📞

Chới với do đại dịch Covid-19, ngành du lịch nỗ lực tìm 'phao'

14:15 | 07/04/2020
TGVN. Sau dịch bệnh, sự cạnh tranh giữa các công ty du lịch sẽ rất khốc liệt và hơn bao giờ hết, ngành du lịch cần có nhiều sáng kiến và sản phẩm chất lượng hơn.    
Sau dịch Covid-19, du lịch bằng xe tự lái có thể trở thành xu hướng chính trong tương lại. (Nguồn: Getty)

Tổ chức Du lịch Thế giới cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) gần đây đã phối hợp thành lập Ủy ban Quản lý Rủi ro Du lịch Toàn cầu. Ủy ban này sẽ định kỳ tổ chức họp, đánh giá diễn biến và chiều hướng dịch bệnh, kịp thời ứng phó, đề xuất biện pháp xây dựng phục hồi ngành du lịch.

Chuyên gia du lịch nhận định, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, một số doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, các ngành liên quan đến du lịch cũng dừng hoạt động và nguy cơ hiệu ứng dây chuyền sẽ gia tăng. Ngành du lịch toàn cầu sẽ đối mặt với sự sụp đổ.

Sau dịch bệnh, sự cạnh tranh giữa các công ty du lịch sẽ rất khốc liệt. Để tồn tại, kích cầu và thu hút nhiều hơn người tiêu dùng, ngành du lịch cần có nhiều sáng kiến và sản phẩm chất lượng hơn.

Qua đợt dịch bệnh lần này, ngành du lịch sẽ xuất hiện một số xu thế mới. Tình hình dịch bệnh tại các nước khác nhau, các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh được triển khai, không ít người sẽ có tâm lý e ngại với các chuyến du lịch đường dài.

Do đó, du lịch với quãng đường gần mang lại cảm giác an toàn, du lịch nội địa hoặc bằng xe tự lái có thể sẽ trở thành xu thế chính trong tương lai. Dịch bệnh khiến ngành du lịch chuyển hướng chiến lược kinh doanh, tập trung trọng điểm phục vụ thị trường trong nước.

Đại diện Viện Chính sách công Singapore cho biết, Singapore sẽ tận dụng thời gian dịch bệnh tăng cường bồi dưỡng nhân lực, thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi ngành nghề, nhằm xây dựng cơ sở phát triển lâu dài ngành du lịch trong tương lai.

Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ ngành du lịch và các ngành nghề chịu ảnh hưởng khác trong thời gian tối đa 6 tháng, qua đó người lao động có thể nâng cao kỹ năng, kiến thức, đồng thời vận dụng khoa học kỹ thuật để hiện đại hóa hình thức kinh doanh du lịch.

Báo cáo của Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) cho rằng, ngoài thực hiện các giải pháp ổn định trong ngắn hạn, các nước cần xem xét trên góc độ lâu dài, không ngừng hoàn thiện chính sách quản lý rủi ro trong ngành du lịch, chuẩn bị sẵn các phương án, giải pháp tối ưu ứng phó với rủi ro có thể xảy ra.

(theo Tạp chí Du lịch Trung Quốc)