📞

Chiến thuật '3 mục tiêu, 3 giai đoạn' của Mỹ và đồng minh liệu có thể 'hạ knock-out' kinh tế Nga?

Chu Văn 18:00 | 23/08/2022
Các lệnh trừng phạt do Mỹ và các nước đồng minh nhằm vào kinh tế Nga hướng tới 3 mục tiêu và theo 3 giai đoạn, bao gồm: răn đe - cưỡng chế - tiêu hao. Một kế hoạch được đánh giá là không tồi, tuy nhiên, cái đích cuối cùng 'hạ knock-out' kinh tế Nga đã đạt được đến đâu?
Chiến thuật '3 mục tiêu, 3 giai đoạn' của Mỹ và đồng minh liệu có 'hạ knock-out' kinh tế Nga? (Nguồn: Reuters)

Gần bằng với thời gian Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine - 6 tháng qua, các mục đích trên của Mỹ và đồng minh liệu có đạt được?

Trên thực tế, các lệnh trừng phạt không đủ sức để răn đe, ngăn Tổng thống Putin ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhìn lại lịch sử, việc đe dọa áp các lệnh trừng phạt hầu như chưa bao giờ đạt được mục đích, chẳng hạn, không ngăn chặn được Mussolini tấn công Ethiopia-Abyssinia (1935), Saddam Hussein không tấn công Kuwait (1990) và hành động của Liên Xô tại Afghanistan (1979).

Ngay cả khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục tiếp diễn với các chiến dịch dồn dập, các nước liên tục "ra đòn kinh tế", áp các lệnh trừng phạt, đồng thời NATO hỗ trợ Ukraine kháng cự trên chiến tuyến, với hy vọng Tổng thống Nga Putin sẽ rút quân.

Rồi Nga bị tách khỏi phần lớn hệ thống tài chính thế giới, bị đóng băng phân nửa 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ bên ngoài. Các công nghệ quan trọng như sản xuất chất bán dẫn - nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vũ khí và một số mặt hàng dân sự, bị áp lệnh trừng phạt. Hơn 1.000 công ty xuyên quốc gia buộc phải dừng, hoặc giảm, giao dịch tại Nga. Hơn 600 lãnh đạo và nhà tài phiệt Nga, trong đó có cả Tổng thống Putin và gia đình, bị trừng phạt.

Kết quả là, trên thực tế, các lệnh trừng phạt có tác động tới nền kinh tế Nga. GDP đã sụt giảm ở mức lớn nhất kể từ những năm 90, đồng nội tệ (Ruble) mất giá, làm phát đạt mức gần 18%.

Nhưng nước Nga đã ứng phó bằng cách, thay đổi đối tác thương mại, vô hiệu hóa lệnh trừng phạt và sử dụng sức mạnh trong nước. Cụ thể, tuy phần lớn các nước tham gia trừng phạt Nga, nhưng một số nền kinh tế lớn và chủ chốt thì không. Vì thế mà Trung Quốc đã tăng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, cung cấp cho Nga một số mặt hàng quân sự và đưa ra nhiều tuyên bố ủng hộ. Ấn Độ tăng lượng nhập khẩu dầu từ 1% lên 20%.

Ngoài ra, các hoạt động buôn bán ngầm dầu mỏ Nga cũng được cho là tăng lên mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các nhà tài phiệt Nga tìm được các thiên đường trốn thuế và ngân hàng có thể bảo trợ cho tài sản của họ. Trong nước, Nga vừa dùng biện pháp kinh tế, như tăng lãi suất ngân hàng trung ương, vừa kiểm soát vốn để ổn định đồng Ruble.

Vậy xét về tiêu hao nguồn lực, Nga hay các nước tung lệnh trừng phạt sẽ chịu nhiều tổn thất hơn?

Các biện pháp đáp trả của Nga đối với các nước châu Âu (EU) bắt đầu có tác dụng. Nga cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt tới Liên minh Châu Âu. Tại Đức, giá điện tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm, thiếu hụt khí đốt đã khiến một số ngành kinh tế buộc phải cắt giảm sản lượng. Các nước châu Âu hiện đang áp dụng định mức sử dụng năng lượng ở một số thiết bị nhằm tiết kiệm, trong khi thỏa thuận gần đây không có khả năng cung cấp đủ năng lượng cho toàn khối.

Ở cấp độ toàn cầu, Mỹ đang quay lại tăng sản lượng khai thác dầu mỏ. Châu Âu quay lại sử dụng than đá, đe dọa mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, giá năng lượng khiến 40 triệu người ở các nước đang phát triển có nguy cơ nghèo đói, bên cạnh nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tuy nhiều dữ liệu cho thấy, nếu các nước châu Âu vẫn tiếp tục áp lệnh trừng phạt Nga và NATO vẫn hỗ trợ Ukraine trên chiến trường, nước Nga sẽ dần phải chịu tiêu hao theo mức lũy tiến. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, các lệnh trừng phạt khó dẫn đến một thay đổi chính sách. Chẳng hạn, Triều Tiên và Iran nhiều năm qua chịu các lệnh trừng phạt đến khắc nghiệt, nhưng khả năng dẫn đến thay đổi chế độ khó mà xảy ra.

Vậy đâu là yếu tố quan trọng để trừng phạt kinh tế có thể dẫn đến một thay đổi về chính sách? Bỏ qua vai trò của những yếu nhân trong hệ thống chính trị, chỉ nhìn dưới góc độ kinh tế, thì chỉ có thể là đề xuất một kịch bản nới lỏng trừng phạt, để đổi lấy việc Nga đồng ý điều chỉnh chính sách.

Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh có thể đem lại đúng điều nước Nga cần mà không làm tổn hại đến Ukraine hay không, lại là câu hỏi khó trả lời. Dầu vậy, chính họ sẽ là người tự phải gỡ bỏ những nút thắt trừng phạt, tìm ra "đáp án", nếu muốn dừng cuộc xung đột hiện nay.

(theo Foreign Policy)