📞

Chết vì Covid-19 hay... vì đói?

18:12 | 15/04/2020
TGVN. Một số quốc gia đang phải đối mặt với một câu hỏi mà câu trả lời chỉ có thể là... bế tắc, một cái chết do dịch bệnh Covid-19 hay là đói?
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phản đối đóng băng nền kinh tế. (Nguồn: Getty)

Trong đại dịch viêm phổi cấp Covid-19 nguy hiểm, ở đâu đó trên thế giới con người đã không thể có được một sự lựa chọn như ý, bởi họ không thể cùng lúc vừa thực hiện cách ly xã hội phòng dịch bệnh, lại vừa kiếm được thứ gì đó để no bụng.

Chỉ một lối thoát

Sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đã khiến nhiều quốc gia giàu có buộc phải đóng băng nền kinh tế, nhưng có những nền kinh tế thu nhập thấp hoặc trung bình đành phải chấp nhận chỉ một lối thoát và biết chắc, họ không thể đủ khả năng để lựa chọn những phương án tốt hơn.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là một trong những người đang có lập trường gây tranh cãi nhất khi ông phản đối biện pháp giãn cách xã hội và đóng băng nền kinh tế vì cho rằng, những giải pháp đó là không cần thiết, nó chỉ khiến nền kinh tế trì trệ vì “một ngày nào đó, chúng ta đều phải chết”, ông Bolsonaro tweet. Nhưng trên thực tế, không chỉ Tổng thống Brazil bày tỏ rõ quan điểm này.

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã phát hiện ra, phần lớn các quốc gia mới nổi chỉ triển khai giải pháp “đóng cửa” vừa phải, chỉ một số ít đóng cửa hoàn toàn. Những người lao động Thổ Nhĩ Kỳ độ tuổi từ 20 đến 65 vẫn đang làm việc bình thường trong bối cảnh trong nước, các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh Covid-19 và tử vong vẫn tăng vọt từng ngày.

Trong khi đó, như một số quốc gia khác, Pakistan đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với đại dịch toàn cầu, cấm tụ tập nơi công cộng và cho mọi cơ sở không kinh doanh thực phẩm hay thuốc men dừng hoạt động, các ngành công nghiệp xuất khẩu, bao gồm cả dệt may đều bị bỏ ngỏ. Nhưng khác với những quốc gia thực thi biện pháp tương tự, vấn đề đối với nền kinh tế này là một lệnh phong tỏa kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả tàn khốc cho kinh tế, thậm chí là chết người.

Như Bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaita từng nói, đối với các quốc gia có mạng lưới an sinh xã hội yếu, việc đưa ra các hạn chế đi lại và lệnh ở nhà sẽ dẫn đến đói, thậm chí chết đói nhiều hơn.

Cho đến nay, 90% các trường hợp tử vong thuộc về các quốc gia có nhiệt độ trung bình dưới 63 độ F (2,2 độ C) và hầu hết trong số đó là những nước giàu có và phát triển ở Bắc bán cầu. Nhưng điều tồi tệ nhất có lẽ còn chưa tới, khi dịch bệnh đã cận kề các quốc gia ấm áp hơn của thế giới mới nổi, đe dọa các nền kinh tế và tài chính non nớt.

Không lựa chọn nào tốt hơn

Giới quan sát bắt đầu lo ngại về những “cơn co thắt” đầu tiên trong kỷ nguyên hậu Thế chiến II sẽ hoành hành ở những nơi này.

Tuy những thiệt hại kinh tế đầy đủ vẫn chưa được thống kê, các dự báo tăng trưởng cho năm 2020 đã liên tục giảm, các thông tin tài chính thường nhật luôn là các con số buồn. Thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy, giảm tới 35% kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng toàn cầu vào tháng trước - mức giảm lớn nhất mọi thời đại. Mức giảm này tương tự “Thị trường Gấu” trong thời kỳ suy thoái và chỉ bằng một nửa so với năm 2008. Tuy nhiên, 6 thị trường mới nổi lớn gồm Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico, đã chứng kiến một sự sụt giảm khủng khiếp - hơn 70% so với mức cao nhất lịch sử và thị trường hiện giao dịch dưới mức thấp của năm 2008.

Đây chỉ là cuộc suy thoái toàn cầu lần thứ 8 trong thế kỷ qua và dịch bệnh đang thách thức các nền kinh tế mới nổi theo những cách chưa từng có. Họ không có nguồn lực đủ mạnh để trang trải cho các chương trình kích thích khổng lồ nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái sâu hơn nữa. Điều kiện sống đông đúc, chật chội khiến họ khó có thể ngăn chặn đại dịch bằng các quy tắc giãn cách xã hội. Nhưng nếu các quốc gia này áp đặt đóng băng chặt nền kinh tế, hệ thống phúc lợi yếu kém của họ khó có thể hỗ trợ người lao động thất nghiệp trong thời gian dài.

Mỹ đã cam kết chi gói cứu trợ tương đương 10% GDP để kích thích và duy trì sự tăng trưởng. Đức, Anh và Pháp có kế hoạch chi tiêu từ 15% GDP trở lên. Thậm chí, các quốc gia giàu có còn có khả năng vay và chi tiêu tự do, bất kể dịch bệnh nguy hiểm đến đâu. Nhưng các quốc gia mới nổi lại không thể mạnh tay như vậy, họ cũng có các chương trình kích thích nhưng khiêm tốn hơn rất nhiều, chiếm từ 1 - 3% GDP. Họ bị mắc kẹt, bởi vì nếu vay nhiều hơn để chi tiêu, họ có nguy cơ đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư, gây ra sự sụp đổ hệ thống tiền tệ và trong nhiều trường hợp có thể là một cuộc khủng hoảng tài chính.

Mối đe dọa thật sự hiện hữu, bởi sau một thập kỷ tăng trưởng yếu, các quốc gia mới nổi bước vào đại dịch với tình trạng còn dễ bị tổn thương hơn so với trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện thâm hụt ngân sách của nhiều quốc gia đang rất lớn. Khi đại dịch xảy ra, nhiều nền kinh tế lớn mới nổi như Nam Phi, Nigeria và Argentina đã phải đối mặt với tình trạng thâm hụt kép khổng lồ ở cả ngân sách Chính phủ và tài khoản vãng lai. Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chạy đua tìm đến sự an toàn tương đối của đồng USD, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi cũng trở nên suy yếu, khiến khả năng thanh toán giảm mạnh.

Nguy hiểm hơn, khi tình trạng thương mại toàn cầu chậm lại sau năm 2008, nhiều nền kinh tế lớn mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Brazil đã được bảo vệ một phần bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhưng với đại dịch này, khi thương mại quốc tế chậm hơn nữa thì chính nó cũng đã bóp nghẹt các cánh cửa thương mại nội địa.

Nhiều nền kinh tế mới nổi không có nguồn lực đủ mạnh để trang trải cho các chương trình kích thích khổng lồ nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái sâu hơn nữa? (Nguồn: Businesstoday)

Đến nay, hơn 15 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nhưng ở các nước nghèo, khoảng 2 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp mà không có bất kỳ quyền lợi nào. Ở các nước phát triển, bảo hiểm thất nghiệp thường đảm bảo cho 6/10 công nhân mất việc làm chính thức, nhưng con số đó ở các quốc gia đang phát triển chỉ là 1/10.

Nhiều quan chức ở thế giới mới nổi nói họ không có cách nào để “sao chép” các gói cứu trợ được áp dụng ở các nước giàu. Như Thủ tướng Pakistan Imran Khan gần đây đã có một bình luận đáng phải suy nghĩ, rằng Nam Á đang phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt, hoặc là khóa chặt nền kinh tế để kiểm soát virus, hoặc là đảm bảo không chết vì đói và nền kinh tế không sụp đổ.

Và đến nay, khi dịch bệnh đã có mặt ở khắp thế giới, không ít nhà lãnh đạo ở các nền kinh tế mới nổi chỉ còn hy vọng sự lây lan của dịch bệnh sẽ bị chậm lại ở biên giới đất nước, cũng như đặt kỳ vọng hoàn toàn vào hai yếu tố thời tiết ấm áp và dân số trẻ. Trên thực tế, loại virus này có vẻ ít nguy hiểm hơn đối với những người trẻ, các số liệu cho thấy, tỷ lệ tử ở người trẻ vong thấp hơn tới 8 lần đối với những người trên 60 tuổi. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10% dân số già hơn 60 ở thế giới mới nổi, so với 25% ở các nước đang phát triển, vì vậy lợi thế này có lẽ là có thật.

Tuy nhiên, sự trớ trêu là tại các nền kinh tế mới nổi, một khi dịch bệnh đã tràn đến cũng là lúc mất khả năng kiểm soát. Bởi vậy, thật khó để họ có thể chọn lựa giải pháp nào tốt hơn giải pháp nào. Không giống như tại các quốc gia giàu có, một lượng lớn người lao động có thể yên tâm “ở nhà chống dịch”, ở nhiều nơi khác, nhiều người đành phải chấp nhận một thực tế không mong muốn là “ra đường” bất chấp dịch bệnh.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ cao, việc vừa phải đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững nền kinh tế, lại vừa bảo vệ được người dân trước mối nguy hiểm của dịch bệnh, đặt các Chính phủ vào thế khó. Đi tìm câu trả lời “chết vì Covid-19 hay... vì đói? họ vẫn chỉ có thể chọn một.

(theo New York Times)