Đầu bếp Michael Bảo Huỳnh tại nhà hàng Master Chef. |
Từ trò chơi với nguyên liệu...
Michael Bảo Huỳnh sinh ra tại TP. Hồ Chí Minh. Là anh cả trong một gia đình có sáu anh em, từ năm 11 tuổi, Bảo Huỳnh đã phải phụ mẹ nấu nướng, bán hàng tại tiệm ăn của gia đình. Sáng nào, cậu cũng phải dậy từ rất sớm để tẩm ướp và nướng thịt. “Ngay từ khi còn bé, tôi đã biết làm các món sườn nướng, cơm tấm, phá lấu, xá xíu... Lúc ấy, việc nấu nướng đối với tôi chỉ đơn giản là những trò chơi với các loại nguyên liệu”, anh nhớ lại.
Năm 16 tuổi, Bảo Huỳnh sang Mỹ để theo học ngành kiến trúc tại Học viện Công nghệ New York (cha anh là một kiến trúc sư nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh). Dù vậy, tình yêu ẩm thực trong anh vẫn cháy bỏng và anh luôn ước ao mở một nhà hàng ngay trên đất Mỹ. Tình cờ, gia đình nhận nuôi anh cũng mở một hàng theo phong cách Italy. Hàng ngày, sau những giờ lên giảng đường, anh đến nhà hàng để phụ bếp cho cha nuôi. Mỗi khi có bà con người Việt nào có cỗ bàn là anh lại đến nấu nướng miễn phí để rèn luyện tay nghề...
Năm 2002, Michael Bảo Huỳnh đã khai trương Bao 111 - nhà hàng đầu tiên của anh tại Mỹ. Các món ăn Việt Nam như sườn bò Mỹ nướng sả, gà kho tộ, gỏi cuốn... được anh biến tấu đôi chút để phù hợp với khẩu vị của người Mỹ. Vào thời điểm đó, ẩm thực Việt Nam chưa được phổ biến tại xứ cờ hoa. Anh cho biết: “Người Mỹ đã ăn đồ Trung Quốc gần 50 năm, đồ Thái khoảng 20 năm. Vì thế, họ coi ẩm thực Việt Nam là một xu hướng mới và là cách để tìm hiểu về mảnh đất này”.
Nâng tầm ẩm thực Việt
Năm 2012, anh trở về Việt Nam để đảm nhiệm vị trí bếp trưởng cho các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng và tham gia chương trình truyền hình Iron Chef với vai trò siêu đầu bếp và Master Chef Việt Nam với vai trò giám khảo khách mời. Tuy vậy, vị đầu bếp 47 tuổi này chỉ khiêm tốn coi đây như những cơ hội để học hỏi thêm về món ăn quê nhà.
Anh Michael Bảo Huỳnh là một trong những Siêu đầu bếp của chương trình truyền hình Iron Chef. |
“Thời xa xưa, người Nhật Bản sang Đức học hãng xe BMW rồi trở về tạo nên Toyota cũng thành công chẳng kém. Phong cách Fusion cũng vậy, quan trọng nhất là mình phải chọn đúng nguyên liệu, đúng loại gia vị để chúng hòa hợp trong món ăn của mình”, anh Bảo Huỳnh nói.
Nhận xét về các đầu bếp trẻ của Việt Nam, anh cho rằng, họ có thể nấu rất tốt những món ăn quê hương nhưng lại gặp khó khăn trong việc nâng tầm chúng hay học thêm về ẩm thực nước ngoài. Theo Michael Bảo Huỳnh, để đạt tới đỉnh cao trong ngành ẩm thực, người đầu bếp cần được ra nước ngoài để học hỏi và giao lưu. Thêm vào đó, họ cũng phải có điều kiện thưởng thức những món ăn ngon để có thể làm lại một cách chính xác. Anh nói: “Không tự mình ăn thì làm sao biết nấu? Học nấu ăn qua sách giáo vở chỉ có thể giúp đầu bếp tạo ra những món ăn giống về mặt hình thức mà thôi”.
Ẩm thực Việt Nam đã và đang tạo nên một “trào lưu” trên thế giới và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển xa hơn nữa. Theo anh, thành công này đến từ việc các món ăn Việt không dùng nhiều dầu mỡ như món Trung Quốc, lại ít cay hơn món Thái. Thêm vào đó, các món ăn có sự kết hợp gia vị vô cùng tinh tế nên gây ấn tượng mạnh đối với thực khách.
“30 năm trước, khi nhắc đến Việt Nam, người Mỹ chỉ nghĩ đến chiến tranh và súng đạn. Nhưng giờ đây, nhắc đến Việt Nam, họ nghĩ ngay đến những bánh mỳ, phở, chả giò... Con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim là qua dạ dày. Vì thế, quảng bá đất nước thông qua món ăn có lẽ là cách nhanh nhất để người nước ngoài hiểu về văn hóa Việt Nam”, anh Bảo Huỳnh chia sẻ.
Năm 2003, tờ New York Times đã bình chọn Michael Bảo Huỳnh là đầu bếp xuất sắc nhất New York. Sau đó bốn năm, nhà hàng Mai House mà anh mở cùng nam tài tử Robert De Niro tiếp tục được tờ báo này bình chọn là nhà hàng số một New York. Anh cũng “khoe” với phóng viên là đã từng nấu ăn cho nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... Khi còn ở New York, đầu bếp Michael Bảo Huỳnh cũng đảm nhiệm vị trí bếp trưởng trong rất nhiều bữa tiệc của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. |
Hoàng Quân