Nhỏ Bình thường Lớn

Bảo tồn tại chỗ - Lực bất tòng tâm?

Ngày 9/8, Viện Khảo cổ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội tổ chức hội thảo “Di tích Đền Thượng (Cổ Loa) - những tiếp cận và bảo tồn”.
Đền Thượng Cổ Loa

Có một thực tế mà ai cũng biết, di tích Cổ Loa hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại bởi cả thiên nhiên và con người. Nhưng các nhà khoa học Việt Nam vẫn đang lúng túng trước bài toán bảo tồn như thế nào.

Bảo tồn tại chỗ - Lực bất tòng tâm?

Cách đây chưa lâu, cuộc khai quật ở Đền Thượng nói riêng và Cổ Loa nói chung đã thu được những kết quả rất đáng chú ý. 6 hố khai quật thăm dò được mở ở khu đất phía đông Đền, có tổng diện tích 134m2. Kết quả cho thấy ngoài lớp đất mặt và đất sinh thổ, tầng văn hóa gồm 3 lớp, từ trên xuống dưới được cấu tạo như sau: lớp văn hóa thời Lê Nguyễn (trên cùng); lớp văn hóa thời Trần (ở giữa); lớp văn hóa Cổ Loa (dưới cùng).

Các cuộc khai quật tiếp theo được tiến hành và phát hiện được cho là quan trọng nhất của di tích này chính là hệ thống 3 khu lò nằm liền kề nhau với các hiện vật khuôn đúc, phác vật khuôn, phế liệu khuôn, nguyên liệu làm khuôn, xỉ đồng và nhiều nhất là lớp than đen.

Phát hiện này có thể xếp vào mức độ nổi tiếng thứ ba, sau phát hiện kho mũi tên đồng hàng vạn chiếc ở địa điểm Cầu Vực (1959) và phát hiện trống đồng Cổ Loa II bên trong chứa hàng trăm đồ đồng Đông Sơn ở địa điểm Mả Tre (1982).

Phát hiện này giúp các nhà khoa học một lần nữa mạnh dạn khẳng định truyền thuyết về thời An Dương Vương là có thật, Cổ Loa là kinh đô cổ và An Dương Vương đã xây đủ 3 vòng thành trước khi Mã Viện đến (dù quan điểm này vẫn chưa thực sự thống nhất).

Cũng như các di tích đã phát lộ, Đền Thượng đang đứng trước nguy cơ bào mòn bởi thời tiết vì các phương pháp bảo tồn của Việt Nam hiện nay đều không ổn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội, phương án làm hệ thống mái che, bố trí máy điều hòa, hút ẩm không “trụ” được bao năm.

Do đó nếu áp dụng vào các hố khai quật ở Đền Thượng cũng vô nghĩa. Bảo quản bằng cách lấp cát được coi là an toàn là nhưng chỉ là tạm thời. Và nếu không sớm có phương án bảo tồn, rất có thể di tích tan thành cát bụi.

coloa3.jpg
Di tích lò nung gốm phát hiện tại Cổ Loa

Tiến sĩ Nguyễn Giang Hải đã từng đến thăm quan các di tích ở Trung Quốc cho biết nước bạn hiện nay có rất nhiều cách bảo tồn hiệu quả. Như Hoàng cung Nam Việt Vương được bảo tồn tại chỗ và xây một bảo tàng bên cạnh. Còn Con đường 1000 năm là một khu bảo tồn nằm dưới lòng đất của một trung tâm thương mại.

Phương án bảo tồn tại chỗ cho di tích Đền Thượng đã được cả giới khoa học và các nhà quản lý ủng hộ. Nhưng khi chạm đến công nghệ để bảo tồn di tích tại chỗ, các nhà khoa học Việt Nam rơi vào thế bí. Không những thế kinh phí đầu tư cũng khiến nhà quản lý nản.

Dù của thời nào cũng cần được bảo tồn!

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội: “Hiện nay di tích Cổ Loa đã bị phá hủy 30%.

Năm 1995 chỉ có 350 hộ xây nhà trên thành, hào. Nhưng đến năm 2007 số hộ xây nhà tại đây đã lên tới 1428. Cứ với đà như hiện nay 10 năm nữa sẽ không còn Cổ Loa”.

Trong khi những di tích đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại thì các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được về quan điểm. Những tranh cãi về niên đại xung quanh di tích này khiến công việc bảo tồn di tích bị chậm lại.

PGS Phạm Minh Huyền, người trực tiếp tham gia các cuộc khai quật di tích Đền Thượng nói: “Đây là lần thứ 2 hội thảo về Đền Thượng, Cổ Loa nhưng tôi vẫn thấy rất nhiều nhà khoa học băn khoăn về việc thành Cổ Loa do An Dương Vương xây hay Tây Hán, Mã Viện xây? Nếu cứ băn khoăn mãi thế này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ học phát biểu gay gắt hơn: “Các nhà quản lý hiện nay đang vướng phải tư duy nếu không phải công trình do người Việt xây thì không bảo tồn.

Nghĩ như vậy là chết. Những cái chúng ta đang có hiện nay ở Cổ Loa dù của An Dương Vương, hay Mã Viện xây đều cần được bảo tồn”.

Bảo tồn tại chỗ - Cần có công nghệ riêng

Một số nhà khoa học lại tỏ ra không tin tưởng Việt Nam đủ khả năng bảo tồn di tích nên đã đề xuất phương án thuê chuyên gia nước ngoài. Nhưng thuê chuyên gia rất đắt, cộng thêm chi phí đầu tư cho việc bảo vệ di tích cực kỳ tốn kém. Hiện tại, TP Hà Nội đã đồng ý với phương án bảo tồn tại chỗ và xây bảo tàng tại Cổ Loa nhưng bảo tồn như thế nào thì đang… bí.

coloa4.jpg
Di tích Cổ Loa

Bàn đi bàn lại nhưng vẫn bế tắc. Có lẽ vì quá sốt ruột nên nhà khảo cổ Đoàn Văn Sinh từ trong Nam ra dự hội thảo đã phát biểu rất thẳng: “Nước nào cũng phải xây dựng công nghệ bảo tồn di tích riêng và không thể áp dụng y chang công nghệ của họ vào di tích của mình. Thuê các chuyên gia nước ngoài rất tốn kém mà không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Thực tế đã cho thấy khi huy động chất xám, đã từng có người Việt tự đứng ra nhận và xây dựng đề án bảo quản hiện vật và thành công. Giá trị của Cổ Loa không còn gì phải bàn cãi nữa, di tích này cần được bảo tồn. Cổ Loa không phải của riêng Hà Nội mà là của cả dân tộc, nếu cần gì các nhà khoa học hãy đứng ra kêu gọi, chắc chắn sẽ có nhiều người tình nguyện giúp đỡ”.

Và câu nói của nhà khảo cổ Đoàn Văn Sinh rất đáng để các nhà khoa học suy nghĩ: “Tôi thấy miền Bắc rất nhiều di tích nhưng giữ được lại rất ít”.

Theo Thể Thao Văn Hóa