📞

Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp Mỹ vẫn muốn “tá túc” ở Trung Quốc

16:49 | 22/11/2018
Bất chấp chiến tranh thương mại bị đẩy đến cao trào, nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn quyết chưa rời khỏi Trung Quốc mà tiếp tục chờ đợi thêm các động thái mới từ Bắc Kinh và Washington.

Nick Marro - Nhà phân tích của The Economist Intelligence Unit tại Hong Kng (Trung Quốc) cho rằng, không chỉ chờ đợi, sở dĩ giới doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng này là do họ đang tìm các cơ hội thúc đẩy đầu tư vào các nước khác, như Việt Nam.

Chờ tín hiệu từ Thượng đỉnh G20

Trên tờ CNBC, Nhà nghiên cứu thuộc S&P Global Market Intelligence - Chris Rogers cho biết, “rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đề cập tới những yêu cầu phải thay đổi, nhưng hiện tại họ chưa vội triển khai”. "Không ai thực hiện bất kỳ thay đổi nào cho đến khi họ biết chắc Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Buenos Aires, Argentina trong hai ngày 30/11 và 1/12 diễn ra như thế nào và câu chuyện giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập có diễn ra suôn sẻ hay không".

Một nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc. (Nguồn: Bodnara)

“Ở thời điểm hiện tại, tạm thời không thấy bất kỳ doanh nghiệp quan trọng nào của Mỹ rời khỏi Trung Quốc", ông Rogers cho biết.

Trong khi đó, theo kết quả một cuộc thăm dò do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc tiến hành từ ngày 29/8 - 5/9 đối với hơn 430 công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, hơn 60% các công ty cho biết lợi nhuận và nhu cầu của khách hàng của họ đã sụt giảm do hai nước áp thuế trả đũa lẫn nhau. Ngoài ra, hơn 52% các công ty trên cho rằng, Bắc Kinh đang “gây khó dễ” cho họ bằng nhiều biện pháp như thủ tục thông quan chậm, thanh tra gắt gao, hành chính quan liêu.

Một số người hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể làm giảm bớt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh các mức thuế “chót vót” mà hai người khổng lồ quyết đánh vào hàng nhập khẩu của nhau đã bắt đầu có hiệu lực.

Giới phân tích cho rằng, thuế tăng cao có thể khuyến khích các công ty Mỹ đẩy mạnh xu hướng gia tăng hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Trong khi chi phí lao động ở Trung Quốc đang tiếp tục tăng mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả một số công ty Trung Quốc đang hướng tới các nước Đông Nam Á như là các trung tâm sản xuất mới.

Tuy nhiên, mong muốn nhìn ra ngoài Trung Quốc, không hẳn có nghĩa là rời khỏi đất nước này. Mà thay vì đầu tư nhiều hơn vào một nhà máy ở Trung Quốc, một số công ty nước ngoài có thể đầu tư thêm ở một quốc gia khác, như Việt Nam chẳng hạn, nhà phân tích Nick Marro nói với The Economist Intelligence Unit như vậy.

Thật vậy, một nghiên cứu mới đây của Economist Intelligence Unit cũng đã chỉ ra rằng, Việt Nam và Malaysia có thể là hai nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất trong dài hạn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hai quốc gia này có cơ sở hạ tầng vững chắc để hỗ trợ phân phối và được định vị tốt trong chuỗi sản xuất các sản phẩm và linh kiện có thành phần thông tin và công nghệ thấp.

Theo kết quả nghiên cứu, Thái Lan cũng là quốc gia có tiềm năng củng cố vai trò như là một trung tâm sản xuất, do kinh nghiệm lâu năm của họ trong ngành sản xuất linh kiện điện tử, cũng như những nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia.

Việt Nam và Malaysia có thể là hai nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất trong dài hạn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. (Nguồn: EIU)

Một phát ngôn viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh cũng từng tiết lộ với CNBC rằng, các công ty Mỹ hiện đang ở Trung Quốc, nhưng họ đang tìm cách đa dạng hóa nơi sản xuất các linh kiện hoặc các sản phẩm được lắp ráp.

Gần hai phần ba số doanh nghiệp được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết, họ tạm thời không di chuyển hoặc xem xét một động thái như vậy. Chỉ có 13 trong số hơn 430 doanh nghiệp được khảo sát đang xem xét rời khỏi Trung Quốc - nhưng thay vì chọn Mỹ, Đông Nam Á mới là điểm đến hàng đầu của họ.

Đánh tín hiệu thăm dò

Thực tế cho thấy, chiến tranh thương mại leo thang không khiến các công ty Mỹ lo sợ như dự đoán, các doanh nghiệp không ồ ạt di chuyển. Vị chuyên gia của The Economist Marro cho biết, việc di chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang một nước khác là một quá trình thực tế sẽ mất từ 3 đến 5 năm.

Các doanh nghiệp Mỹ có thể đang muốn đánh giá lại những rủi ro chính trị bằng chính những tín hiệu thăm dò mà họ đang gửi đi, rằng họ đang có ý định thay đổi trung tâm sản xuất của mình.

"Bạn phải cẩn thận, nó không giống như bạn đang trốn thuế", Nhà nghiên cứu của S&P Rogers cảnh báo. Nó giống con dao hai lưỡi và "bạn có thể phải chịu một loại rủi ro danh tiếng nếu bạn đang hoạt động trên thị trường Trung Quốc, sau khi bạn rời đi. Có một loại quảng bá tiêu cực rất có thể đã theo sau bạn".

"Các doanh nghiệp sẽ không thực hiện những thay đổi lớn đối với chuỗi cung ứng của họ, cho đến khi họ chắc chắn rằng, các mức thuế mới sẽ được thực thi trong thời gian tới", chuyên gia Rogers phân tích.

Ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đã ký quyết định tăng thuế từ 10 - 25% đối với gói hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá 200 tỷ USD vào đầu năm mới. Đây là một nội dung mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tuần trước.

Chuyên gia Marro cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là một cuộc xung đột tương đối dài hơi. Tuy nhiên, ông hy vọng các công ty Mỹ sẽ ở lại Trung Quốc vì một lý do khác - chẳng hạn để khai thác một thị trường tiêu dùng đang phát triển.

"Chúng tôi không chờ đợi để chứng kiến một "cuộc di cư" lớn của các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Các công ty của Mỹ đã có mặt trên thị trường Trung Quốc trong nhiều năm và họ hiện đang nhắm tới việc giành thị phần". Chuyên gia Nick nhận định. "Nếu chúng ta nhớ tới những mối lo ngại cốt lõi về chiến tranh thương mại, thì họ lại đang xem xét tới các mối quan tâm về cách tiếp cận thị trường. Toàn bộ mục tiêu của họ là từ quan điểm không từ bỏ của người Mỹ".

Không hy vọng có đột phá ở G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, diễn ra vào ngày 30/11 tới đây. Kể từ tháng 7, Nhà Trắng đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Tổng thống Trump còn đe dọa áp mức thuế mới lên tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ còn lại. Washington hy vọng, lập trường cứng rắn của mình sẽ buộc Bắc Kinh phải thay đổi các hoạt động thương mại mà ông Trump nhiều lần gọi là "bất công", như trợ giá, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ...

Dù ông Trump tuyên bố căng thẳng với Bắc Kinh sẽ sớm hạ nhiệt trong một thời gian ngắn, thì một vài cuộc họp sẽ là không đủ để xây dựng lại mối quan hệ mạnh mẽ và hiệu quả giữa hai quốc gia. (Nguồn: AFP)

Mặc dù các nhà quan sát cho rằng, hai lãnh đạo Mỹ - Trung khó có thể đạt được một thỏa thuận quan trọng để giải quyết các vấn đề gây ra cuộc chiến thương mại, nhưng họ vẫn đánh giá Thượng đỉnh G20 là cơ hội để hai bên có thể xuống thang căng thẳng.

Công ty Moody's chuyên theo dõi rủi ro địa chính trị toàn cầu dự đoán rằng, "cuộc chiến" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ tiếp tục. Thậm chí họ cho rằng, mức thuế 10% mà Mỹ áp với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 25% vào ngày 1/1/2019.

Không mong đợi nhiều đột phá tại G20 là ý kiến chung của giới chuyên gia, còn theo Moody's, nếu hai bên đạt được đồng thuận về vấn đề nào đó thì nó cũng sẽ không toàn diện và chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, vì căng thẳng giữa hai bên không chỉ xoay quanh thuế quan. Đó là căng thẳng địa chính trị xoay quanh việc sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra các thách thức cho Mỹ.

Quan chức hai nước đã có những cuộc thảo luận với mục tiêu đưa ra một khuôn khổ mà ông Trump và ông Tập có thể thống nhất tại G20 nhưng họ không đạt được nhiều tiến bộ. Trung Quốc ban đầu đưa ra một số nhượng bộ tiềm năng trước Chính quyền Trump nhưng không nhận được phản ứng tích cực từ Mỹ, vì họ không hứa hẹn về những cải cách cơ cấu lớn mà Trump đòi hỏi.

Ít khả năng có bước đột phá đáng kể tại G20, chúng ta đều biết rằng, dù ông Trump có tuyên bố, căng thẳng với Bắc Kinh sẽ sớm hạ nhiệt trong một thời gian ngắn thì một vài cuộc họp sẽ là không đủ để xây dựng lại mối quan hệ mạnh mẽ và hiệu quả giữa hai quốc gia. Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ đã tồn tại từ lâu và chúng ta vẫn sẽ sống với điều đó trong nhiều năm tới. Đây không phải là điều mà chúng ta có thể đảo ngược trong một sớm một chiều.