📞

Chile thúc đẩy hội nhập châu Á - Thái Bình Dương

06:03 | 15/03/2017
Ngày 13/3, Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy hội nhập châu Á - Thái Bình Dương, tự do thương mại và chống bảo hộ tại hội nghị các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), diễn ra trong hai ngày 14-15/3 ở thành phố Viña del Mar (Chile).

Phát biểu với báo giới trước khi hội nghị mang tên “Đối thoại cấp cao về đề xuất hội nhập châu Á - Thái Bình Dương” khai mạc, ông Muñoz nhấn mạnh cuộc họp lần này diễn ra trong thời điểm “nhạy cảm” đối với kinh tế toàn cầu, khi mà chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng lên ngôi, do đó các nước tham gia TPP sẽ phải xác định liệu có cần tiếp tục theo đuổi hội nhập kinh tế, thương mại trong tương lai hay không.

Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz trả lời báo giới trước khi khai mạc Hội nghị, ngày 13/3. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại TPP do Chile xúc tiến tổ chức, nhằm tìm giải pháp cứu vãn TPP sau khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không tham gia thỏa thuận, vốn được thúc đẩy dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Ông Muñoz khẳng định, Chile sẽ tiếp tục theo đuổi tự do thương mại và hội nghị sẽ có sự tham gia của các quan chức cấp cao 12 nước thành viên TPP gồm Mỹ, Canada, Chile, Mexico, Peru, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam, cùng 3 nước không tham gia TPP là Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia.

Trả lời báo giới, ông Muñoz cho biết hiện tại 11 nước còn lại của TPP sẽ cần phải đàm phán lại thỏa thuận này, đồng thời khẳng định Chile sẵn sàng hỗ trợ công tác đối thoại nhằm tận dụng tối đa những điều khoản đã đạt được sau gần 1 thập kỷ đàm phán. Ông Muñoz cũng tuyên bố Chile sẵn sàng theo đuổi tự do thương mại. Tổng thống Chile Michelle Bachelet sẽ tiếp đón và tổ chức một số cuộc họp song phương với các phái đoàn quốc tế tới tham dự hội nghị.

Ngoại trưởng Muñoz đánh giá cao đề xuất về hội nhập kinh tế, thương mại của các liên kết khối như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

TPP rơi vào tình trạng khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt này. Hiện nay, một số thành viên TPP bao gồm Australia, New Zealand, Chile và Singapore đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại không có Mỹ, được gọi là "TPP11" hoặc "TPP 12-1".

(theo AP, Reuters)