Đại sứ Đỗ Minh Hùng cùng đại diện Bộ Ngoại giao Israel và ban lãnh đạo Oramed trong Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác vaccine Covid-19 đường uống Oravax từ đầu cầu Israel ngày 29/12/2021. (Nguồn: NVCC) |
Vừa qua, Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác vaccine Covid-19 đường uống Oravax độc quyền toàn khu vực Đông Nam Á đã diễn ra giữa Công ty Cổ phần đầu tư Tân Thành Holdings-Công ty Cổ phần 10 Pharma (Việt Nam) và Công ty Oravax Medical Inc (Mỹ)-Công ty Oravax Medical Ltd (Israel). Sự kiện này đã mở đường cho việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Covid-19 đường uống đầu tiên ở Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng đã chia sẻ với TG&VN về quá trình Đại sứ quán Việt Nam tại Israel kết nối, hỗ trợ và xúc tiến thành công thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD và có ý nghĩa lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.
Thưa Đại sứ, xin ông bật mí về quá trình Đại sứ quán Việt Nam tại Israel kết nối để dẫn đến sự kiện ký kết thành công hợp tác về vaccine đường uống Oravax vừa qua? Trong quá trình đó, Đại sứ quán đã gặp những khó khăn gì và tháo gỡ như thế nào?
Ngày 29/12, Tập đoàn Tân Thành của Việt Nam và công ty Oramed của Israel đã ký thỏa thuận hợp tác thương mại về vaccine Covid-19 đường uống Oravax. Đây là kết quả của quá trình trao đổi, đàm phán liên tục giữa hai bên trong 6 tháng vừa qua, có sự đóng góp hết sức tích cực, hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel với vai trò kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hai bên đạt được một thỏa thuận cùng có lợi.
Tại lễ ký, ban lãnh đạo của Oramed bày tỏ trân trọng và đánh giá rất cao vai trò quan trọng thiết yếu của Đại sứ quán để có được kết quả hợp tác giữa hai bên.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt trong bối cảnh các làn sóng lây nhiễm diễn biến phức tạp trong năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã nỗ lực triển khai công tác ngoại giao công nghệ và ngoại giao vaccine để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến phòng chống đại dịch.
Thế mạnh của Israel là đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng như các doanh nghiệp y tế công nghệ cao của Israel luôn tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu - phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid-19.
Tại cuộc điện đàm ngày 12/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã nhất trí đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch, từ đó tạo bước ngoặt cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế công nghệ cao.
Thông qua việc chủ động nắm bắt, tìm hiểu các đối tác Israel, Đại sứ quán đã kịp thời báo cáo với các cơ quan trong nước về các giải pháp y tế tiên tiến của Israel, tích cực kết nối các đơn vị trong nước với các đối tác Israel về hợp tác trong nghiên cứu - phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Và vaccine đường uống Oravax có thể coi là “quả ngọt”, là một trong những giải pháp tiên tiến mà Đại sứ quán đã kết nối thành công để hai bên đi vào triển khai hợp tác thực chất.
Quá trình hai bên đàm phán trong sáu tháng qua thực sự không dễ dàng, bao gồm các vấn đề cả về thủ tục, kỹ thuật, nội dung hợp tác và nhất là những khác biệt về tư duy, tập quán làm ăn giữa doanh nghiệp hai nước.
Với vai trò là cầu nối, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hai bên hiểu rõ về quan tâm, ưu tiên của nhau trong giai đoạn đầu tiên; hỗ trợ giải quyết toàn bộ các khó khăn phức tạp trong giai đoạn trao đổi giữa hai bên; và định hướng các giải pháp để kết thúc toàn bộ các vướng mắc ở giai đoạn cuối, trước khi hai bên đạt được một thỏa thuận cùng có lợi.
Kể cả trong những ngày cuối cùng trước khi diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác, Đại sứ quán cũng hướng dẫn những bước đi cuối cùng để hai bên xử lý nốt các vấn đề kỹ thuật còn lại và thống nhất kế hoạch tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.
Đại sứ hãy cung cấp một số thông tin về vaccine Oravax và những ưu điểm của loại vaccine đường uống này?
Vaccine đường uống Oravax nhắm vào 3 protein bề mặt của virus SARS-CoV-2, bao gồm các protein ít nhạy cảm hơn với đột biến, do đó làm cho vaccine này có khả năng hiệu quả hơn chống lại các biến thể hiện tại và tương lai của virus này.
Công nghệ vaccine của Oravax có khả năng mở rộng cao để sản xuất và có thể dễ dàng vận chuyển phân phối trên quy mô lớn về mặt hậu cần vì không đòi hỏi việc bảo quản đông lạnh.
Công nghệ của vaccine Oravax là thành quả nghiên cứu của Giáo sư Avram Hershko, nhà sinh hóa học người Israel, đoạt giải Nobel Hóa học năm 2004. Công nghệ này được phát triển thử nghiệm tiền lâm sàng bởi Oramed Pharmaceuticals. Vaccine Oravax hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 tại Nam Phi. |
Là vaccine đường uống và chỉ cần bảo quản trong điều kiện thông thường, vaccine Oravax khi đi vào triển khai thực tế sẽ giúp cắt giảm chi phí và cải thiện đáng kể áp lực hậu cần so với các yêu cầu rất cao về cơ sở hạ tầng của vaccine đường tiêm như hiện tại.
Loại vaccine này cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn so với vaccine đường tiêm.
Theo thỏa thuận này, lộ trình để vaccine Covid-19 đường uống được chuyển giao công nghệ, sản xuất và đến tay người tiêu dùng Việt Nam như thế nào?
Sau khi ký thỏa thuận hợp tác thương mại ngày 29/12/2021, các bên sẽ tiếp tục đàm phán để ký thỏa thuận thứ hai, dự kiến trong quý I năm nay về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba ở Việt Nam, Oramed chuyển giao công nghệ để Tân Thành sản xuất vaccine Oravax ở Việt Nam và phân phối ở khu vực Đông Nam Á.
Theo lộ trình như vậy, vaccine Oravax dự kiến sẽ đến tay người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2023.
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác vaccine Covid-19 đường uống Oravax từ đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Sự kiện ký kết thành công thỏa thuận này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc chiến chống đại dịch của đất nước ta? Đây có phải là bước triển khai cụ thể tinh thần Đại hội XIII của Đảng nhằm tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước?
Có thể khẳng định rằng, hợp tác giữa Tân Thành và Oramed về vaccine Covid-19 đường uống Oravax là điểm sáng trong quan hệ hợp tác nhiều mặt đang phát triển tích cực giữa Việt Nam và Israel.
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác thực chất về công nghệ cao, mà cụ thể ở đây là y tế công nghệ cao, cả về nội dung thương mại và chuyển giao công nghệ. Đây là hướng đi hoàn toàn mới trong quan hệ hai nước. Về quy mô thương mại, thỏa thuận giữa Tân Thành và Oramed có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong quan hệ thương mại hai nước.
Thứ hai, toàn bộ quá trình hai bên trao đổi, đàm phán vừa qua đều được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, Lễ ký kết Thỏa thuận ngày 29/12/2021 cũng theo hình thức này. Đây là cách làm mới, linh hoạt, hiệu quả, thể hiện quyết tâm hợp tác của hai bên kể cả trong điều kiện đại dịch.
Thứ ba và quan trọng nhất, nội dung hợp tác giữa hai bên hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu trong nước về chủ động nghiên cứu - phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine Covid-19, từ đó góp phần giúp cho đất nước ta có sự chủ động về nguồn cung “vũ khí” trong cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời nâng cao năng lực y tế công nghệ cao, chuẩn bị cho khả năng xảy ra các đợt dịch bệnh tiếp theo, điều mà thế giới dự báo là sẽ diễn ra ngày càng nhiều trong những năm tới.
Như tôi đã nói ở trên, quá trình Tân Thành và Oramed đàm phán để đi đến ký thỏa thuận hợp tác có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel với vai trò kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hai bên đạt được một thỏa thuận cùng có lợi. Đây có thể coi là một ví dụ điển hình của việc Đại sứ quán triển khai nhiệm vụ “ngoại giao phục vụ phát triển”.
Quan trọng hơn, hợp tác giữa Tân Thành và Oramed đạt được kết quả là nhờ có sự ủng hộ, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan hữu quan trong nước, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đại sứ quán Việt Nam tại Israel rất mong các cơ quan hữu quan tiếp tục ủng hộ các đơn vị, doanh nghiệp trong nước thúc đẩy hợp tác công nghệ cao với Israel, nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn mới.
“Vaccine đường uống sẽ giúp thay đổi thái độ của một số người có tư tưởng bài trừ tiêm chủng, đồng thời giảm thiểu áp lực cho cơ sở y tế. Khi đủ dữ liệu, hồ sơ liên quan, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt vaccine” - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. |
Công nghệ của vaccine Oravax có khả năng mở rộng sản xuất và dễ dàng chuyển giao để phân phối trên quy mô lớn về mặt hậu cần vì không đòi hỏi việc bảo quản đông lạnh. (Nguồn: Oramed) |
| Nhìn lại năm 2021 và những chuyển hướng trong chiến lược phòng chống Covid-19 của Việt Nam Ngày 4/1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm ‘Nhìn lại năm 2021-Những chuyển hướng chiến lược’ để đánh giá những ... |
| Đại sứ Hà Kim Ngọc: 'Không tận dụng tốt cơ hội là có lỗi với nhân dân' Trở về Việt Nam tham dự Hội nghị Ngoại giao 31, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc mang theo khí thế chưa ... |