📞

Chủ tịch Fidel Castro và nghĩa tình sâu nặng với Việt Nam

Nguyễn Đình Bin 09:55 | 03/12/2020
TGVN. Dịp Chủ tịch Fidel Castro sang thăm nước ta lần đầu tiên, tháng 9/1973, tôi lại may mắn được trao nhiệm vụ dịch cho ông suốt chuyến đi. Tôi không ngờ khi gặp lại, Chủ tịch Fidel vẫn nhớ, gọi tôi bằng tên thân mật, hỏi thăm về công việc và gia đình tôi!

“Ý chí của Fidel đã chiến thắng!”

Tôi không thể nào quên những giây phút tiếp đón Chủ tịch Fidel đến viếng Bác Hồ tại Đại sứ quán nước ta ở Cuba. Ông thật sự đau buồn, xúc động! Ông ngồi lại rất lâu để hỏi chuyện về Bác, tỏ ra vô cùng nuối tiếc vì chưa được gặp Bác.

Chủ tịch Fidel đã cử hai người bạn chiến đấu thân thiết trong số năm nhà lãnh đạo cao nhất Cuba là các Tư lệnh Cách mạng Juan Almeida và Ramiro Valdés sang viếng Bác ở Hà Nội. Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên, một lần nữa ông lại hết lời ca ngợi đạo đức, thiên tài và công lao to lớn của Bác Hồ đối với Việt Nam cũng như đối với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc trên thế giới.

Dịp Chủ tịch Fidel sang thăm nước ta lần đầu tiên, tháng 9/1973, tôi lại may mắn được trao nhiệm vụ dịch cho ông suốt chuyến đi. Ba năm đã trôi qua, từ khi tôi kết thúc nhiệm kỳ công tác rời Cuba về nước. Tôi không ngờ khi gặp lại, Chủ tịch Fidel vẫn nhớ, gọi tôi bằng tên thân mật, hỏi thăm về công việc và gia đình tôi!

Trong chuyến thăm ấy, Fidel đã thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Khi đó tôi là cán bộ Vụ Cuba - Mỹ Latinh, Bộ Ngoại giao, phụ trách quan hệ với Cuba, nên được tham gia chuẩn bị đón tiếp Fidel ngay từ đầu. Khi phía Cuba thông báo Chủ tịch Fidel muốn thăm vùng giải phóng, Lãnh đạo ta đã tỏ ý rất phân vân, ngần ngại vì lý do an toàn. Nhưng Chủ tịch Fidel nhất quyết yêu cầu, nên Lãnh đạo ta đã chấp nhận.

Song, một cản trở khách quan đã xảy ra. Sáng sớm ngày 14/9, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến gặp Chủ tịch Fidel tại Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền). Ông lo ngại thông báo với ông Fidel là có một cơn bão ở Biển Đông đang tiến tới bờ biển nước ta, đe dọa an toàn chuyến bay vào Đồng Hới, mà theo chương trình chỉ ít giờ nữa sẽ cất cánh. Ông Fidel đề nghị cho ông biết đầy đủ thông tin.

Sau khi xem xét, phân tích bản đồ và các thông tin mới nhất do một lãnh đạo Nha Khí tượng thủy văn tháp tùng Thủ tướng trình bày, Chủ tịch Fidel quyết định với Thủ tướng cứ đi. Thế là chuyến bay đã được tiến hành theo đúng kế hoạch và hạ cánh an toàn xuống sân bay Đồng Hới, đầu giờ chiều ngày 14/9.

Đón Chủ tịch Fidel tại sân bay Gia Lâm, 12/9/1973

Bởi vậy, đón Chủ tịch Fidel trở về sau chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, chiều 16/9 tại sân bay Gia Lâm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã tiễn Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng bay vào Đồng Hới hai hôm trước, đã dang rộng hai tay ôm hôn nồng nhiệt ông Fidel vừa từ cầu thang máy bay bước xuống đất, và giơ cao ngón tay cái bàn tay phải, nhìn Fidel, cười lớn “Ý chí của Fidel đã chiến thắng!”.

Chủ tịch Fidel tại Đông Hà, vùng giải phóng, 15/9/1973

Trong suốt chuyến thăm, tôi đã bốn lần dịch cho Fidel phát biểu tại chiêu đãi và mít tinh chào mừng ông ở Hà Nội và Quảng Bình. Chủ tịch Fidel luôn ứng khẩu, có tài hùng biện, nhưng tôi đã cố gắng chuyển tải đầy đủ, trung thành nội dung, ý tứ, hồn cốt, hiểu hiện tình cảm của ông.

Cuộc hội ngộ của những người anh em

Đầu tháng 2/1974, tôi trở lại công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Cuba. Lần này, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên truyền, báo chí, văn hóa.

Thế nhưng, một tháng sau, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta thăm hữu nghị chính thức Cuba, tôi lại được Đại sứ giao đi dịch cho Thủ tướng. Trong dịp Chủ tịch Fidel thăm nước ta nửa năm trước đó, ông Fidel và Thủ tướng đã có mối quan hệ cá nhân đặc biệt như hai người bạn, hai người anh em thật thân thiết.

Chủ tịch Fidel với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, La Habana, tháng 3/1974.

Chủ tịch Fidel đã dành cho Thủ tướng sự đón tiếp đặc biệt trọng thể, nồng hậu, thân tình. Thế là, tôi lại có may mắn được gặp và dịch cho Chủ tịch Fidel và Thủ tướng liên tục suốt chuyến thăm, không chỉ trong các hoạt động chính thức ở Thủ đô mà cả hành trình Chủ tịch Fidel đưa Thủ tướng đi thăm các cơ sở kinh tế, lịch sử, văn hóa khắp đất nước.

Tôi còn nhớ, Chủ tịch Fidel đã bất ngờ đến thăm Thủ tướng ở nhà khách dành cho nguyên thủ quốc gia ở khu Cubanacan quý tộc xưa, trong khi Thủ tướng còn đang nghỉ. Ông đã vào bếp kiểm tra việc phục vụ Thủ tướng. Chủ tịch Fidel đã tặng Thủ tướng một chiếc đồng hồ điện tử hiện đại, khi đó mới ra đời, nói rõ các đặc tính ưu việt của nó và hứa sẽ gửi pin để Thủ tướng thay thế.

Cuối năm 1975 đầu 1976, Đại sứ giao cho tôi đi dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi Đại tướng sang thăm với cương vị Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta tham dự Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Cuba, và ngay sau đó là cuộc đi thăm của Đại tướng trên cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong không khí chiến thắng hào hùng, đại thắng mùa Xuân 1975 của ta vẫn còn nóng hổi khắp hòn Đảo Tự do. Chủ tịch Fidel cũng dành cho Đại tướng sự đón tiếp đặc biệt nồng hậu, thân tình, như cuộc hội ngộ giữa hai vị Tổng tư lệnh tài ba, dày dạn trận mạc, hai người Anh hùng huyền thoại, hai người anh em chiến đấu thân thiết!

Tháng 9/1977, tôi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai ở Cuba về nước. Đúng hai năm sau, tôi lại được tháp tùng và dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến Thủ tướng trở lại Cuba dự Hội nghị Cấp cao lần thứ VI các nước Không liên kết, tổ chức ở La Habana.

Kỷ niệm được gặp lại Chủ tịch Fidel lần này thật đặc biệt. Sáng 3/9/1979, tôi đang ngồi cùng Thủ tướng tại phòng VIP dành riêng cho Thủ tướng ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế, chờ tham dự Lễ khai mạc, thì Chủ tịch Fidel đến thăm và trao đổi với Thủ tướng về Hội nghị.

Khi Thủ tướng tiễn Chủ tịch Fidel ra cửa phòng khách, sau khi bắt tay, ôm hôn tạm biệt Thủ tướng, thật bất ngờ, ông đã nắm tay tôi đi ra ngoài hành lang. Chủ tịch Fidel vừa đi vừa bá vai tôi thật thân tình, tỏ ý vui mừng gặp lại, hỏi tôi về công việc và gia đình.

Mấy ngày sau, tôi thật ngỡ ngàng, sung sướng khi một sĩ quan cận vệ của Chủ tịch Fidel mà tôi quen biết từ trước đã tặng cho tôi một tấm ảnh chụp thời khắc không thể nào quên đó, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Chủ tịch Fidel vừa đi vừa bá vai tôi thật thân tình, tỏ ý vui mừng gặp lại, hỏi tôi về công việc và gia đình.

Sau dịp được gặp và dịch lại cho Chủ tịch Fidel ấy, tôi còn được gặp lại ông hai lần ở Cuba, khi tháp tùng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh (tháng 10/1982), rồi tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh (tháng 10/1995) thăm Cuba, và hai lần Chủ tịch Fidel trở lại thăm nước ta (tháng 12/1995 và tháng 2/2003). Những lần đó, tôi không còn vinh hạnh được dịch cho Chủ tịch Fidel, mà chỉ thực thi nhiệm vụ của một cán bộ ngoại giao. Vậy mà, lần nào tôi cũng được ông dành cho những cử chỉ thân tình.

Một kỷ niệm sâu sắc giữa tôi với Chủ tịch Fidel là khi đã nghỉ hưu, tôi lại có may mắn được làm người điều phối, hiệu đính và biên tập toàn bộ hai thiên hồi ký hơn 700 trang của Chủ tịch Fidel, tổng kết cuộc chiến tranh cách mạng 25 tháng mà ông đã trực tiếp tổ chức, lãnh đạo và chỉ huy, dẫn đến thắng lợi vẻ vang ngày 1/1/1959 và 95 bài phát biểu trọn vẹn hoặc trích trong các bài phát biểu khác của ông Fidel trong 42 năm về Việt Nam dịch sang tiếng Việt. Được đọc kỹ tất cả các tư liệu quý giá đó từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, tôi càng hiểu rõ hơn, càng ngưỡng mộ, kính yêu và biết ơn Chủ tịch Fidel.

Kỷ niệm cuối cùng với Fidel mà tôi không bao giờ dám nghĩ tới là cuối tháng 11/2016, tôi đã được bay sang Cuba viếng và dự Lễ truy điệu trọng thể ông, như một thành viên chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước ta, do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, mặc dù tôi đã nghỉ hưu gần 10 năm.

Tôi vô cùng xúc động được trở lại hòn Đảo Tự do, hòa vào biển người Cuba và bạn bè quốc tế để tiễn biệt, với niềm tiếc thương, mến yêu, kính trọng và biết ơn vô hạn vị Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Cuba, Nhà cách mạng kiệt xuất, Người chiến sĩ quốc tế thật trong sáng, hào sảng, một vĩ nhân lỗi lạc, huyền thoại của thế giới trong thế kỷ XX, người bạn chiến đấu và người anh em hào hiệp, chí tình, chí nghĩa nhất của Việt Nam; người đã hiến dâng trọn đời cho độc lập, tự do, danh dự và hạnh phúc của nhân dân Cuba, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và con người, cho bình đẳng, tự do, bác ái và nhân phẩm; chống lại mọi áp bức, bất công trên toàn thế giới; một nhà hùng biện lừng danh, đồng thời cũng là một nhà lãnh đạo thật gần gũi, giản dị, nhân hậu và quần chúng!