📞

Chính sách đối ngoại Hàn Quốc: Cần ngả đúng chiều và đi đúng hướng?

Vy Anh 19:00 | 15/08/2023
Hàn Quốc luôn coi liên minh với Mỹ là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại. Tuy vậy, nước này vẫn phải khéo léo trong cả quan hệ với Trung Quốc và Nga vì những vấn đề liên quan Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chụp ảnh trước cuộc gặp ba bên trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/5 /2023. (Nguồn: AFP)

Củng cố liên minh với Mỹ - ưu tiên số một

Tờ The Korea Herald ngày 13/8 có bài viết tổng hợp ý kiến nhiều chuyên gia của Hàn Quốc với tựa đề “Hàn Quốc cần có một Đại chiến lược đối ngoại sau 70 năm”.

The Korea Herald cho rằng 70 năm qua đã đánh dấu sự đi lên của Hàn Quốc thành một cường quốc kinh tế có khả năng đối phó với Triều Tiên, nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân mà Seoul vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình để chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Những nỗ lực sau chiến tranh của Seoul chủ yếu dựa vào việc hợp tác với Mỹ - đồng minh lớn nhất của Hàn Quốc. Vào đầu những năm 1960, viện trợ từ Washington chiếm 35% ngân sách của Hàn Quốc và 73% chi tiêu quốc phòng của nước này.

Năm 1996, Hàn Quốc gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 1999, nước này gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Năm 2010, Seoul đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20, đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Á không phải là thành viên của nhóm G8 đóng vai trò chủ nhà.

Tuy nhiên, theo The Korea Herald, tiến bộ kinh tế đáng ghi nhận của Hàn Quốc đã bị tác động bởi vấn đề Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân sau khi từ bỏ thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân liên Triều năm 1992 và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2003.

Các nỗ lực quốc tế về giải trừ hạt nhân của Triều Tiên đã bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 2003, khi hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga mở ra cơ chế đàm phán 6 bên, ngay sau khi Triều Tiên rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân cùng năm.

Các bên đã tiến gần đến điều mà một số người tin là bước đột phá lâu dài vào năm 2018, khi các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên gặp nhau. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên lại tiếp tục xấu đi vào năm 2019.

Và tháng 12/2022, Hàn Quốc đã xoay trục sang liên minh ba bên do Mỹ lãnh đạo về giải trừ quân bị, công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một “bước ngoặt” trong lịch sử Hàn Quốc.

Trong giai đoạn trước mắt, The Korea Herald cho rằng việc củng cố liên minh do Mỹ lãnh đạo được cho sẽ là ưu tiên của chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Bài toán cân bằng trước cạnh tranh Mỹ-Trung

Chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington và Tokyo.

Quyết định của ông Yoon Suk Yeol về việc gác lại các tranh chấp lịch sử đã thúc đẩy cải thiện nhanh chóng quan hệ với Nhật Bản và đưa kết kết quả hợp tác ba bên Hàn-Nhật-Mỹ ngày càng chặt chẽ hơn. Các nhà lãnh đạo của 3 quốc gia sẽ gặp nhau tại Trại David ở Maryland vào ngày 18/8 tới. Liệu cuộc họp có thể đặt nền móng cho một thỏa thuận an ninh ba bên hay không đang là vấn đề được quan tâm.

Shin Kak Soo, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc nhận định: “Còn hơi sớm để đề cập đến một hiệp ước an ninh vào lúc này nhưng tôi muốn nói rằng cuối cùng nó đang đi đúng hướng".

Ông nhấn mạnh "cần tiến hành mọi thứ đúng tốc độ" và 3 đối tác Hàn-Nhật-Mỹ sẽ phải xây dựng lòng tin để bắt tay nhau với một thứ có tính ràng buộc như một hiệp ước an ninh.

Park Won Gon, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha cho rằng việc thể chế hóa một cơ chế tham vấn ba bên thường xuyên sẽ giúp bắt đầu quá trình lâu dài đó.

Theo nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để đưa ra cơ chế phù hợp.

Bình luận về những chỉ trích cho rằng hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn có thể "chọc giận" Bắc Kinh và Moscow, Giáo sư Park Won Gon nói: "Khả năng Hàn Quốc có động thái nào đó gây ra phản ứng dữ dội ngay lập tức từ Trung Quốc hoặc Nga là không cao, ngay cả khi Seoul ủng hộ một cơ chế gặp ba bên thường xuyên với Mỹ và Nhật Bản”.

Hàn Quốc có kế hoạch nối lại các hội nghị thượng đỉnh ba bên thường xuyên với Nhật Bản và Trung Quốc với tư cách là nước chủ nhà trong năm nay, sau 4 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Theo giáo sư Park Won Gon, hội nghị này có thể là một cơ hội để Seoul tiếp xúc với cả Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng việc thúc đẩy song song quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến hiệu quả không sâu sắc và thậm chí không bền vững, nếu các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc không tìm ra cách tiếp cận toàn diện hơn và có chiến lược đối với cả ba bên - Washington, Bắc Kinh và Moscow.

Wi Sung Lac, người từng là trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc dưới chính quyền của cựu Tổng thống Lee Myung Bak và sau đó là Đại sứ Hàn Quốc tại Nga cho biết, chính quyền đương nhiệm đưa ra một kế hoạch chi tiết rõ ràng về các biện pháp thúc đẩy quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, nhưng dường như không có kế hoạch nào tương tự đối với Bắc Kinh và Moscow.

Theo ông Wi Sung Lac, Hàn Quốc cần thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao với cả hai bên để ngăn cản mối quan hệ thân thiết hơn giữa Bắc Kinh, Moscow với Bình Nhưỡng.

Còn Giáo sư Chun Chae Sung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong thì cho rằng, Hàn Quốc cần một chính sách nhất quán về quan hệ Mỹ-Trung và Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh chiến lược này cấp bách và ưu tiên nhất bởi liên quan đến sự sống còn của Hàn Quốc, thay vì tập trung vào Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn vẫn chưa hoàn thiện.

Ông Chun Chae Sung nhấn mạnh, bản thân Mỹ và Trung Quốc cũng vẫn đang trong quá trình điều chỉnh chính sách đối với nước kia trong khi nhiều quốc gia trên thế giới chưa quyết định về cách thức tiếp cận cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Vì thế, Hàn Quốc cần đi đúng hướng và cần có những điều chỉnh phù hợp.

(theo The Korea Herald)