Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn thể PECC lần thứ 27 với chủ đề “Tối ưu hóa tiềm năng con người hướng tới một tương lai thịnh vượng chung và bền vững trong thời kỳ Covid-19”. |
Với chủ đề “Tối ưu hóa tiềm năng con người hướng tới một tương lai thịnh vượng chung và bền vững trong thời kỳ Covid-19”, Hội nghị toàn thể Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) lần thứ 27 và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 15-17/12 với nhiều thảo luận sâu sắc và toàn diện về tình hình kinh tế thế giới, khu vực cũng như nhất trí về các định hướng hợp tác, nghiên cứu của PECC trong năm 2021.
Tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ đánh giá, nhận định về tình hình, triển vọng và các xu thế lớn của kinh tế thế giới và khu vực, cũng như các giải pháp và tăng cường phối hợp chính sách về kinh tế, thương mại, cải cách cơ cấu, tăng cường đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế số,... nhất là trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn biến phức tạp, dự báo về những điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ trong thời gian tới khi chính quyền mới lên nắm quyền, cũng như “cuộc chiến” về sản xuất và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19.
Hội nghị đặc biệt đề cao ý nghĩa quan trọng của việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040, coi đây là hai thành tựu quan trọng của năm 2020, tạo động lực để châu Á - Thái Bình Dương sớm phục hồi và tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong tăng cường liên kết kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận về vai trò của các liên kết FTA quy mô lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Tiến sỹ Võ Trí Thành phát biểu tại Hội nghị toàn thể PECC lần thứ 27. |
Theo đó, nhấn mạnh Hiệp định CPTPP và Hiệp định RCEP đóng vai trò trụ cột trong thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư của khu vực thông qua duy trì thị trưởng mở và thuận lợi, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, môi trường kinh doanh thông thoáng,... Đáng chú ý, nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) trên cơ sở 2 FTA quy mô lớn là CPTPP và RCEP.
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến liên kết kinh tế, thương mại tự do, Hội nghị đồng thời thảo luận về tăng cường các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế các-bon thấp; vấn đề mới đặt ra của thời đại số như thanh niên và việc làm tại châu Á - Thái Bình Dương, kinh tế số gắn với xây dựng hạ tầng cơ sở vì một xã hội bao trùm, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số,… với những thảo luận sâu sắc về thách thức và giải pháp trong tận dụng kinh tế số, đặc biệt là trả lời câu hỏi liệu kinh tế số sẽ làm thu hẹp hay gia tăng khoảng cách giàu nghèo và nhận diện những .
Đề cập đến triển vọng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của APEC đối với liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại và đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương; đề cao thế mạnh và tính độc đáo của APEC là “vườn ươm” của các ý tưởng và chia sẻ các kinh nghiệm cũng như thực tiễn tốt nhất của các nền kinh tế khu vực. New Zealand, Chủ tịch SOM APEC năm 2021 và là Chủ nhà APEC 2021, trình bày về các ưu tiên và định hướng hợp tác APEC trong năm tới.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC) và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Viêt Nam tham gia thảo luận tại Hội nghị toàn thể PECC lần thứ 27. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm Tiến sỹ Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch VNCPEC, và đại diện Bộ Ngoại giao.
Đoàn ta đã chia sẻ nhiều đánh giá về cục diện kinh tế thế giới và khu vực, triển vọng liên kết kinh tế, những động lực chính của tăng trưởng bền vững và bao trùm trong thời đại số,... cũng như đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết kinh tế, sớm phục hồi kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt, với những thành tựu hội nhập nổi bật và vai trò, đóng góp tích cực thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thời gian qua của Việt Nam, Đoàn ta được mời phát biểu chính về ý nghĩa của các liên kết kinh tế, thương mại tự do trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, ta nhấn mạnh vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương đối với phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu; với Tầm nhìn ASEAN sau 2025, Tầm nhìn APEC đến 2040, các Hiệp định CPTPP, RCEP,… sẽ là những động lực quan trọng để khu vực tiếp tục phát triển năng động trong tương lai. Đoàn ta đồng thời chia sẻ các thành tựu và kết quả nổi bật của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua.
Trong dịp Hội nghị đã diễn ra Phiên họp đầu tiên trong năm 2021 của Ủy ban thường trực Hội đồng PECC để thống nhất các ưu tiên hợp tác của PECC trong năm tới và một Phiên họp đặc biệt thảo luận về các vấn đề đối với thế hệ tương lai.