📞

Chính sách Nam Á của Mỹ: Lần hiếm hoi ông Biden cùng phe với ông Trump

Thục Phương 11:11 | 13/01/2021
TGVN. Chiến lược Nam Á của Mỹ dưới chính quyền ông Joe Biden sắp tới có thể sẽ nối tiếp đáng kể những chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Chiến lược Nam Á của Mỹ dưới chính quyền ông Joe Biden sắp tới có thể sẽ nối tiếp đáng kể những chính sách của Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ rất khác so với của Tổng thống Donald Trump. Như những gì đã cam kết, ông Biden sẽ đưa nước Mỹ trở lại vị thế lãnh đạo toàn cầu, coi trọng ngoại giao quốc tế, khôi phục các liên minh của Mỹ, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở các nước.

Sau khi nhậm chức, ông Biden có thể đảo ngược những thay đổi kịch tính, theo quan điểm của ông là có hại, mà chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, chính sách Nam Á của chính quyền ông Biden có thể sẽ là trường hợp hiếm hoi về sự nối tiếp đáng kể từ người tiền nhiệm.

Thúc đẩy các mối quan hệ đem lại lợi ích cho Mỹ

Giống như ông Trump, ông Biden ủng hộ mạnh mẽ việc rút quân khỏi Afghanistan. Khi còn là Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama, ông Biden đã lên tiếng phản đối việc tăng quân tại quốc gia Nam Á này.

Ngoài ra, khả năng cao ông Biden sẽ cùng phe với ông Trump trong việc duy trì mối quan hệ thực chất với Pakistan, ít nhất là ban đầu, chủ yếu nhằm đảm bảo sự giúp đỡ của Islamabad để thúc đẩy tiến trình hòa bình còn non trẻ và mong manh tại Afghanistan.

Giống như các chính quyền Mỹ trước đó đã làm, ông Biden nhiều lần bày tỏ ủng hộ việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn vốn đang phát triển nhanh trong suốt 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Được ví như một người bạn vong niên của Ấn Độ, ông Biden từng mô tả quan hệ đối tác Mỹ-Ấn là mối quan hệ mẫu mực của thế kỷ XXI. Những lợi ích cốt lõi chung thúc đẩy quan hệ đối tác này, gồm cuộc chiến chống khủng bố và cạnh tranh với đối thủ chung, được ông Biden ủng hộ nhiệt thành.

Bên cạnh đó, Tổng thống sắp nhậm chức của nước Mỹ cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cộng đồng lớn người Mỹ gốc Ấn, một khu vực cử tri sẽ tiếp tục giúp tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.

Trong khi đó, phần còn lại của khu vực Nam Á sẽ ít được ưu tiên chiến lược hơn, giống như trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Sự quan tâm mà các nước này nhận được từ chính quyền ông Biden sẽ chủ yếu thông qua lăng kính của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung và cạnh tranh Ấn-Trung trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng ảnh hưởng sâu sắc ở khu vực thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Cách tiếp cận khác

Do đó, có thể trông đợi ông Biden sẽ cải tổ chính sách đối ngoại hiện nay của Washington chứ không phải chiến lược Nam Á hiện tại.

Tuy nhiên, cách tiếp cận rất khác mà ông Biden áp dụng đối với chính sách đối ngoại sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với Nam Á và có thể tạo ra một số tác động mới đối với khu vực, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Thứ nhất, phong cách và giọng điệu trong các cam kết can dự của ông Biden với thế giới sẽ nhẹ nhàng hơn và phù hợp hơn, cũng như nhất quán và dễ đoán hơn.

Mối quan hệ đối tác quan trọng của Mỹ với Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự sao nhãng phi chính trị do những đánh giá mang tính coi thường các nhà lãnh đạo. Và mối quan hệ nhạy cảm giữa Washington với Pakistan sẽ không lâm vào cảnh “đứng ngồi không yên” do những động thái bất ngờ như quyết định đột ngột cắt viện trợ an ninh của Mỹ.

Thứ hai, ông Biden có một vị thế đặc biệt thuận lợi trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vì đã theo dõi tình hình thế giới lâu nay, bao gồm cả Nam Á. Tổng thống đắc cử Mỹ hoàn toàn có khả năng gây sức ép buộc Taliban phải hợp tác và đe dọa dừng việc rút binh lính Mỹ khỏi Afghanistan cho tới khi quân nổi dậy ngừng hợp tác với Al-Qaeda.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng có thể gia tăng sức ép với Pakistan để xoá sổ các mạng lưới khủng bố (nhằm vào Ấn Độ) trên lãnh thổ nước này, đặc biệt là với việc Mỹ đã giảm bớt sự hiện diện tại Afghanistan, khiến Washington ít bận tâm hơn đến các mạng lưới khủng bố nhằm vào Afghanistan.

Thứ ba, lập trường của ông Biden đối với Iran, Trung Quốc và Nga, có thể sẽ khác xa với ông Trump, dẫn đến những tác động rõ rệt đối với Nam Á. Có khả năng, ông Biden sẽ tìm kiếm những cải thiện ở mức độ nào đó trong quan hệ với Iran và Trung Quốc, trong khi sẽ theo đuổi một chính sách đối đầu hơn với Nga so với chính sách của người tiền nhiệm.

Triển vọng về mối quan hệ của Mỹ với Iran được cải thiện sẽ là một tín hiệu tích cực rõ rệt đối với New Delhi và Islamabad, những quốc gia coi trọng hợp tác thương mại với Tehran và muốn Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt chống Iran.

Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ gặp gỡ các tân binh Afghanistan trong chuyến thăm bất ngờ vào ngày 11/1/2011 tại Kabul, Afghanistan. (Nguồn: Getty Images)

Mặt khác, mối quan hệ Mỹ-Trung bớt căng thẳng hơn có thể làm hài lòng Pakistan, nước muốn đồng minh hàng đầu của họ (tức Bắc Kinh) có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington.

Nhưng điều đó sẽ gây rắc rối cho New Delhi, vốn đang chứng kiến mối quan hệ với Bắc Kinh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Quan hệ Mỹ-Nga thêm căng thẳng sẽ không phải là điều Ấn Độ mong muốn vì New Delhi hiểu rằng mối quan hệ hữu nghị lâu đời của họ với Moscow chính là một trong số ít những mâu thuẫn dai dẳng trong quan hệ Mỹ-Ấn.

May mắn là biến đổi khí hậu, một ưu tiên hàng đầu khác của ông Biden và là một mối đe dọa lớn đối với Nam Á, lại tạo cơ hội để Mỹ can dự một cách bớt căng thẳng hơn đối với toàn bộ khu vực.

Tóm lại, chính sách Nam Á dưới thời ông Biden sẽ là một trường hợp hiếm hoi có sự tiếp nối từ người tiền nhiệm. Tuy nhiên, chính sách này vẫn sẽ luôn chịu tác động do sự thay đổi triệt để mà chính quyền sắp tới sẽ đưa ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức mới đối với khu vực Nam Á.

(theo East Asia Forum)