Du khách chinh phục đỉnh Kilimanjaro cao nhất châu Phi. (Nguồn: The Guardian) |
Kilimanjaro là ngọn núi lửa không hoạt động ở Đông Bắc Tanzania, quốc gia ở phía đông châu Phi, với ba chóp núi hình nón được đặt tên là Kibo, Mawensi và Shira. Kilimanjaro là núi đứng một mình (núi đơn) cao nhất thế giới. So sánh về chiều cao nói chung, đây là núi cao thứ tư trong số bảy dãy núi cao nhất thế giới.
Với độ cao 5.895m, Kilimanjaro là đỉnh núi cao nhất châu Phi, có rừng và đồng bằng bao quanh. Núi thuộc công viên quốc gia Kilimanjaro. Năm 1987, cùng sáu hành lang rừng xung quanh, khu vực này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, và là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật phong phú.
Núi Kilimanjaro có ý nghĩa văn hóa quan trọng đối với người dân Tanzania, đặc biệt là các bộ lạc Chagga và Maasai, do được coi là ngọn núi linh thiêng trong văn hóa dân gian và truyền thống địa phương.
Mặc dù nằm gần xích đạo nhưng núi Kilimanjaro có khí hậu đa dạng, với các vùng sinh thái khác nhau, bao gồm rừng mưa nhiệt đới tươi tốt, đồng cỏ núi cao và vùng đất hoang vu lạnh lẽo giống như Bắc Cực ở gần đỉnh.
Kilimanjaro có hệ động thực vật đa dạng, gồm các loài thực vật độc đáo. Người ta bắt gặp nhiều động vật hoang dã ở các sườn núi thấp hơn, bao gồm voi, báo, khỉ và trâu rừng.
Núi Kilimanjaro là điểm đến của các nhà leo núi khắp nơi trên thế giới, thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm.
Khắc phục rủi ro
Núi Kilimanjaro hiện là nguồn thu du lịch quan trọng cho Tanzania và nước láng giềng Kenya. Mỗi năm, nơi này thu hút khoảng 35.000 người tới chinh phục đỉnh cao. Trước đây, việc leo núi mà không có Internet tiềm ẩn rủi ro cho du khách và những người vận chuyển, nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác.
Tập đoàn viễn thông của Tanzania đã lắp đặt dịch vụ Internet băng thông rộng trên núi, được du khách và người dân địa phương nhiệt liệt hưởng ứng. Lên tới ngọn núi cao nhất châu Phi, du khách vẫn thoải mái cập nhật tin tức lên mạng xã hội, hay liên lạc nhờ cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp.
Bộ trưởng Thông tin của Tanzania, ông Nape Nnauye, tuyên bố đây là “sự kiện mang tính lịch sử”. Nhờ có wifi, các nhà leo núi chuyên nghiệp hay du khách mê khám phá giờ đây có thêm sự hỗ trợ để chinh phục ngọn núi.
Để phục vụ du khách, Tanzania từng có kế hoạch xây dựng đường cáp treo lên đỉnh núi Kilimanjaro. Tuy nhiên, dự định này gây nhiều tranh cãi. Lý do là, một du khách leo núi có thể thuê tới 15 người phục vụ, gồm một hướng dẫn viên, một người nấu ăn và 13 người khuân vác đồ đạc. Nếu có tuyến cáp treo, hàng ngàn người phục vụ là dân địa phương sẽ mất việc làm và nguồn thu nhập.
Chinh phục ‘nóc nhà châu Phi’ |
Cung bậc cảm xúc quý giá
Khi có quyết tâm, thì dù là nam hay nữ, ở lứa tuổi nào, người ta vẫn có cơ hội chinh phục “nóc nhà của châu Phi”.
Vào tháng 6/2024, bà Jaya Kumra (52 tuổi, người Hong Kong, Trung Quốc) đã leo tám ngày để chinh phục đỉnh Kilimanjaro. Bà Kumra và hai người bạn đồng hành đã đi bộ 6-7 tiếng mỗi ngày. Có những lúc họ cảm thấy kiệt sức và muốn bỏ cuộc, nhưng rồi lại cố gắng động viên nhau để vượt qua.
Trải nghiệm thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa, gió lớn và giá lạnh, người phụ nữ này đã hoàn thành chuyến đi khiến nhiều người nể phục. Bà coi đó là món quà để mừng sinh nhật thứ 52 của mình.
Anne Lorimor, bà cụ 85 tuổi ở bang Arizona (Mỹ), là một trong những người cao tuổi nhất đã chinh phục được đỉnh Kilimanjaro.
Theo kênh KTVK của thành phố Phoenix, bang Arizona, bà Anne Lorimor hoàn tất chuyến leo núi Kilimanjaro cùng các cháu của mình vào tháng 8/2015. Chuyến đi kéo dài tám ngày. Trước khi đi, bà Lorimor nói trên kênh ABC 15: “Tôi mong mỏi thực hiện điều này từ lâu và bảo các cháu là bà rất muốn đi, rồi chúng đồng ý”. Bà đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới xác nhận là người phụ nữ lớn tuổi nhất leo núi đơn cao nhất thế giới.
Bà Lorimor cho biết mình leo núi để quyên góp tiền cho Challenge Youth Fund, quỹ từ thiện do bà tự gây dựng dành cho trẻ em nghèo.
“Dù không phải người leo núi chuyên nghiệp, tôi vẫn luôn yêu thích hoạt động này. Khi tôi được kết hợp thú vui leo núi với đam mê giúp đỡ trẻ em thì còn gì tuyệt vời hơn”, bà Lorimor chia sẻ.
Để lên được đỉnh núi cao “nóc nhà của châu Phi”, du khách phải mua tour với hướng dẫn viên, nhân viên khuân vác địa phương. Giá tour tùy thuộc vào cung đường, uy tín của công ty và số lượng người hỗ trợ. Thời gian chinh phục đỉnh Kilimanjaro mất khoảng chín ngày. Mùa tốt nhất để leo núi Kilimanjaro từ tháng 7-9. Các tháng còn lại mưa nhiều, khó đi và trời mây nên không nhiều cảnh đẹp. |
Anh Hoàng Lê Giang, một trong số ít người Việt đã chinh phục thành công “nóc nhà châu Phi” chia sẻ với truyền thông: “Dọc đường chinh phục đỉnh Kilimanjaro, bạn dễ dàng bắt gặp những đường mòn đông nghịt du khách. Những con đường được đặt theo tên các loại đồ uống bán dọc đường như đường Coca-Cola, đường Whiskey”.
“Cảm giác hạnh phúc nhất khi chinh phục thành công đỉnh Kilimanjaro là bạn bỗng thấy mình nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn. Dưới chân núi là dòng sông băng nhấp nhô, lấp lánh khi mặt trời chiếu vào. Đêm xuống, bạn được hòa mình giữa bầu trời đầy sao, khung cảnh kỳ vĩ như trong phim viễn tưởng”, anh Giang kể.
Đỉnh Kilimanjaro lừng danh đã trở thành điểm đến mơ ước cho những người yêu thích du lịch mạo hiểm. Những ngày chinh phục đỉnh Kilimanjaro là thời gian mang lại những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ cảm giác ao ước trèo lên đỉnh thành công mà vẫn còn chút sức lực để thưởng ngoạn, đến lúc được thực sự được sống giữa không gian trời mây bao la ấy…