📞

Châu Á-Thái Bình Dương trước Covid-19: Định hình ba xu thế lớn (Kỳ 4)

Minh Vương 14:43 | 14/01/2021
TGVN. Sự bùng phát, lây lan của đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến ba xu thế lớn trong dòng chảy chung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2020.

Đại dịch Covid-19 đã tác động bao trùm tới mọi mặt của đời sống thế giới và châu Á-Thái Bình Dương không là ngoại lệ. Sau đây là ba xu thế nổi bật khu vực đã chịu tác động của đại dịch.

Hội nghị Đặc biệt của ASEAN về đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 14/4/2020. (Nguồn: VGP/Quang Hiếu)

Hợp tác, cạnh tranh song hành

Thứ nhất, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo và được đẩy mạnh do nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia nhằm phòng chống đại dịch Covid-19, song cạnh tranh nước lớn, căng thẳng tại các điểm nóng không vì thế mà hạ nhiệt, thậm chí còn gay gắt hơn tại một số nơi. Đại dịch Covid-19 đã khiến các quốc gia đẩy mạnh hợp tác kiểm soát biên giới, đặc biệt là trong phát triển và phân phối vaccine Covid-19.

Tại Đông Nam Á, những nỗ lực hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác cũng được đẩy mạnh. Các sáng kiến như xây dựng Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, duy trì liên lạc giữa ASEAN và đối tác trong phối hợp phòng và dập dịch đã được triển khai. Những nỗ lực này đã góp phần làm tăng tính đoàn kết nội khối, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời mở rộng và duy trì hợp tác ngoại khối.

Tuy nhiên, các điểm nóng tại châu Á-Thái Bình Dương không vì thế mà hạ nhiệt, thậm chí một số có xu hướng căng thẳng hơn. Cụ thể, cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt khi Washington đẩy mạnh trừng phạt chính trị-kinh tế với Bắc Kinh, triển khai các hợp đồng mua bán vũ khí với chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã khiến eo biển Đài Loan đặc biệt nóng. Trong năm 2020, tàu chiến Mỹ đã 13 lần đi qua khu vực này, còn Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã điều nhiều khí tài quan trọng tuần tra tại đây, khiến nguy cơ đụng độ quân sự giữa hai cường quốc tăng cao.

Đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quan hệ liên Triều không có nhiều tiến triển. Trong Đại hội Đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ VIII vừa diễn ra, Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn coi Mỹ là đối thủ hàng đầu, đồng thời ra lệnh củng cố kho vũ khí hạt nhân, qua đó ngầm khẳng định khả năng Triều Tiên phi hạt nhân hóa khó có thể xảy ra.

Trong năm 2020, tàu chiến Mỹ đã 13 lần đi qua khu vực này, còn Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã điều nhiều khí tài quan trọng tuần tra tại đây, khiến nguy cơ đụng độ quân sự giữa hai cường quốc tăng cao.

Trong năm qua, tình hình Biển Đông có chuyển biến mới với cuộc tranh luận bằng công hàm tại Liên hợp quốc. Việc 9 nước lưu hành 10 công hàm về vấn đề Biển Đông đã khẳng định và đề cao trật tự pháp lý trên biển, giá trị của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Cùng với đó, vấn đề Biển Đông được đề cập thường xuyên trong trao đổi của lãnh đạo cấp cao các nước, cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế cho thấy xu hướng quốc tế hóa và thúc đẩy thượng tôn pháp luật về vấn đề Biển Đông đang gia tăng mạnh mẽ.

Liên kết trong thách thức

Thứ hai, xu thế liên kết kinh tế khu vực được đẩy mạnh, song chủ nghĩa bảo hộ thương mại vẫn được duy trì tại nhiều quốc gia. Trong năm 2020, có 10 FTA song phương và đa phương đã được ký kết và đưa vào thực thi tại châu Á-Thái Bình Dương, như Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU, Anh; giữa Trung Quốc với Campuchia và nhiều FTA khác được đề xuất/đàm phán, bao gồm FTA Trung-Nhật-Hàn. Trong đó, RCEP chính thức được ký kết với vai trò luân phiên của Việt Nam, kết thúc quá trình đàm phán dài 8 năm. Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ RCEP sẽ tăng GDP của châu Á-Thái Bình Dương thêm 2,1% và thế giới lên 1,4%, tạo động lực tăng trưởng cần thiết cho các thành viên hậu đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhanh hơn, quyết liệt hơn, dù về bản chất, quá trình dịch chuyển sẽ có lộ trình diễn ra trong 2-5 năm và mang tính đa dạng hóa thị trường, chỉ chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng thay vì di dời toàn bộ khỏi các quốc gia sản xuất lớn. Sự điều chỉnh của thị trường này là đặc biệt đáng chú ý đối với Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ RCEP sẽ tăng GDP của châu Á-Thái Bình Dương thêm 2,1% và thế giới lên 1,4%, tạo động lực tăng trưởng cần thiết cho các thành viên thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

Mặt khác, chủ nghĩa bảo hộ vẫn được duy trì tại một số quốc gia đe dọa tác động tiêu cực tới triển vọng phục hồi thế giới nói chung và châu Á-Thái Bình Dương nói riêng hậu đại dịch Covid-19. Theo báo cáo gần đây của bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro kinh tế và chính trị EIU thuộc Economist Group (Anh), sự “hướng nội” của châu Á là bước lùi lớn với hội nhập toàn cầu chặt chẽ hơn. Ước tính, chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến GDP toàn cầu giảm 10.000 tỷ USD năm 2025.

“Phép màu” cho Cách mạng 4.0

Thứ ba, đại dịch Covid-19 và nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã thúc đẩy Cách mạng 4.0 có những bước tiến mạnh mẽ, đột phá. Nhiều quốc gia đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống sự bùng phát và lây lan của đại dịch Covid-19. Đơn cử như ứng dụng Bluezone của Việt Nam: Ứng dụng này đã giúp người dân nhận thức và giữ khoảng cách với những người có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2, qua đó góp phần giảm tình trạng lây lan trong cộng đồng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để phòng chống dịch Covid-19 được các quốc gia đẩy mạnh - Ảnh: Bluezone, ứng dụng cảnh báo Covid-19 trên điện thoại của Việt Nam. (Nguồn: VGP)

Một ví dụ khác là Nhật Bản: Mới đây, tập đoàn công nghệ NEC của nước này đã triển khai hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể xác định được cả những người đeo khẩu trang. Công nghệ này nhằm thích ứng với tình trạng “bình thường mới”, khi việc người dân che mặt đã trở thành biện pháp phòng dịch then chốt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành tại đất nước mặt trời mọc.

Thêm vào đó, ứng dụng công nghệ số đã giúp hoạt động kinh tế-xã hội tại nhiều quốc gia không bị gián đoạn do cách ly xã hội diện rộng. Mạng xã hội, nền tảng trực tuyến đã hỗ trợ quá trình học tập và làm việc từ xa. Các ứng dụng mua sắm, hệ thống thanh toán và giải quyết thủ tục hành chính điện tử giúp người dùng hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Quan trọng hơn, khoa học công nghệ không chỉ giúp phòng chống đại dịch Covid-19, giảm thiểu tác động tiêu cực tới nền kinh tế, mà còn hứa hẹn sẽ là nền tảng cho quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của các quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào tiêu chuẩn về mặt nhân lực, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ về mặt thể chế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.