có thể gặp nhau, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Mục tiêu là vậy nhưng hiện show đang có xu hướng biến sang giải trí để có sự tương tác tốt hơn, không tập trung sâu về hiệu quả, đánh giá sâu sắc về chất lượng sản phẩm, ý tưởng kinh doanh hay sáng tạo trong mô hình kinh doanh.

Giống như tiếp viên hàng không cần phải rèn luyện hành vi ứng xử chuẩn mực vì họ không chỉ đại diện cho hãng mà còn đại diện cho tính cách con người của một quốc gia giới thiệu với thế giới.

Những chương trình chính thống của Đài truyền hình Việt Nam cũng phải đảm bảo những chuẩn mực nhất định về phát ngôn, ngôn ngữ giao tiếp đảm bảo tôn trọng những người tham gia chương trình, những khán giả ở mọi độ tuổi theo dõi chương trình, đảm bảo mặt văn hoá, định hướng giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ.

Những người xem chương trình có thể có những ý tưởng, họ xem cũng để phân tích và học hỏi từ người đi trước. Bất kỳ thông điệp nào đó dẫn đến hiểu sai lệch mục đích, ý nghĩa của chương trình, có tính chất hạ thấp, công kích, không tôn trọng người tham gia chương trình, khán giả đều dẫn đến những nguy cơ.

Nguy cơ ở đây là cho cả chương trình và người phát ngôn trong chương trình đó. Những lời trêu chọc trong chương trình này nếu nghĩ theo cách trầm trọng thì rõ ràng là quấy rối tình dục bằng lời nói. Nếu những hành động đó hướng đến bình luận về mặt cơ thể, nhân phẩm mà làm cho người khác ngượng ngùng, cảm thấy không muốn, họ cảm thấy mình bị xúc phạm… rất phản cảm.

'Ngoan, ngon,…' là lời nói bông đùa, suồng sã của những người đàn ông với chị em phụ nữ ngoài đời thường. Còn khi trên sóng truyền hình có nhiều người xem, đặc biệt là khán giả nữ, họ sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm, không thoải mái với những lời 'thả thính' như vậy.

Đặc biệt, trên những chương trình truyền hình đại chúng chính thống, ý nghĩa tiềm ẩn sau đó có thể ảnh hưởng đến giới trẻ, nhất là khi chúng ta đang sống trong nền văn hoá rất trọng ngoại hình. Với những người đại diện cho những nhà đầu tư phát ngôn ra việc không cần quan tâm có ý tưởng, thông minh như thế nào chỉ cần xinh thôi hoặc 'sạch' rõ ràng mang tính chất hạ thấp người phụ nữ.

Hẳn nhiên, chương trình đài quốc gia dễ dãi nói những lời nói như vậy là điều khó chấp nhận được. Với nhiều bạn trẻ bị ám ảnh bởi hình thức, nếu xem những chương trình như thế này sẽ cảm thấy xem nhẹ chuyện học hành, chú trọng đầu tư nhan sắc, ngoại hình hơn đầu tư học vấn, chắc chắn sẽ để lại hệ lụy khó lường.

Mặc dù những nghiên cứu chỉ ra, rất nhiều người trong số chúng ta không nhận diện được hành vi quấy rối tình dục, diễn giải nó chỉ là những bình luận mang tính trêu chọc hoặc tán tỉnh. Tuy nhiên, không biết không có nghĩa là không vi phạm chuẩn mực. Không phải người nghe không cảm thấy khó chịu thì hành vi đó không phải là hành vi quấy rối tình dục.

'Nếu đối tác đồng ý/chấp nhận về những hành vi của tôi thì hành vi của tôi không có vấn đề gì, không vi phạm chuẩn mực ứng xử'. 'Nếu tôi không có ý định làm hại ai thì hành vi ứng xử lời nói của tôi là ổn'. 'Nếu tôi có nhiều đóng góp có ý nghĩa thì những sai lầm của tôi nên được nhìn nhận với con mắt thông cảm và bỏ qua'... Tất cả đều là những suy nghĩ bao biện và nó vẫn là những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức ứng xử".

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ: "Sao shark coi thường phụ nữ, coi thường khán giả xem truyền hình đến thế?"

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, cựu phóng viên báo Phụ nữ TP. HCM, hiện là chuyên gia đối ngoại truyền thông khối Quảng cáo trực tuyến, Công ty cổ phần VCCorp.

"Tôi không nghĩ mình đang xem một chương trình trên sóng đài quốc gia, với những thứ thế này: 'Em không cần giải thích gì thêm về business. Với anh, chỉ cần liếc mắt là biết business thế nào rồi. Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm. Anh đang quan tâm đến mỗi em thôi'.

Một ông shark khác cười nói tiếp lời: 'Đã nói ngay từ đầu rồi, cứ sạch, xanh, xinh là xong'.

Các ông lên truyền hình để tìm kiếm kênh đầu tư, nếu là dân kinh doanh đúng nghĩa, thì việc đầu tư này chính là business, nếu phát triển tốt, đôi bên cùng có lợi. Các ông là nhà đầu tư, đầu tư vào các giá trị của người khác để kiếm tiền về cho mình.

Người ta kêu gọi đầu tư, người ta trả bằng chia sẻ lợi nhuận chứ đâu xin các ông? Vậy ông nói không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm thì ông ngồi ở cái ghế chương trình này làm gì?

Dù là game show, nhưng đây là chuyện đầu tư chứ không phải chỗ cho ông bỗ bã, hay bỏ tiền ban phát cho người khác. Người ta đến tìm kiếm đầu tư chứ không phải xin xỏ. Do đó, không có tư cách và không được phép nói rằng, ông đầu tư 1,5 tỷ là 'chỉ quan tâm đến mỗi em thôi' như lời ông nói.

Nếu như con gái hay vợ các ông đứng trước chốn thanh thiên bạch nhật để cho những kẻ đê tiện khác suồng sã, bình phẩm rằng 'cô này không cần giỏi, chỉ cần xanh, sạch, xinh là xong', vậy các ông nghĩ gì?

Vậy sao các ông có thể coi thường phụ nữ, coi thường khán giả xem truyền hình đến thế? Theo tôi nghĩ, cũng cần một thời gian 'dọn rác' cho sóng đài quốc gia, 'tẩy rửa' những uế tạp từ những chương trình kiểu thế này. Nếu được, đi giám định nhân cách của các shark trước khi đưa họ lên sóng. Rác bẩn của nhân cách là một nỗi ám ảnh xã hội kinh khủng".

TS. Khuất Thu Hồng: "Cợt nhả trong chương trình truyền hình: Đừng dung túng!"

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.

"Với các bạn nam, nếu vợ của bạn bán hàng mà có mấy gã đến nói ‘anh không nhìn hàng của em, anh chỉ mải nhìn em thôi’, và ‘anh không quan tâm đến kinh doanh, anh không quan tâm đến em bán hàng gì, anh chỉ quan tâm đến em thôi’, rồi “chỉ cần xanh, sạch, xinh là ngon rồi" ... bạn đứng đó và nghe họ nói như vậy với vợ bạn thì bạn sẽ làm gì?

Nếu bạn thấy bình thường, thậm chí tự hào vì có người khen vợ mình như thế thì chúc mừng bạn, bạn đã đứng vào hàng ngũ của các... 'cá mập'!

Với các bạn nữ khi rơi vào trường hợp này, nếu bạn thực sự tâm huyết với sản phẩm của mình mà lại bị người ta không thèm đếm xỉa đến mà chỉ bàn về vẻ ngoài của bạn sẽ ra sao? Tôi cá là bạn không hài lòng.

Phụ nữ ở xã hội này phản ứng với những tình huống như thế này rất khó nhưng đừng dung túng. Bạn muốn được tôn trọng vì trí tuệ, năng lực của mình hay chỉ vì mình xinh đẹp? Đương nhiên xinh là tốt, vừa xinh vừa giỏi cũng tốt. Nhưng nếu bạn vừa giỏi vừa xinh mà người ta cứ nhất định không thèm đếm xỉa đến cái giỏi của bạn - thứ mà bạn phải phấn đấu, học hành mà chỉ nói đến cái xinh - thứ mà bạn không cần phấn đấu cũng có được thì bạn có hài lòng không?

Nếu điều này chỉ xảy ra 1-2 lần thôi cũng cho qua, nhưng nếu luôn luôn và ở đâu cũng vậy, nhất là trước hàng triệu người, tôi không tin là bạn hài lòng.

Đây là hoạt động gọi vốn, dù là chương trình truyền hình nhưng đó là câu chuyện nghiêm túc, trước mặt hàng triệu người, đó là công việc và đương nhiên những lời nói như vậy là quấy rối tình dục".