Vài năm qua, chi phí lao động tăng lên đáng kể ở Trung Quốc khiến một lượng số đông các công ty đã chuyển dịch sang Việt Nam. Thậm chí, có công ty lựa chọn Việt Nam để mở cửa hàng đầu tiên. Việc Việt Nam ngày càng được biết đến như một trung tâm thu hút các nhà sản xuất toàn cầu khiến một trong những ngân hàng đầu tư uy tín nhất thế giới - Credit Suisse (Thụy Sĩ) dự đoán GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,3% trong năm tới. Điều đó đồng nghĩa Việt Nam sẽ là nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh thứ ba thế giới, sau Ấn Độ (7,8%) và Trung Quốc (6,6%). Ngay cả khi tăng trưởng của xuất khẩu đang chậm lại, chính sự gia tăng tiêu thụ trong nước đang giúp Việt Nam duy trì đà phát triển kinh tế.
Xuất khẩu của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc vào những năm đầu của thế kỷ XXI, đạt đỉnh là 34,2% vào trong năm 2011. Do sự suy giảm nhu cầu nhập hàng hóa của thị trường Trung Quốc và Mỹ (hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng chậm lại. Credit Suisse dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm từ 7,1% năm 2015 xuống còn 6,9% trong năm 2016.
Tuy nhiên, nhân tố quan trọng khiến sự suy giảm xuất khẩu của Việt Nam không ở mức quan ngại chính là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 10-15% của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường châu Á (trừ Nhật Bản) cũng như sự hấp dẫn các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Credit Suisse dự kiến, tổng FDI của Việt Nam vẫn đạt 13 tỷ USD trong năm nay, giảm một chút so với 14,5 tỷ USD của năm 2015. FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng nhờ Hiệp định TPP. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới Peterson (Mỹ), với việc ký EVFTA, dự kiến đến năm 2025, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 10%.
Trong khi đó, chi tiêu trong nước còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều. Doanh số bán lẻ thực tế ở Việt Nam đã tăng từ 8,4% năm 2014 lên 9,2% năm 2015. Giá nhiên liệu và thực phẩm giảm đã kích thích sức mua và nâng giá trị tiền lương thực tế lên 10% và 14% trong hai năm 2014 và 2015. Các ngân hàng Việt Nam cũng tăng cường cho vay tiêu dùng. Trong nửa đầu năm 2015, số lượng các khoản vay cá nhân ở nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam đã tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2016, chi tiêu của người dân Việt Nam sẽ còn được thúc đẩy khi Chính phủ giữ được mức lạm phát thấp cũng như việc ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối diện với một số thách thức như tính thanh khoản, số lượng công ty niêm yết còn ít hay mức giới hạn sở hữu đối với các tổ chức nước ngoài. Các nhà phân tích của Credit Suisse kiến nghị nên tập trung đầu tư vào các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng mạnh mẽ, đơn cử ở ngành thực phẩm và đồ uống là Vinamilk hay trong ngành phần mềm, dịch vụ Internet như FPT.