Nhỏ Bình thường Lớn

Chiêu đãi Quốc khánh

Chiêu đãi Quốc khánh luôn là một trong những hoạt động ngoại giao quan trọng của các đại sứ quán. TG&VN xin giới thiệu những ghi chép về chiêu đãi Quốc khánh Pháp (ngày 14/7/1989 của ông Claude Blanchemaison, đại sứ Pháp tại Việt Nam giai đoạn 1989-1993 trong cuốn Bài Marseillaise của Tướng Giáp (Nxb Michel de Maule. 2013).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại sứ Blanchemaison.

Giống như các đồng nhiệm Pháp ở các nước khác trên thế giới, tôi cũng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm trọng thể 200 năm Cách mạng Pháp theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao. Cần một khoản kinh phí đặc biệt để tổ chức sự kiện này. Những lễ hội lớn đồng thời diễn ra khắp Paris. Do lệch múi giờ, sớm hơn 6 tiếng so với Pháp nên dù có nhiều hoạt động diễn ra ở Pháp, chúng tôi không thể xem truyền hình. Sứ quán vào thời kỳ đó không có ăng ten để thu tín hiệu truyền hình châu Âu. Cộng đồng nhỏ người Pháp mới hình thành ở Hà Nội hy vọng tổ chức được một ngày hội vui và tạo tiếng vang tới tận Bộ và Phủ Tổng thống.

Tôi chờ đón sự hiện diện của đại sứ các nước ở Hà Nội và các quan chức cấp cao Việt Nam - vốn là các đối tác đối thoại quen thuộc của chúng tôi. Tôi cũng muốn mời một số lượng lớn người có tiếng nói trong xã hội dân sự và giới nghệ sỹ tới dự, đó là các nhạc sỹ, họa sỹ, giáo sư, nhà nghiên cứu, bác sỹ, nhà thơ, nhà văn... Ông Ngọc, người sau này được chính tôi trao tặng danh hiệu Viện sỹ hàn lâm, đã từng châm ngòi cho một cuộc tranh luận về tiểu thuyết hiện thực mới, đối ngược với các tác phẩm hay tôn thờ anh hùng xã hội chủ nghĩa, ở Hội Nhà văn - nơi ông là chủ tịch. Số là, hai năm trước, Nguyễn Huy Thiệp xuất bản Vị tướng về hưu, cuốn sách tạo tiếng vang vì lần đầu tiên đã mô tả cảnh nghèo túng của một anh hùng thời chiến trở về cuộc sống đời thường và sự khó hiểu trước những lệch lạc và rối loạn trong chính ngôi nhà của mình.

Nhưng ở một nước Việt Nam vẫn đang còn bao phủ về ý thức hệ, liệu tất cả các khách mời trên đều đến? Hay sự xuất hiện của người này lại là sự rút lui của người khác?

Tôi thực sự lo lắng. Tôi mới tới Hà Nội được một thời gian ngắn, với chỉ đạo chung là tạo điều kiện để Pháp và Việt Nam xích lại gần nhau và tôi vẫn luôn suy nghĩ về cách tốt nhất để đạt được mục đích này. Điều này càng quan trọng hơn vì đây là lần đầu tiên tôi giữ chức đại sứ. Hơn nữa, thời tiết trung tuần tháng 7 ở Hà Nội không hề dễ chịu. Cái nóng nhiệt đới và những cơn mưa rào lớn có thể trút xuống. Nhưng buổi lễ vẫn phải tổ chức ở ngoài trời do phòng tiệc trong Đại sứ quán đã khá cũ kỹ, vốn trước đây là xưởng chưng cất rượu.

Tôi đã tìm được một dàn nhạc Việt Nam sẵn sàng chơi nhạc Pháp và họ vui vẻ nhận lời tới chơi tại đây lần đầu tiên. Chúng tôi treo rất nhiều cờ tam sắc, tràng hoa và đèn lồng trên cây. Vài ba chuyên gia trẻ muốn mặc kiểu quần của những người cách mạng Pháp, dành một ngày đạp trên những chiếc xích lô được sơn lại thành màu lam, trắng và đỏ dạo qua các con phố, để thấy sự vui sướng của khách qua đường khi nhìn thấy những người Âu to lớn, mồ hôi nhễ nhại trên những chiếc xe của một thời đã qua. Mọi người ở đại sứ quán đều tham gia chuẩn bị các món cho tiệc rượu, làm các loại bánh mỳ phết pa-tê. Tiệc đứng sẽ rất thịnh soạn, với salad, hoa quả, các món nguội, pho mát của Pháp. Tôi cũng đã cho nhập về rượu vang vùng Touraine, quê hương tôi. Phía sau các nhạc công, dưới tán của một chiếc dù bằng kaki là bức bích họa được vẽ bởi các sinh viên trường Mỹ Thuật. Những sinh viên này cũng đã tái hiện bức tranh Tự do dẫn dắt dân tộc của Delacroix. Dù bộ ngực trần đó có thể gây sốc cho một bộ phận dư luận vẫn còn rất khắt khe, thì bưu chính Việt Nam lại vừa phát hành tem nói về dấu ấn này. Dù thế nào thì đây cũng là một hình ảnh biểu tượng cho Cách mạng và nền Cộng hòa, tuy nó thể hiện một cảnh bên chiến lũy năm 1830!

Thời khắc quan trọng đã tới, một hàng người xếp hàng trên vỉa hè dọc theo tường Đại sứ quán, mỗi người cầm cẩn thận trên tay chiếc giấy mời có in nổi hình quốc huy Pháp. Ít ra cũng đã có nhiều người tới! Trên phố Trần Hưng Đạo là sự lộn xộn thường nhật giữa xe đạp và xe máy. Ba sen đầm của chúng tôi, trong trang phục đại lễ, đã sẵn sàng.

Tiếng còi xe vang lên bất chợt, ba người đi xe mô tô đội những chiếc mũ lính tăng Liên Xô cũ vẫn còn quai da, dẫn đường cho chiếc Volga đen của Chính phủ từ từ đi vào qua cổng dành riêng cho xe ô tô và dừng lại trước tòa nhà. Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà bước xuống. Đây là bất ngờ đầu tiên, vì thời đó sẽ là rất bất thường khi lãnh đạo Việt Nam xuất hiện trước công chúng cùng với phu nhân. Bất ngờ thứ hai là Đại tướng mặc thường phục, điều này là rất hiếm. Như đã thành thói quen, nhân vật biểu tượng này luôn mặc quân phục. Hôm nay, ông mặc chiếc áo kiểu ký giả màu xám sáng cộc tay vốn thường được mặc vào mùa nóng ở thời kỳ đó. Còn phu nhân mặc áo dài, một trang phục truyền thống tinh tế, màu xanh với các họa tiết thêu hoa.

Tôi đón tiếp cặp vợ chồng nổi tiếng này cùng Phó Đại sứ và mời họ vào biệt thự dành làm nơi ở cho trưởng cơ quan đại diện ngoại giao. Ông Giáp nói vài câu về việc tòa nhà chính trong khuôn viên Đại sứ quán bị phá hủy trong đợt ném bom đầu tiên của Mỹ tháng 10/1972 và cho biết rằng biệt thự chúng tôi đang ở do Tướng Lattre de Tassigny xây năm 1952. Hai khách mời ngồi trên chiếc trường kỷ duy nhất trong phòng khách, màu vàng cam đã phai màu và hơi bị võng xuống, phía trên đầu là chiếc điều hòa cũ kêu to được gắn vào trong tường, ít nhất nó cũng hiệu quả trong việc xua bầy muỗi đang hoành hành vào mùa này. Họ quay lưng ra cửa sổ và hướng ánh mắt tinh tường vào bức khảm vịnh Hạ Long màu đen và vàng.

Vị tướng tỏ ra vui vẻ và chuyện trò bằng tiếng Pháp hoàn hảo, trong khi khuấy nhè nhẹ chiếc thìa trong chén trà của hãng Sèvres de la République. Ông nói về Paris nơi mà ông chỉ biết qua các cuốn sách đã đọc và một vài bộ phim. Ông nói đến những tác giả cổ điển như Victor Hugo, Alexandre Dumas, Émile Zola và Anatole France. Rõ ràng, ông không muốn nói về các cuộc chiến của mình. Ông lật một vài quyển sách đặt trên chiếc bàn thấp và hỏi mượn tôi. Ông thổ lộ với tôi rằng ông rất khó tìm được được các tác phẩm tiếng Pháp hiện thời. Tôi trả lời ông một cách tự nhiên rằng những cuốn sách này là của ông.

Ông nhấn mạnh rằng, sở dĩ ông có mặt tại Đại sứ quán Pháp lần đầu tiên trong đời vì đây là dịp kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp vĩ đại, vốn luôn là nguồn cảm hứng đối với ông. Điều đó làm ông nhớ tới người thầy dạy thời tiểu học và các thầy giáo ở Huế và Hà Nội đã kể cho ông về thời kỳ chiếm nhà ngục Bastille và dạy ông học hát bài La Marseillaise. Ông rất thích hành khúc cách mạng này.

HẢI VŨ (lược dịch)