TIN LIÊN QUAN | |
Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều trần về các quyết định rút quân của ông Trump | |
Ai sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ? |
Quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vào ngày 20/12 có lẽ là cú sốc với nhiều người. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Donald Trump, quyết định này không quá nghiêm trọng bởi nó cũng chỉ là một sự kiện nhỏ trong số hàng trăm sự kiện “gây bão” diễn ra suốt thời gian qua.
Thực tế 2 năm qua cho thấy danh sách các quan chức rút khỏi khỏi chính quyền Trump ngày một dài thêm. Trước ông Mattis 6 ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cũng quyết định sẽ rút lui khỏi chính quyền đương nhiệm vào tháng 2/2019. Hàng loạt nhân sự cao cấp khác xin từ chức, hoặc bị sa thải diễn ra với tần suất liên tục trong năm 2018. Đáng chú ý nhất là sự ra đi của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson (13/3); Cố vấn An ninh Quốc gia H.R.McMaster (22/3); Bộ trưởng Cựu chiến binh David Shulkin (28/3); Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin (20/6); Giám đốc cơ quan Bảo vệ Môi trường Scott Pruitt (5/7); Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki R. Haley (9/10); Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions (7/11); Cố vấn An ninh Quốc gia Mira Ricardel (13/11); Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly (8/12).
Khi doanh nhân làm chính trị
Có nhiều lý do đưa tới quyết định “rũ áo ra đi” của các quan chức trong chính quyền Trump. Một số người có liên quan tới các vụ bê bối về sử dụng ngân sách và công quỹ sai mục đích. Một số khác lại bị dính líu tới cuộc điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Một số được cho là có “mâu thuẫn” với Đệ nhất phu nhân, hoặc không tìm được tiếng nói chung với Tổng thống Trump, vốn được coi là "nhạc trưởng" trong các chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ hiện nay.
Trong số các sự kiện này, quyết định “bị sa thải” đối với Giám đốc Cục điều tra FBI James Comey vào tháng 5/2017 là khá nghiêm trọng bởi nó tạo ra những quan điểm muốn “luận tội” Tổng thống. Trong khi đó, sự ra đi của Ngoại trưởng Rex Tillerson lại để lại nhiều tiếc nuối sau hơn 1 năm tại vị. Việc “trảm” Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tạo ra một “chấn động” nhỏ vì nó được thực hiện chỉ vài ngày sau đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện. Còn quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được coi là “lời chia tay ngọt ngào” bởi cách đây 2 tháng, chính Tổng thống Trump tuyên bố “ủng hộ hết lòng” với vị Tổng tư lệnh quân đội sau khi có những đồn đoán ông sớm bị sa thải vào tháng giữa tháng 10/2018.
Quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được coi là “lời chia tay ngọt ngào”. (Nguồn: AP) |
Việc “thay ngựa giữa dòng” các quan chức trong chính quyền có lẽ xuất phát từ quan điểm và góc nhìn của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump xuất thân từ một doanh nhân, từng trải qua nhiều cung bậc thành công và thất bại trong các hoạt động kinh doanh.
Cách tiếp cận của ông về các vấn đề chính trị do vậy cũng khác so với quan điểm truyền thống. Trump là người luôn đề cao hiệu quả công việc thay vì chú trọng tới uy tín, kinh nghiệm hay vị thế “danh gia vọng tộc” của bất kỳ quan chức nào. Phong cách lãnh đạo của Trump cũng bị ảnh hưởng bởi tác phong của một nhà tỷ phú quản lý một tập đoàn tài chính lớn.
Chính vì vậy, bất kỳ quan chức nào hoạt động không mấy hiệu quả, Tổng thống Trump sẽ thay thế ngay. Nó cũng đơn giản như việc ông thay một vị trí quản lý nếu không hoàn thành chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI). Là một nhà kinh doanh, Donald Trump luôn tìm kiếm sự hoàn hảo và mức độ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Không những thế, các quan điểm chính trị của Trump luôn là sự pha trộn của các tư tưởng chính trị khác nhau của nước Mỹ như: chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lệ, chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cá nhân và nhất là luôn đề cao cái tôi của mình.
Vì vậy, chính sách của chính quyền Trump có nhiều thay đổi, thậm chí trong mắt của nhiều người bị coi là “dị biệt”. Khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” hay “Nước Mỹ trên hết” thể hiện rõ tư duy này của Trump. Việc chính quyền Mỹ rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, các chính sách nhập cư, tìm cách giảm thâm hụt thương mại, thúc đẩy ngân sách quốc phòng, rút khỏi hiệp ước hạt nhân tầm trung với Nga, triển khai một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã cho thấy những tư duy khác biệt của ông Trump trong các vấn đề trong nước và quốc tế.
Xét trên khía cạnh khác, có thể thấy Trump là người có lập trường chính trị hay thay đổi. Năm 1987, ông xem mình là người của đảng Cộng hòa, thì tới năm 1999 lại coi mình thuộc đảng Độc lập của thành phố New York. Năm 2001, ông lại tự coi mình là người của đảng Dân chủ và tới năm 2009 quay trở lại là người của đảng Cộng hòa. Năm 2011, ông chuyển sang là người của đảng Độc lập và tới năm 2012 thì lại là người của đảng Cộng hòa.
Khó dự đoán, dễ thay đổi
Sự thay đổi quan điểm chính trị của Donald Trump cho thấy xu hướng nhìn nhận các vấn đề chính trị của ông một cách không nhất quán, chuyến biến khó lường. Góc nhìn của Trump về các nhà chính trị cũng rất khác, thậm chí là tiêu cực đối với các quan chức hoạt động trong Nhà Trắng. Việc liên tục thay thế các quan chức trong chính quyền hiện nay phản ánh xu hướng này, thậm chí được coi là cách để Trump “sàng lọc” nhân sự trong Nhà Trắng nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2020.
Trong thời gian tới, sự thay đổi bộ máy nhân sự vẫn là một thách thức đối với chính quyền Donald Trump. Theo tính toán, sau 2 năm, có tới 62% các vị trí cấp cao ở Nhà Trắng bị thay thế. Đây là con số tương đương với con số của 8 năm cầm quyền của chính quyền tiền nhiệm Obama. Thậm chí, vẫn còn hàng trăm trong tổng số 4.000 vị trí trong chính quyền chưa được bổ nhiệm hoặc thay thế được Tổng thống phê duyệt.
Trong khi đó, chính quyền đã bắt đầu triển khai các bước đi nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm 2020. Thay vì tiếp tục sử dụng khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chính quyền Trump đã chuyển hóa thành “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại” nhằm tiếp tục triển khai những kết quả đã đạt được.
Việc chính quyền Trump phải chia sẻ quyền lực tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng là một thách thức không nhỏ, bởi nó có thể tác động tới việc đưa ra các quyết sách về đối nội và đối ngoại. Sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ-Nga, Mỹ-Trung và cả những bất đồng trong quan hệ giữa Mỹ-EU cũng sẽ tác động tới việc hoạch định chính sách của Mỹ và quan hệ quốc tế.
Thay vì tiếp tục sử dụng khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chính quyền Trump đã chuyển thành “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại” . (Đồ họa: Daily Stock Records) |
Việc thay đổi liên tục các nhân sự trong chính quyền cũng sẽ khiến cho các chính sách của Mỹ trở nên khó dự đoán, dễ thay đổi và không ổn định. Những quyết định này cũng sẽ gây ra nhiều mẫu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng hòa. Ví dụ, quyết định rút quân khỏi Syria và Aghanistan đối với nhiều quan chức Mỹ là một “sai lầm chiến lược” nhưng đối với Tổng thống Trump lại là một quyết định đúng đắn, bởi sự can thiệp của Mỹ quá lâu vào các cuộc xung đột khu vực chỉ làm gia tăng chi phí khiến cho nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn.
Có lẽ ông Trump muốn tập trung nguồn lực để đối phó với những thách thức an ninh khác lớn hơn để tiếp tục “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”. Sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis chỉ là “giọt nước tràn ly” trong việc bất đồng với Tổng thống về các vấn đề quân sự và khiến ông phải nói lời “chia tay” với chính quyền.
Sự ra đi của quan chức trong chính quyền Donald Trump, với mỗi người đều có lý do và chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ. Tuy vậy, trong 2 năm qua, các quan chức này đã góp phần không nhỏ vào những kết quả thành công của chính quyền hiện nay.
Sự xáo trộn trong bộ máy nhân sự của chính quyền, nếu được coi là “đặc sản” trong phong cách lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, thì cũng nên nhìn nó ở phương diện tích cực để từ đó mỗi quốc gia có thể đưa ra các chính sách, kế hoạch hợp tác với Mỹ một cách phù hợp, ngắn hạn, nhằm tận dụng tối đa sự ủng hộ của các quan chức trong việc thực thi chính sách đối ngoại với từng quốc gia trong mỗi giai đoạn cụ thể.
Bất đồng quan điểm với Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một thông điệp trên Twitter ngày 20/12 tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, một cựu Tướng ... |
Rút quân khỏi Syria, ông Trump có “rút” luôn Bộ trưởng Quốc phòng? Tuyên bố đưa Quân đội Mỹ rời Syria của Tổng thống là lời cảnh báo dành cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, thành viên ... |
Vai trò của ông James Mattis trong quan hệ Mỹ - Trung Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được đánh giá là nhân vật quan trọng trong nội các của Tổng thống Trump đang nỗ lực cân ... |