Trang phục APEC là trang phục dành cho các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã khởi xướng truyền thống này vào năm 1993, khi ông trao những chiếc áo khoác bằng da, giống như áo của phi công Mỹ, cho các nhà lãnh đạo khác. Theo thông lệ, trang phục này do nước chủ nhà đăng cai tổ chức Năm APEC chuẩn bị để các nhà lãnh đạo mặc khi chụp ảnh kỷ niệm chung. Đây cũng là một món quà đặc biệt của nước chủ nhà dành tặng các vị nguyên thủ và lãnh đạo APEC.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh cùng các vị lãnh đạo trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam tại Hội nghị APEC 2006 ở thủ đô Hà Nội. |
Trải qua nhiều kỳ APEC, mỗi nước chủ nhà đều có trang phục riêng, nhưng không phải trang phục nào cũng được khen ngợi, vừa đảm bảo ý nghĩa vừa thành công về thẩm mỹ. Trang phục áo dài khăn đóng truyền thống trong Năm APEC Việt Nam 2006 đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Theo ông Vi Kiến Thành, tiếp nối thành công trên, việc duyệt chọn trang phục cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017 diễn ra công phu hơn. Một Hội đồng tuyển chọn được thành lập do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái làm Chủ tịch. Thành viên của Hội đồng gồm có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL, Hội Mỹ thuật Việt Nam… Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) có nhiệm vụ mời các nhà thiết kế tham gia thiết kế trang phục APEC. Mẫu trang phục được chọn sẽ được trình lên Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam.
Nhiều tiêu chí
Ông Vi Kiến Thành cho rằng trang phục sẽ là một trong những điểm nhấn của Năm APEC Việt Nam 2017. Nó sẽ góp phần tạo ấn tượng và ghi dấu ấn Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Bởi vậy, việc duyệt chọn trang phục cần kỹ lưỡng và bài bản. Trong thông báo mời 5 nhà thiết kế tham gia sáng tác mẫu trang phục APEC 2017, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã nêu cụ thể các tiêu chí cần thiết.
Đó là, trang phục phải thể hiện được truyền thống, tinh hoa của dân tộc Việt Nam; thể hiện một Việt Nam hiện đại, đổi mới, năng động và hội nhập; nêu bật vốn quý về chất liệu, kỹ thuật của Việt Nam. Bên cạnh đó, trang phục không trùng lặp với các mẫu thiết kế đã được sử dụng tại các hội nghị quốc tế ở Việt Nam hoặc các thành viên khác của APEC; phù hợp với quy định và luật của Việt Nam cũng như quốc tế về sở hữu trí tuệ; đảm bảo trang trọng, lịch sự; đồng thời thuận lợi thao tác mặc, hoạt động và phù hợp với khí hậu nơi diễn ra sự kiện. Thêm nữa, trang phục cần đáp ứng yêu cầu trở thành quà tặng của nước chủ nhà dành cho các nhà Lãnh đạo Cấp cao tham dự APEC 2017. Ngoài ra, các nhà thiết kế cũng được lưu ý không nên sử dụng họa tiết động vật như rồng, phượng và nhiều màu hoặc hoa văn quá nổi bật.
Chưa có thiết kế nào được chọn
Căn cứ vào các tiêu chí trên, các nhà thiết kế độc lập nghiên cứu, sáng tạo các phương án thiết kế. Sau đó, Hội đồng tuyển chọn sẽ duyệt trên mẫu may thử (may bằng vải có màu sắc và chất liệu tương đối giống với màu và chất liệu mà nhà thiết kế định lựa chọn) vào cuối tháng 11/2016. Tiếp đó, đến cuối tháng 12/2016, Hội đồng duyệt mẫu may trên chất liệu chính thức. Tuy nhiên, sau lần họp này, chưa mẫu thiết kế nào được Hội đồng lựa chọn.
Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết nhìn chung, các mẫu thiết kế đều mắc phải nhược điểm là còn nặng tính trình diễn, chưa bám sát yêu cầu đặt ra. “Chúng ta còn thiếu nhà thiết kế tạo ra các bộ trang phục có tính ứng dụng vào đời sống xã hội.”, ông Thành nói.
Cũng có mẫu đạt tiêu chí về tính ứng dụng và sự thuận lợi khi mặc nhưng lại “bình thường quá”, giống đồng phục của nhân viên công sở, theo đánh giá của ông Vi Kiến Thành. Ông tiết lộ thêm, trong 5 mẫu thiết kế, có mẫu ngả về xu hướng sân khấu, mẫu lại hợp với sàn diễn thời trang. Một bộ đạt tiêu chí về kiểu dáng thì hỏng về màu sắc. Đó là mẫu thiết kế áo the khăn xếp truyền thống màu đen. Trong tư duy thẩm mỹ và quan niệm của người Việt Nam, màu đen tạo cảm giác nặng nề, u ám, mặc dù châu Âu lại coi đó là màu thể hiện sự sang trọng, lịch sự.
Có bộ chất liệu tốt, màu sắc đẹp nhưng sử dụng họa tiết thêu nhiều quá, gây cảm giác xa cách với cuộc sống đương đại và vẫn mang tính trình diễn nhiều hơn. “Giới thiệu được văn hóa thêu của Việt Nam là rất hay, rất tốt, nhưng liều lượng đến đâu lại là vấn đề”, ông Thành nhận xét.
Một nhà thiết kế có ý tưởng vẽ tất cả các trích đoạn của Hoàng thành Huế và khi các nhà lãnh đạo đứng chụp ảnh sẽ tạo thành một vòng thành hoàn chỉnh. Hội đồng tuyển chọn đánh giá ý tưởng rất thú vị, nhưng phù hợp để người mẫu trình diễn quay phim, chụp ảnh trên sàn thời trang hơn.
Theo ông Vi Kiến Thành, đến nay, các bộ trang phục chưa đạt yêu cầu đặt ra, một phần do hạn chế của nhà thiết kế, nhưng phần khác do thiếu đồng thuận trong chính những người tham gia tuyển chọn. Hội đồng tuyển chọn cho rằng đối với lãnh đạo nữ, áo dài là trang phục đạt chuẩn về thẩm mỹ và văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà thiết kế sẽ phải tính toán đưa họa tiết, hoa văn gì vào trang phục để thể hiện được rõ nét văn hóa của nước chủ nhà và sự kiện APEC diễn ra tại Việt Nam. Hội đồng cũng thống nhất 21 lãnh đạo của các nền kinh tế APEC sẽ mặc quần tây. Nghĩa là các nhà thiết kế có nhiệm vụ chủ yếu là sáng tạo mẫu áo cho các nhà lãnh đạo nam. Thế nhưng, đây vẫn là cái khó đối với họ khi mà các thành viên Hội đồng tuyển chọn có sự nhìn nhận, đánh giá rất khác nhau. Có phương án đưa ra là cải tiến bộ comple mang yếu tố văn hóa Việt Nam. Có ý kiến là trên cơ sở áo dài khăn đóng của năm 2006 nhưng ngắn hơn. “Trang phục phải là dòng chảy kế tiếp của truyền thống văn hóa, từ đời này sang đời khác, có sự liên kết, tiếp nối lẫn nhau. Nếu chúng ta thống nhất được như trang phục phải dựa trên cơ sở khăn đóng áo dài, tôi cho rằng các nhà thiết kế sẽ làm được”, ông Thành nói.
Hiện các nhà thiết kế vẫn tiếp tục chỉnh sửa mẫu cho phù hợp với tiêu chí cũng như yêu cầu của Hội đồng tuyển chọn trang phục dành cho các nhà lãnh đạo APEC. Trong tháng 1 này, Hội đồng sẽ tiếp tục họp để đưa ra quyết định phương án thiết kế hoàn thiện về chất liệu, kiểu dáng và màu sắc.