📞

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030: Bộ Ngoại giao khẩn trương ‘nhập cuộc’

Chu Văn 10:00 | 25/02/2023
“Nhập cuộc” Chiến lược xuất nhập khẩu cũng là góp phần triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó xác định việc nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Gian hàng Tết Việt Nam trong Tuần hàng Tết Việt Nam năm 2023 tại đại siêu thị Carrefour Part Dieu, thành phố Lyon, Pháp. (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Pháp)

Ngày 19/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1445/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Quán triệt và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Bộ Ngoại giao sớm "nhập cuộc" với việc đưa ra Kế hoạch hành động nêu bật nhiệm vụ cụ thể và giải pháp chủ yếu, thể hiện rõ vai trò tiên phong của từng đơn vị liên quan, nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa.

Việc tăng cường phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa bộ phận ở trong nước với hệ thống Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được đề cao, nhằm phát triển thị trường, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Đẩy mạnh kết nối chặt chẽ giữa cơ quan trong Bộ với cơ quan bên ngoài, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; góp phần thúc đẩy cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.

Nhiệm vụ mới nhưng không bất ngờ đối với mỗi cán bộ ngoại giao. “Nhập cuộc” Chiến lược xuất nhập khẩu cũng là góp phần triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó xác định việc nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tuy nhiên, việc triển khai Kế hoạch hành động nêu trên, đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều thách thức hơn năm 2022, sẽ đối mặt với những khó khăn mới. Song, như Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn từng nêu rõ, “tình hình càng phức tạp, thì càng kiên trì về nguyên tắc, càng linh hoạt về sách lược. Đối ngoại Việt Nam dựa vào cái bất biến là bản sắc đối ngoại, đường lối đối ngoại để ứng phó với cái vạn biến của thế giới, vì lợi ích quốc gia – dân tộc”.

Chính phủ đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 là: giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030; cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021-2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026-2030...

Bên cạnh đó, định hướng xuất nhập khẩu hàng hóa là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học – công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, “ngành ngoại giao cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hết mình, quyết tâm phát triền nền ngoại giao Việt Nam “vừa hồng vừa chuyên”, trong sạch, vững mạnh, tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng - để xứng đáng với sứ mệnh nặng nề nhưng hết sức vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, như Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nêu rõ tại Hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao năm 2022.