Mỹ vừa lập liên minh tuần tra hàng hải ở Biển Đỏ để chống lại các đợt tấn công tàu thương mại, vận tải hàng hóa của lực lượng Houthi. (Nguồn: AFP) |
Ngày 18/12, phát biểu tại Bahrain trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố thành lập liên minh 10 quốc gia (bao gồm nước này, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha) tham gia tuần tra Biển Đỏ để ứng phó với các vụ tập kích của Houthi vào tàu hàng. Một số nước, nổi bật là xứ cờ hoa, sẽ tham gia tuần tra chung. Một số khác sẽ hỗ trợ tình báo ở phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Ông Lloyd Austin cho rằng, các nước cần phối hợp để đối phó với thách thức “do yếu tố phi nhà nước gây ra”.
Một câu chuyện, hai điểm nhấn
Không khó để thấy điều này đến từ tần suất các cuộc tấn công ngày càng dày đặc của lực lượng Houthi ở Yemen nhắm vào các tàu thương mại, chở hàng di chuyển qua Biển Đỏ. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng này đã triển khai hơn 100 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhắm vào tàu thương mại đến từ 35 nước mà họ tuyên bố nhằm ủng hộ người Palestine và chống lại Israel. Nổi bật trong đó là vụ tấn công tàu MV Palatium III, với sự xuất hiện lần đầu tiên của các tên lửa đạn đạo chống tàu.
Có tới 20% khối lượng vận tải toàn cầu, 10% khối lượng vận tải biển, 8-10% khối lượng dầu mỏ và khí đốt đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Song đối mặt với các đợt tấn công gay gắt vào tàu hàng, các doanh nghiệp vận tải đang “chùn bước”.
Từ ngày 15/12, có tới 4/5 hãng vận tải biển lớn nhất thế giới gồm CMA CGM, Hapag-Lloyd, Maersk và MSC đã dừng/tạm ngưng dịch vụ vận tải qua Biển Đỏ. Bốn công ty này chiếm tới 53% khối lượng vận tải toàn cầu. Các doanh nghiệp vận tải nhỏ hơn có thể tiếp bước họ. Điều này dẫn tới hai điểm đáng chú ý.
Đầu tiên, nguồn thu từ Kênh đào Suez, điểm đến tiếp theo sau Biển Đỏ, đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của Ai Cập, vốn đang đối mặt không ít thách thức ở thời điểm hiện tại. Đối với tăng trưởng toàn cầu, việc tuyến đường kênh đào Suez đóng cửa kéo dài khiến giá dịch vụ vận chuyển và chi phí bảo hiểm tăng mạnh khi các tàu chở hàng phải vòng qua châu Phi. Năm 2021, chỉ sáu ngày tàu Ever Given của Đài Loan (Trung Quốc) mắc kẹt ở kênh đào Suez đã gây nên sự gián đoạn không hề nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tình hình an ninh ở khu vực Biển Đỏ không cải thiện, cái giá phải trả giờ đây sẽ cao hơn nhiều.
Thứ hai, đó là nguy cơ leo thang căng thẳng quân sự ở Trung Đông. Theo chuyên gia Fabian Hinz của Viện quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) có trụ sở ở London, lực lượng Houthi đang sở hữu một kho vũ khí chống tàu đồ sộ, với nhiều tên lửa có tầm bắn 800 km, thậm chí là tên lửa đạn đạo tầm bắn 2.000km.
Thời gian qua, tàu chiến của Mỹ, Anh và Pháp đã nỗ lực ngăn chặn nhiều cuộc tấn công. Riêng ngày 16/12, họ hạ tới 15 UAV. Song họ rất khó duy trì cách tiếp cận phòng thủ do chi phí cao, cần lượng lớn tàu chiến hoạt động song lại không quá hiệu quả. Chỉ cần vài UAV vượt qua mạng lưới phòng thủ thành công, các tàu chở hàng thương mại sẽ tiếp tục tránh xa Biển Đỏ và kênh đào Suez.
Một phương án khác là triển khai các cuộc tấn công trực tiếp vào Houthi và kho vũ khí của họ. Mỹ và Israel đã lên kế hoạch, song cả hai đều có lý do để chần chừ: Xứ cờ hoa không muốn góp mặt trong một xung đột khác ở Trung Đông, trong khi Israel còn đó bài toán Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah tại Lebanon.
Cách tiếp cận ba góc độ
Trong bối cảnh đó, Mỹ tuyên bố đang triển khai bước đầu tiên trong cách tiếp cận ba bước.
Đầu tiên, đó là tăng cường hiện diện quân sự quốc tế ở Trung Đông. Ở thời điểm hiện tại, ít nhất năm tàu khu trục Mỹ đã có mặt ở Biển Đỏ, mỗi tàu sở hữu ít nhất 600 tên lửa các loại. Đồng thời, tàu sân bay USS Dwight Eisenhower hiện đang đóng ở Djibouti, với bốn phi đội máy bay chiến đấu có phạm vi hoạt động vươn tới lãnh thổ Houthi kiểm soát. Liên minh của Mỹ sẽ thiết lập hành lang an toàn cho các tàu thương mại và vận tải hàng hóa đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.
Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho bước thứ hai - ngoại giao. Hiện Saudi Arabia đang tiến gần tới thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Houthi để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài tại Yemen chín năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, Washington có thể kêu gọi Riyadh lồng ghép điều khoản về chấm dứt tấn công tàu thuyền trên biển.
Cuối cùng, nếu lực lượng Houthi không tuân thủ thỏa thuận hay tiếp tục tấn công các tàu thương mại, vận tải hàng hóa với tần suất tăng lên, do tầm quan trọng của tuyến đường biển, không loại trừ khả năng Mỹ và đồng minh tấn công phá hủy kho vũ khí chống tàu của lực lượng này.