Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và người đồng cấp Malaysia Azhar Harun trong cuộc gặp ngày 2/8 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: EPA-EPE) |
Ngày 1/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã khởi động chuyến thăm tới châu Á, với bốn điểm đến dự kiến ban đầu là Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, tối ngày 2/8, sau khi dừng chân tại Singapore và Kuala Lumpur đột ngột tới Đài Loan (Trung Quốc), bất chấp cảnh báo gay gắt trước đó của chính quyền Bắc Kinh. Mặc dù vậy, đây không phải là vấn đề duy nhất trong chuyến thăm châu Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Tại sao lại có câu chuyện này?
Lựa chọn “lạ”
Vấn đề đầu tiên trong chuyến thăm lần này đến từ quyết định của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khi thăm Singapore và Malaysia, hai đối tác Đông Nam Á trước tiên thay vì Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng minh thân thiết tại Đông Bắc Á.
Có hai khả năng dẫn đến sự thay đổi này.
Trước hết, bà Nancy Pelosi mong muốn tạo khác biệt trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Á. Trước đó, Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều chọn Nhật Bản và Hàn Quốc làm điểm dừng chân đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.
Ngoài ra, thời điểm chuyến thăm của bà Nancy Pelosi diễn ra cùng lúc với Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 55 tại Phnom Penh, Campuchia và các hội nghị liên quan. Đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Mỹ từ ngày 3-5/8.
Trong bối cảnh đó, việc chọn Singapore và Malaysia, hai thành viên có vai trò quan trọng của ASEAN, làm điểm đến đầu tiên là cách bà Nancy Pelosi tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực cho sự hiện diện của Ngoại trưởng Antony Blinken tại Campuchia.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang trên đường tới Phnom Penh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Mỹ-ASEAN. (Nguồn: Reuters) |
Trọng tâm cũ, diễn biến mới
Một vấn đề khác là nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố sự hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Halimah Yacob và Ngoại trưởng Vivian Balakrisnan, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục củng cố “quan hệ đối tác sâu sắc, nhiều mặt giữa hai nước dựa trên nền tảng hợp tác tích cực trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và quốc phòng”.
Về phần mình, Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá cao cam kết của Washington về tăng cường hiện diện tại khu vực, đồng thời thảo luận về các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong IPEF.
Quan chức Mỹ và Singapore cũng đề cập hợp tác trong lĩnh vực cùng quan tâm. Đặc biệt, Văn phòng Chủ tịch Hạ viện cho biết hai bên đã thảo luận về phối hợp để “tuân thủ, củng cố một trật tự dựa trên luật lệ” và chống biến đổi khí hậu.
Tại Kuala Lumpur, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gặp gỡ Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, Ngoại trưởng Mohammad Saifuddin và Chủ tịch Hạ viện Azhar Harun. Thông cáo sau các cuộc gặp nhấn mạnh hai bên đã thảo luận về hợp tác trong hàng loạt vấn đề cùng quan tâm nhằm hướng tới xây dựng môt “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và an toàn”.
Mặc dù IPEF không xuất hiện trong thông cáo sau các cuộc gặp, song các tuyên bố hồi tháng 5/2022 cho thấy Malaysia có thái độ tích cực về sáng kiến này.
Trong bối cảnh đó, chủ đề này nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong các thông cáo chung tại Seoul và Tokyo. Tổng thống Yoon Suk Yeol từng nói nước này gia nhập IPEF là “hiển nhiên”, trong khi Nhật Bản, dưới thời Thủ tướng Kishida Fumio, vẫn là đồng minh quan trọng và có vai trò chủ chốt trong khởi động IPEF.
Ngoài ra, cách tuyên bố sau cuộc gặp của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và an toàn”, thay vì “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” như các quan chức khác trong chính quyền Mỹ có thể phản ánh ưu tiên về vấn đề an ninh khu vực trong các cuộc thảo luận tới.
Ngoài ra, cách tuyên bố sau cuộc gặp của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và an toàn” thay vì “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” như các quan chức khác trong chính quyền Mỹ có thể phản ánh ưu tiên về an ninh khu vực trong các cuộc thảo luận tới. |
Con voi trong phòng
Người phương Tây có câu thành ngữ “Con voi trong phòng” (Elephant in the room) để nói về vấn đề nổi bật, khó có thể né tránh. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới châu Á, đó là vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).
Truyền thông quốc tế đã tốn nhiều giấy mực về việc liệu quan chức thứ ba của Mỹ có tới Đài Bắc hay không. Tối ngày 2/8, họ đã có câu trả lời: Bất chấp cảnh báo gay gắt cùng hàng loạt động thái quân sự của Trung Quốc, máy bay Boeing C-40C chở bà Nancy Pelosi đã hạ cánh ở sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc.
Sáng ngày 3/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã có gặp người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn và quan chức thứ hai của Lập pháp Viện Đài Loan Thái Kỳ Xương. Dù thông cáo khẳng định chuyến thăm “không đi ngược lại chính sách truyền thống của Mỹ” trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), song sự hiện diện và các tuyên bố sau đó của bà đã gặp phản ứng quyết liệt chưa từng có từ Bắc Kinh, đẩy căng thẳng tại eo biển Đài Loan lên mức chưa từng thấy kể từ năm 1996.
Vì thế, Đài Loan chắc chắn là chủ đề gây tranh cãi nhất trong chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Song liệu quyết định của bà Nancy Pelosi sẽ tác động ra sao tới tình hình khu vực và thế giới? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.