Ngày 1/8, tại cuộc họp báo Tiết kiệm tổ chức Thế vận hội, một số quan chức của thành phố Bắc Kinh và Tổ Thế vận hội Bắc Kinh đã giải đáp câu hỏi trên.
13 tỷ NDT hay 280 tỷ NDT
Tại họp báo, ông Lưu Chí Kiên, người phát ngôn của Tổ Thế vận hội Bắc Kinh, cho biết hiện nay dự tính đầu tư cho xây dựng sân vận động (SVĐ) và nhà thi đấu thể thao cho Thế vận hội vào khoảng 13 tỷ NDT, trong đó đầu tư của trung ương và địa phương chiếm một nửa, nửa còn lại do xã hội hùn vốn, bao gồm cả tiền quyên góp của đồng bào Hong Kong, Macau, Đài Loan và kiều bào ở nước ngoài. Theo ông Kiên, “ở đây không tính 6 công trình liên quan như Công viên Olympic, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Làng Thế vận, Trung tâm Truyền thông Báo chí… vì những công trình này đều do các xí nghiệp tự lo vốn, sau thi đấu sẽ do xí nghiệp tự quyết định việc sử dụng lại”.
Về tình hình tiền vốn đưa vào, dự toán của Tổ Thế vận hội Bắc Kinh ban đầu là 1,625 tỷ USD, chủ yếu dựa trên cơ sở các Thế vận hội lần trước. Trong quá trình thực hiện, Tổ này đã phải làm 3 lần dự toán, lần cuối cùng là hơn 2 tỷ USD và được Ủy ban Olympic Thế giới phê chuẩn.
Tuy xây SVĐ và nhà thi đấu thể thao chỉ chi phí khiêm tốn khoảng 13 tỷ NDT, song theo ông Kiên, trong 7 năm chuẩn bị, Trung Quốc đã đầu tư cho xây dựng hạ tầng cơ sở tại Bắc Kinh khoảng 280 tỷ NDT, trong đó cho giao thông thành thị 178,3 tỷ NDT, hạ tầng cơ sở năng lượng 68,5 tỷ NDT, nguồn nước 16,1 tỷ NDT, môi trường đô thị 17,2 tỷ NDT. Ông Kiên còn cho biết: “Một số hạng mục như việc xây dựng 6 công trình xử lý nước ô nhiễm, đường xe điện ngầm số 5, ga chở khách riêng tại sân bay, cầu Tửu Tiên, thôn Ngô gia… đều là những hạng mục đã được xác định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Bắc Kinh vốn được dự kiến hoàn thành năm 2010, nay đã xong trước thời hạn đưa vào sử dụng”.
Tiết kiệm hay không, hãy xem hiệu quả!
Vậy chi phí tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh có tốn kém quá không? Tiết kiệm hay lãng phí? Ông Vương Hải Bình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách thành phố Bắc Kinh, nhấn mạnh: “Không thể chỉ nhìn vào con số chi tuyệt đối, mà phải nhìn tổng quát xem thông qua khoản chi đó đạt được những gì. Biết rõ hiệu quả cao/thấp mới có thể kết luận là tiết kiệm hay không”.
Ông Bình khẳng định, trong 7 năm, Bắc Kinh đã đầu tư 280 tỷ NDT cho xây dựng hạ tầng cơ sở. Trước tiên là xây dựng công trình mở rộng về phía Đông sân bay Thủ đô, xây dựng nhà ga T3, nâng cao khả năng hợp tác vận tải hàng không giữa Bắc Kinh và các nơi trên thế giới. Thứ hai là cải thiện được tình trạng đầu mối giao thông đường sắt và xây dựng tuyến đường sắt mới, bao gồm công trình cải tạo nhà ga Nam Bắc Kinh, công trình đường sắt Bắc Kinh, Thiên Tân. Mấy năm này, Bắc Kinh đã xây dựng thêm 578 km đường cho mạng lưới đường cao tốc, đầu tư hết 54,9 tỷ NDT. Hiện nay, Bắc Kinh đã hoàn thành mục tiêu các quận đều có đường cao tốc.
Ngoài ra, thành phố còn xử lý 290 km sông trong đường vành đai số 6, xây xong 9 nhà máy xử lý nước ô nhiễm. Tỷ lệ xử lý nước ô nhiễm hiện đạt 92%. Bắc Kinh cũng đã hoàn thành một số nhà máy xử lý rác, tỷ lệ xử lý rác vô hại trong thành phố hiện đạt 99,9%...
Khi xây những nhà thi đấu mới, Ban phụ trách đã tính toán kỹ đến khả năng sử dụng hậu Olympic. Chẳng hạn như xây một số nhà thi đấu gần trường đại học, nhà máy… để khi kết thúc Thế vận hội có thể giao cho các trường đại học hay nhà máy quản lý, sau 30 năm kinh doanh sẽ thu hồi được vốn.
Phương Anh (Theo Thanh Niên Trung Quốc)