Tại sao lại là Mỹ và Trung Quốc? Bởi lẽ, với ưu thế về tiềm lực kinh tế, quân sự và tầm ảnh hưởng lớn so với phần còn lại, Washington và Bắc Kinh là hai người chơi lớn nhất tại khu vực. Mối quan hệ giữa hai quốc gia này từng được coi “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế XXI” và được theo dõi sát sao.
Trước đại dịch Covid-19, quan hệ Mỹ-Trung đã ít nhiều tiến triển theo những gì mà Tổng thống Donald Trump mong muốn. Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một, ký kết hồi tháng Một có nhiều điều khoản có lợi cho Washington. Chiến dịch thuyết phục phương Tây “tẩy chay” hạ tầng mạng 5G của Huawei, hàng loạt trừng phạt nhắm vào nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc, kêu gọi công ty Mỹ dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã tiến triển nhất định. Ông Trump đã mơ về nhiệm kỳ thứ hai. Song đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã thay đổi hoàn toàn điều đó.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một năm đầy sóng gió. (Nguồn: AP) |
Đi trước về sau
Là quốc gia đầu tiên chịu tác động lớn của đại dịch, đã có lúc Trung Quốc chứng kiến gần 7.000 ca nhiễm/ngày, song với biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và hiệu quả, Trung Quốc đã ít nhiều kiểm soát được đại dịch, giảm số ca nhiễm xuống chỉ còn 17 người (ngày 14/12). Tính từ đầu dịch, Trung Quốc có tổng cộng 86.758 ca mắc Covid-19 và 4.634 trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, với các chính sách phục hồi hiệu quả như rót hàng trăm tỷ USD đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn và hỗ trợ tiền mặt kích thích tiêu dùng, Trung Quốc đã sớm trên đà phục hồi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc sẽ là quốc gia hiếm hoi có tăng trưởng kinh tế dương năm 2020 (1,6%).
Trong khi đó, Mỹ, với nền y tế công cộng tốt và có quãng thời gian chuẩn bị, lại bối rối trong phòng, chống dịch. Tính đến ngày 14/12, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất thế giới, với tổng cộng 16.902.920 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 307.800 ca tử vong từ đầu dịch. Đáng ngại hơn, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ đã tăng 50,000 người sau chưa đầy bốn tuần.
Quý II/2020 đã trở thành quý tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ, khi GDP giảm 31,4%. Ngay sau đó, GDP Mỹ quý III đã bật lại với tăng trưởng 33,1%, song khi hỗ trợ tài chính và chương trình kích thích kinh tế dần hết hiệu lực, Mỹ cần đối sách mới. Tốc độ tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 sẽ phụ thuộc nhiều vào quyết sách của Washington thời gian tới.
Tuy nhiên, quyết sách đó ra sao và người đưa ra nó là ai vẫn còn bỏ ngỏ. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người Mỹ chết, nền kinh tế chao đảo, trong khi chính phủ thiếu vắng kế hoạch chống dịch toàn diện và đồng bộ đã làm ông Trump mất điểm với cử tri và thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua.
Quá trình đấu tranh, kiện tụng của ông chưa thể cản bước ông Joe Biden, ngày 14/12, nhận đủ số phiếu đại cử tri cần thiết và chính thức trở thành Tổng thống đắc cử Mỹ. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu gì cho thấy ông Donald Trump sẽ từ bỏ và ra đi trong êm đẹp vào ngày 20/1 tới.
Áp lực toàn diện
Tác động từ đại dịch đã khiến Washington đưa ra điều chỉnh mới, tăng cường áp lực với Bắc Kinh.
Trên khía cạnh chính trị, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã không minh bạch trong kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 và cần chịu trách nhiệm trước sự lây lan của đại dịch này. Mỹ không ngại đụng chạm tới vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương như Tân Cương, Hong Kong, đẩy mạnh cải thiện quan hệ với chính quyền Đài Loan, bất chấp phản đối của Trung Quốc. Căng thẳng đã có lúc đạt đỉnh hồi tháng Bảy, khi hai bên ăn miếng trả miếng bằng cách đóng của hai Tổng Lãnh sự quán tại Houston và Thành Đô.
Về kinh tế, Mỹ gia tăng trừng phạt nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc. Hôm 12/11, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm doanh nghiệp và cá nhân Mỹ đầu tư vào các công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định có dính líu quân đội Trung Quốc, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), Công nghệ xây dựng Trung Quốc và Công ty Tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.
Ngày 7/12, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố áp dụng biện pháp trừng phạt đối với 14 Đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc về vấn đề Hong Kong.
Về quân sự, Mỹ tăng cường thách thức Trung Quốc tại các điểm nóng khu vực. Ngày 21/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt ba hợp đồng bán vũ khí cho chính quyền Đài Loan trị giá hơn 1,8 tỷ USD. Hợp tác quốc phòng với đồng minh, đối tác khu vực được duy trì và mở rộng.
Đâu là nguyên nhân đằng sau sự tăng tốc triển khai các chính sách cứng rắn với Trung Quốc này?
Chính giới tại Washington nhận thức rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức lớn tới vị thế, lợi ích của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cần được kiểm soát. Chính sách cứng rắn của Washington với Bắc Kinh chỉ là câu chuyện sớm muộn.
Tuy nhiên, tại sao chúng được triển khai mạnh vào lúc này? Lưỡng đảng, lưỡng viện ủng hộ các chính sách cứng rắn với Trung Quốc và ông Trump nhận thức rằng thúc đẩy các chính sách này là con đường để ông trở lại Nhà Trắng. Do đó, ông đã tích cực thể hiện thái độ với Trung Quốc, thách thức Bắc Kinh trong những vấn đề nhạy cảm nhất dù đó là Tân Cương, Hong Kong hay Đài Loan.
Thêm vào đó, ông Trump tích cực chỉ trích, coi Trung Quốc là “kẻ xấu”, với nước Mỹ là “người tốt” và các chính sách cứng rắn với Trung Quốc là điều nên làm.
Việc ông liên tục khẳng định SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, hoài nghi các nỗ lực điều tra nguồn gốc dịch bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Vũ Hán là một ví dụ như vậy. Quan trọng hơn, đó còn là cách ông hướng sự chú ý của cử tri khỏi những vấn đề nội bộ nước Mỹ đang đối mặt.
“Chính giới tại Washington nhận thức rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức lớn tới vị thế, lợi ích của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cần được kiểm soát. Chính sách cứng rắn của Washington với Bắc Kinh chỉ là câu chuyện sớm muộn”. |
Chiến lược “Tuần hoàn kép”
Trung Quốc, trước áp lực từ Mỹ, cũng đã có những điều chỉnh cần thiết.
Thứ nhất, Trung Quốc đã tích cực “minh oan”, đáp trả mọi cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc không minh bạch trong quá trình chống dịch Covid-19 và nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Cuối tháng 11, sau khi WHO khởi động tiến trình điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2, hàng loạt báo cáo và nghiên cứu “khoa học” từ giới học giả Trung Quốc đã gạt bỏ giả thuyết rằng SARS-CoV-2 xuất phát từ Trung Quốc, cho rằng virus này có nguồn gốc tại Ấn Độ, xuất hiện tại Italy trước khi đến tại Trung Quốc. Xét cho cùng, việc bị cáo buộc làm lây lan đại dịch chết người sẽ tác động tiêu cực tới nỗ lực xây dựng hình ảnh cường quốc có trách nhiệm của Trung Quốc.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 là cú hích để Trung Quốc đẩy nhanh triển khai chiến lược “tuần hoàn kép”. Trong bài phát biểu khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ ba tối ngày 4/11, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định đây là “cục diện phát triển mới” gồm hai vòng tuần hoàn trong nước và quốc tế bổ trợ lẫn nhau, trong đó vòng tuần hoàn trong nước là chủ đạo song vẫn mở cửa, phù hợp với nhu cầu phát triển tự thân của Trung Quốc và đem lại lợi ích cho các nước khác.
Đáng chú ý, chính sách “tuần hoàn trong nước” này đã được ghi trong các mục tiêu lớn hơn về phát triển trong nước của Trung Quốc như “Made in China 2025” và từng được đề cập bởi giới học giả và một số lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Khái niệm này dựa trên ý tưởng kép về một nhà nước, đóng vai trò là động cơ chính của hoạt động kinh tế và về một nền kinh tế được kích thích từ bên trong, đặc biệt là tiêu dùng trong nước.
Do đó, chính sách này có thể giúp Trung Quốc hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, củng cố vai trò của chính quyền trung ương trong nền kinh tế. Theo cục diện này, Bắc Kinh đã soạn thảo kế hoạch đầu tư quốc gia cho các ngành chiến lược như viễn thông và chip bán dẫn, qua đó hướng tới giảm nhẹ tác động từ các lệnh trừng phạt từ Washington.
Thứ ba, Trung Quốc một mặt vẫn duy trì hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khu vực, song không ngại thể hiện lập trường cứng rắn khi bị Mỹ thách thức trong những vấn đề nhạy cảm về chủ quyền, cho dù đó là tại Tân Cương, Hong Kong hay Đài Loan. Đơn cử, trước việc Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với chính quyền Đài Loan, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã tăng cường tuần tra tại Eo biển Đài Loan, khiến khu vực này trở thành một trong những điểm nóng đáng chú ý nhất tại châu Á - Thái Bình Dương và luôn đứng trên bờ vực xung đột.
Quan hệ Mỹ - Trung năm 2020 dưới tác động của đại dịch Covid-19 không hạ nhiệt mà còn trở nên nóng hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra nhiều thách thức đáng kể đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, trong đó có Việt Nam.