TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, hình ảnh đời thường lại có khả năng truyền cảm hứng sẽ giúp nhà lãnh đạo tích lũy ảnh hưởng đối với xã hội, hay còn gọi là 'quyền lực mềm'. (Ảnh: NVCC) |
Hình ảnh chính khách dạo phố
Gần đây, dư luận trong nước được dịp thích thú chia sẻ hình ảnh Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thư thái thả bộ, ngắm cảnh Hồ Hoàn Kiếm và đàm đạo cùng Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đi dạo phố sách, uống cà phê và cười nói vui vẻ.
Những hình ảnh lãnh đạo cấp cao của nước ta dạo phố cùng lãnh đạo nước ngoài khiến người dân Việt Nam nhớ lại những sự kiện chính khách quốc tế dạo phố Hà Nội trước đây, thu hút sự chú ý rộng rãi mỗi khi tới thăm chính thức nước ta.
Để lại nhiều dư âm nhất là các sự kiện Tổng thống Pháp Francois Mitterand đi dạo phố Hàng Bông vào năm 1993; Tổng thống Mỹ Bill Clinton đi thăm Văn Miếu, phố Hàng Bông vào năm 2000; Tổng thống Barack Obama hòa đồng tại một quán bún chả bình dân vào năm 2016; Thủ tướng Canada Justin Trudeau lịch lãm dạo phố và uống cà phê vào năm 2017. Mới đây nhất, vào đầu tháng 6/2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngồi uống bia hơi đầy sảng khoái.
Chính khách dạo phố, hòa mình vào những hoạt động bình dân là những hình ảnh phá vỡ chuẩn mực truyền thống trong các nền chính trị Á Đông như ở nước ta. Trong tâm tưởng của nhiều người dân, các vị quan ngày xưa hay cán bộ lãnh đạo thời nay thường gắn với tác phong đạo mạo, nghiêm nghị, đề cao chuẩn tắc.
Cho đến nay, những chuyến đi thực tế của cán bộ lãnh đạo ở nước ta vẫn thường gắn với hình ảnh những đoàn công tác được tổ chức chỉn chu, lịch trình và địa điểm, đối tượng tiếp xúc đều được chuẩn bị kín kẽ, diễn ra chặt chẽ đến từng phút.
Gần đây, tại một số địa phương, cũng đã có những cán bộ lãnh đạo “vi hành”, bất ngờ khảo sát thực tế đời sống của người dân, tổ chức các buổi cà phê với doanh nhân… nhưng cũng chưa có được những khoảnh khắc tự nhiên, phóng khoáng, tạo nên làn sóng cảm hứng lan rộng, cùng những thông điệp mới mẻ và tích cực.
Văn hóa chính trị Á Đông vốn đề cao trật tự thứ bậc và kỷ luật cho nên, người dân thường giữ khoảng cách và khá e dè mỗi khi tiếp xúc với quan chức cấp cao của Nhà nước. Chính khách quốc tế đi dạo phố mỗi khi đến thăm nước ta là hình ảnh khác biệt so với những gì nhiều người vẫn nghĩ và hình dung.
Khung khổ thể chế lựa chọn lãnh đạo cũng giúp định hình mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo với người dân. Tại các nước như Mỹ, Australia, Canada, Hàn Quốc, gần đây là Campuchia, lựa chọn lãnh đạo thông qua bầu cử là một quy trình mở, đòi hỏi sự tương tác rất lớn đối với cử tri. Vì thế, rất dễ hiểu khi các nhà lãnh đạo đều cởi mở và sẵn sàng “xuống phố” để giao tiếp với người dân.
Từ góc nhìn xã hội học, sự quan tâm theo hướng tích cực của một bộ phận người dân đối với hình ảnh chính khách dạo phố có thể phản ánh một sự kỳ vọng trong cộng đồng xã hội. Trong đó, rất có thể một bộ phận người dân ở nước ta, nhất là giới trẻ, cũng đang mong muốn trong tương lai gần, sẽ có nhiều nhà lãnh đạo cởi mở và gần gũi hơn nữa với người dân, sớm tạo lập hình ảnh và có sức hút mạnh mẽ với dân chúng ngay từ khi còn trẻ.
Tạo dựng quyền lực mềm
Vai trò lãnh đạo đòi hỏi cá nhân phải có khả năng định hướng và dẫn dắt người khác để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo do mình hoặc tập thể ban lãnh đạo đề ra. Vì thế, từ góc nhìn quyền lực, những hình ảnh đời thường nhưng lại có khả năng truyền cảm hứng đến với đông đảo người dân sẽ giúp nhà lãnh đạo tích lũy ảnh hưởng đối với xã hội, hay còn gọi là quyền lực mềm. Đó là khả năng cá nhân tạo ra sức hấp dẫn đối với người khác, lan tỏa ảnh hưởng và thuyết phục người khác, để qua đó tập hợp được sự ủng hộ cho các ý tưởng lãnh đạo của mình.
Lịch sử nhân loại cho thấy, bất kỳ giai đoạn phát triển xã hội nào, muốn thành công bền vững thì các nhà lãnh đạo đều phải tạo ra sức hút, niềm tin và sự thuyết phục, vốn phụ thuộc rất lớn vào quyền lực mềm. Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một điển hình thành công về khả năng tạo dựng và duy trì quyền lực mềm thông qua những hoạt động bình dị.
Những cảm hứng tích cực với hình ảnh chính khách dạo phố trong thời gian gần đây gợi ra rằng, trong giai đoạn hiện nay, một nhà lãnh đạo thông thái, dù ở bất kỳ cấp độ nào, khu vực công hay tư đều không thể coi nhẹ việc tạo dựng quyền lực mềm cho bản thân. Nói cách khác, một nhà lãnh đạo hiện đại sẽ không giữ khoảng cách và để tồn tại sự e dè trong tâm lý của người dân. Thay vào đó, họ cần phải ý thức về tầm quan trọng của tương tác với cộng đồng, sự hòa đồng, lan tỏa ảnh hưởng trong số đông người dân.
Cũng có nghĩa, hoạt động lãnh đạo trong xã hội hiện đại không thể chỉ dựa trên sự cưỡng ép của quyền lực cứng, vốn gắn với cấu trúc tổ chức và việc nắm giữ các nguồn lực vật chất, mà còn rất cần ý thức vun đắp quyền lực mềm thông qua hình ảnh, uy tín và ảnh hưởng của nhà lãnh đạo trên bình diện xã hội. Sự kết hợp linh hoạt giữa quyền lực mềm với quyền lực cứng sẽ giúp nhà lãnh đạo có được “quyền lực thông minh”, gia tăng khả năng thành công trong hoạt động lãnh đạo.
Để có “quyền lực mềm” thì cá nhân nhà lãnh đạo trước hết phải cho thấy họ đại diện cho các giá trị tiến bộ, được cấp dưới cũng như đông đảo người dân mong đợi. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo cũng phải là người tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực phổ biến trong tổ chức và xã hội. Họ phải là những “kiểu mẫu tích cực”, cả về phong cách giao tiếp, lối sống, tác phong làm việc, cũng như tuân thủ các chuẩn mực hành vi trong các quan hệ liên cá nhân.
Trên thực tế, mỗi nhà lãnh đạo sẽ tạo dựng được quyền lực mềm khi nghĩ đến họ là người ta nghĩ ngay đến những giá trị tích cực mà bản thân cùng chia sẻ và cũng đang theo đuổi. Khi nhà lãnh đạo có quyền lực mềm, họ trở thành tấm gương tích cực, lan tỏa cảm hứng cho người khác, khuyến khích sự tự giác noi theo và làm theo. Cũng nhờ đó, nhà lãnh đạo sẽ thuận lợi hơn rất nhiều mỗi khi cần quy tụ sự ủng hộ cho các nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo.
Chính khách dạo phố có thể chỉ là những “tiết mục phụ” trong lịch trình đón tiếp lãnh đạo nước ngoài đến thăm nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng có quyền kỳ vọng những "tiết mục phụ" nhưng mới mẻ và tạo hiệu ứng tích cực như thế sẽ có thể thúc đẩy những chuyển biến theo hướng hiện đại về tác phong của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp ở nước ta.
| Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Đổi mới chương trình - sách giáo khoa quan trọng là tạo ra con người như thế nào? Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, đổi mới chương trình - sách giáo khoa quan trọng là tạo ra con người ... |
| Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đối thoại với giáo viên: 'Nóng' vấn đề chế độ chính sách và mức lương Trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân ... |
| Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Mức lương giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng chung Tại buổi gặp gỡ toàn ngành Giáo dục diễn ra sáng nay (15/8), Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, mức lương của giáo ... |
| Đổi mới giáo dục không phải chỉ là đổi mới sách giáo khoa... Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cần tạo đột phá chiến lược về thể chế TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm, chúng ta cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, các loại giấy phép và các ... |