Muốn tồn tại và vượt qua khó khăn trong thời điểm này, ngành du lịch Việt Nam cũng không thể không chuyển đổi số. |
Đây chính là lý do mà Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 vừa qua đã đổi chủ đề từ “di sản” sang “chuyển đổi số”, cũng như mới đây, tại Hội nghị Xây dựng Chương trình chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương xác định chuyển đổi số của ngành là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới.
Tại sao cấp thiết?
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định rằng chuyển đổi số là một hướng đi cơ bản để nhanh chóng chuyển du lịch thành một ngành kinh tế số và góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển trở lại trong những năm tới. Thực tế, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến sự phát triển của ngành nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động. Bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ số trở thành tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, cũng là cách để các đơn vị, doanh nghiệp thay đổi tư duy quản lý, tìm kiếm giải pháp tiếp cận với nhiều khách hàng cũng như thay đổi cách xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh đã được thế giới và Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D… Nhiều quốc gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này, coi đó là giải pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 bằng hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội luôn đi tiên phong trong việc chuyển đổi số, đưa công nghệ vào hoạt động du lịch và việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh du lịch đã được nhiều đơn vị thực hiện. Nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh như Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holding, một trong những doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số thành công, cũng chia sẻ: “Chúng tôi chuyển đổi số từ cách đây năm năm, vào thời điểm đó, ở Việt Nam ít người, ít doanh nghiệp dám chuyển đổi số. Trong năm 2020, vì dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến phức tạp, chúng tôi đã tập trung cao vào công nghệ. Có những công nghệ 10% tự động. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng được một nền tảng của người Việt, đặt trên trang Amazon”.
Càng khó, càng phải gỡ
Mới đây, tại Hội nghị cơ cấu lại thị trường khách du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng đặt câu hỏi “Ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh là một trong những xu hướng nổi trội, nhưng thực tế chúng ta đáp ứng được xu hướng này đến đâu?”. Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Lê Tuấn Anh: “Trước đây, khách hàng tìm đến với thông tin, nhưng ngày nay, chúng ta phải làm sao để thông tin tự tìm đến với khách hàng. Chính vì thế, việc cung cấp các nền tảng dữ liệu online sinh động cho khách là rất quan trọng”.
Khẳng định ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch là một trong những yếu tố sống còn, tại Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 28/11 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng chỉ ra thực tại: “Việc ứng dụng công nghệ gắn với du lịch thông minh ở Thừa Thiên-Huế vẫn đang còn nhiều hạn chế, chưa kết nối chuỗi hệ thống. Hạ tầng, thiết bị hỗ trợ còn chưa đồng bộ...”.
Mặc dù sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là cần thiết, bắt buộc và cần thực hiện mạnh mẽ trên phạm vi cả nước theo phương thức “càng khó, càng phải gỡ”.
Tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang tiến hành xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin về di tích. Tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, địa phương đang xây dựng bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng.
Được biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ hoàn thiện bản đồ du lịch Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến. Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới cấp thiết này.
Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, dự báo hết năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa ước giảm khoảng 50% so với năm 2019. Thiệt hại từ dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch nước ta ước tính lên đến 23 tỷ USD trong năm 2020. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc. |