NATO hiện đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để thông qua chiến lược đầu tiên cho không gian vũ trụ. Không còn chỉ quanh quẩn ở châu Âu, cùng lắm thì cũng chỉ vươn ra tới Afghanistan hay Iraq mà giờ liên minh quân sự này đã nhìn ra rất xa, không chỉ chỉnh sửa những chiến lược đã có mà còn hoạch định chiến lược cho phạm vi và lĩnh vực hoạt động mới.
Mục đích là dài hạn
Theo đúng tinh thần và ý nghĩa của câu ngạn ngữ "Mục đích thần thánh hoá công cụ", NATO luôn có ngay biện minh cho ý đồ nhòm ngó đến không gian vũ trụ. Ở trên đó hiện có khoảng 2000 vệ tinh các loại của các nước trên thế giới, có khoảng nửa triệu mảnh vỡ mà từ 20000 đến 30000 trong số ấy có thể gây nguy hiểm cho các vệ tinh kia. Những vệ tinh này cần thiết không còn có thể thiếu được nữa đối với cuộc sống của con người trên trái đất, an nguy và thịnh vượng của các quốc gia, tức là động chạm trực tiếp đến tương lai của con người và thế giới, cần phải được bảo vệ. Ở trên đó hiện vẫn là nơi vô chủ và chưa có trật tự dựa trên nền tảng pháp lý quốc tế nào. NATO cho rằng cần phải "cảnh giác" trong không gian vũ trụ bởi các vệ tinh kia có thể bị phá huỷ, bị hack hoặc bị sử dụng làm vũ khí tấn công. Vì thế, NATO đề ra chiến lược riêng cho không gian vũ trụ.
Theo chiến lược này thì trước mắt NATO mới chỉ đề cập vấn đề, tạo diễn đàn cho các thành viên của liên minh thảo luận và trao đổi thông tin, thống nhất quan điểm để có thể nhanh chóng phối hợp hành động mỗi khi xảy ra chuyện gì đấy trong không gian vũ trụ. Tiếp đến, NATO sẽ tính đến việc coi không gian vũ trụ là "phạm vi hoạt động" của NATO như trên bộ, trên biển, trên không và trong thế giới mạng. Sau đấy là chuyện đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong không gian vũ trụ. Đương nhiên là NATO không đề cập gì đến việc triển khai vũ khí tấn công cũng như phòng thủ trong không gian vũ trụ, nhưng việc đó khi ấy đâu còn khó khăn phức tạp gì nữa đối với NATO, nếu như không muốn nói đấy mới chính là thực chất mục tiêu chính cuối cùng của NATO với chiến lược này, như đặt dấu chấm trên chữ cái i.
NATO nhìn xa và nhìn lên không gian vũ trụ như thế đúng là vì có nhu cầu bảo vệ những vệ tinh trên quỹ đạo xung quanh trái đất. Mối đe doạ đối với chúng đến từ các mảnh vụn được gọi là rác trong vũ trụ chỉ là một phương diện. Một phương diện khác là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã thể hiện khả năng từ mặt đất phá huỷ vệ tinh. Mỹ đã từ lâu đeo đẳng ý đồ quân sự hoá vũ trụ với "Sáng kiến phòng thủ chiến lược" (SDI) trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước và mới đây tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định thành lập lực lượng quân đội riêng của Mỹ cho và trong không gian vũ trụ. Mỹ đã như thế thì việc NATO theo Mỹ chỉ là chuyện thời gian. Nói theo cách khác, không gian vũ trụ sớm muộn rồi cũng sẽ trở thành nơi cọ sát và đối kháng lợi ích giữa các nước có khả năng chinh phục vũ trụ.
Nhu cầu lại là trước mắt
NATO tính xa nhưng trong thực chất lại vì nhu cầu hiện tại và điều này thể hiện trên những phương diện sau.
Thứ nhất, chiến lược này là sự khởi đầu của việc NATO mở rộng phạm vi và môi trường hoạt động. Nó giúp NATO có thêm lý do và mục đích để tiếp tục tồn tại trong hoàn cảnh bị Mỹ coi thường, thậm chí cả bất chấp, và nội bộ phân rẽ sâu sắc. Nó giúp NATO được cảm nhận là thức thời và hợp thời, được công nhận có tầm nhìn chiến lược cao xa mà vẫn không bị mất tính thực tiễn.
Thứ hai, với chiến lược này, NATO lôi kéo Mỹ gắn kết hơn chứ không lỏng lẻo thêm với NATO, vừa tranh thủ Mỹ giữ cam kết với NATO lại vừa tận dụng ý đồ chiến lược của Mỹ liên quan đến không gian vũ trụ. Không có sự đồng tình và tham gia của Mỹ thì chiến lược này của NATO sẽ bị phá sản ngay từ giai đoạn trứng nước.
Thứ ba, chiến lược này có thể giúp các thành viên NATO vô hiệu hoá được những cản trở trong nội bộ đối với việc tăng ngân sách quân sự và quốc phòng, giúp NATO dễ dàng biện minh cho mọi hình thức và mức độ tăng cường vũ trang công khai cũng như bí mật.
Thứ tư, chiến lược này giúp NATO dần tạo dựng được con chủ bài và vũ khí đối phó với Nga và Trung Quốc về chính trị trên trái đất và về quân sự trong không gian vũ trụ. Trung Quốc và Nga cũng là hai địch thủ chính của NATO trong không gian vũ trụ, ít nhất thì cũng trong tương lai gần.
Chinh phục, quân sự hoá hay chiến tranh trong không gian vũ trụ là chuyện rất tốn kém về tiền của và thời gian. NATO dùng chiến lược này không phải vì tương lai mà vì hiện tại là trước hết. Hệ lụy tai hại không thể tránh khỏi của nó trong tương lai là kích hoạt và thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ và việc quân sự hoá không gian vũ trụ.
Dịch Dung