Quang cảnh bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia Queen Sirikit, Bangkok, Thái Lan-nơi tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2022. (Nguồn: AFP) |
Ba ngày đầu tiên của tuần lễ cấp cao (từ 14-16/11), sẽ diễn ra các cuộc họp của các quan chức cấp cao (SOM) thảo luận về “Các mục tiêu Bangkok” đối với mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) của nước chủ nhà Thái Lan.
Trong ngày làm việc thứ tư (17/11) sẽ diễn ra các hội nghị cấp bộ trưởng, thảo luận nhiều chủ đề, từ tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững tới đầu tư, thương mại mở và bền vững.
Ngày làm việc này sẽ khép lại với một buổi tiệc chiêu đãi trọng thị tại Trung tâm Hội nghị Hải quân Hoàng gia Thái Lan.
Sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC diễn ra ngày 18/11, với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên cùng 3 khách mời đặc biệt của chính phủ nước chủ nhà gồm Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed bin Salman bin Abdul-Aziz Al-Saud.
Trong ngày bế mạc hội nghị 19/11, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sẽ có bài phát biểu trước khi tiến hành chuyển giao vai trò Chủ tịch năm APEC 2023 cho Mỹ.
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, hội nghị của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) cũng sẽ diễn ra từ ngày 16-18/11.
Vai trò chính của ABAC là tư vấn cho các nhà lãnh đạo APEC và quan chức về những vấn đề quan tâm trong lĩnh vực thương mại.
Hội nghị ABAC năm nay đặt mục tiêu kết nối lại thế giới với các cơ hội, tham gia vào mô hình chuyển đổi số hóa mới, bền vững và toàn diện, đồng thời tạo thuận lợi cho các mối hợp tác về các ý tưởng, sự sáng tạo và khả năng mới.
Trong khi đó, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC được tổ chức với chủ đề “Mở-Kết nối-Cân bằng” với mục đích rõ ràng là thúc đẩy APEC mở cửa với mọi cơ hội, kết nối trên mọi phương diện và cân bằng mọi khía cạnh để phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn.
Đây là kỳ APEC đầu tiên được tổ chức trực tiếp trở lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối năm 2019.