Đến chùa Hương vào ngày cuối tuần, chị Lan không biết rằng mùa này chùa Hương đóng cửa, không bán vé tham quan. Định ra về, nhưng đoàn của chị đã được những người đứng ở đây mời chào vào động tham quan với cái giá không hề rẻ: 5 người với chuyến đò 2,5 triệu.
Động Hương Tích tại Chùa Hương mùa cuối năm. (Ảnh: Lý Yến) |
Thấy du khách thắc mắc sao đắt thế thì được các chủ đò giải thích rằng vì Chùa Hương đang đóng cửa, nếu muốn đi vào, thì chỉ có cách đi như vậy thôi, chứ giờ này “lấy đâu ra giá vé 80.000 cho cả tiền đò như bình thường”.
Một cò mời đi xuồng vào động giải thích: Giá này đã gồm tiền vé vào cửa tham quan 130 nghìn/1 người, như vậy chuyến đò sẽ bao là 2,65 triệu, bớt cho đoàn khách 150 nghìn, còn lại lấy trọn 2,5 triệu.
Hoặc nếu không, thì trả cho họ 2 triệu rồi họ chở vào động, còn vào đó có lên được hay không thì “em không biết”. Rồi nào là “giá này đã hữu nghị lắm, vì đò của em phải đi qua khu dích dắc, mùa này đang cấm, nhưng chỉ có chúng em mới biết cách đi qua thôi. Các chị đi thì đì, không thì thôi”.
Đúng như cô chủ đò hét giá, “đi thì đi, không thì thôi”, vì sau một hồi hỏi giá các chủ đò, đều thấy “trên dưới 1 lòng”, giá tương tự như nhau, đắt gấp vài chục lần so với mùa Lễ hội hằng năm.
Khung cảnh suối Yến nên thơ, núi đồi hai bên xanh ngát một màu. Nhiều đoàn khách ngậm ngùi chấp nhận cái giá cắt cổ để đi vào động. Chúng tôi quan sát thấy, dù là Chùa Hương đang đóng cửa không đón khách, nhưng vẫn có khá nhiều người vào bên trong hành lễ theo cách trên.
Đặc biệt là các chủ đò cứ thẳng băng mà đưa khách, chứ cũng chẳng có chỗ nào gọi là “zích zắc” cấm đoán gì, hay là vào chùa chính cũng không có ai bán vé 130 nghìn/1 khách như chủ đò đã nói với khách lúc trước.
Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao Ban quản lý đã cho đóng cửa các hoạt động tâm linh tại chùa Hương, nhưng việc khai thác trục lợi như trên vẫn ngang nhiên diễn ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật mà không có bất kỳ sự ngăn cản nào?