Chùa Phong Đăng được tiếng là thiêng mặc dù kiến trúc nguyên bản của chùa đã bị giặc Pháp phá hỏng toàn bộ. |
Một buổi chiều đầu hạ trời đầy nắng, tôi tìm đến Nhị Khê sau khi được một người bạn mách rằng, chùa làng Thượng có chiếc chuông chùa cổ và kỳ lạ lắm. Từ trung tâm Hà Nội, đi xuôi theo Quốc Lộ 1A cũ khoảng hơn mười cây số, đến đúng làng nghề cổ truyền với đặc sản bánh dày Quán Gánh thì phía bên kia đường tàu chính là cổng làng thôn Thượng (còn gọi là Thượng Đình). Người dân địa phương từ lâu đã lãng quên cái tên khai sinh của chùa là Phong Đăng Tự mà thường gọi nôm na là chùa thôn Thượng.
Chứng nhân lịch sử
Qua cổng làng, đi tới gần cuối làng thì rẽ phải, đó chính là lối vào chùa thôn Thượng, với khuôn viên khá rộng. Nếu không để ý có thể không nhận ra chùa thôn bởi không giống như những ngôi chùa khác, cổng chùa được ghép bằng tôn tấm. Đó chính là cánh cổng của trường mẫu giáo thôn, trước kia từng hoạt động nhờ một khu nhà thuộc khuôn viên nhà chùa.
Bước qua cánh cổng chùa đặc biệt ấy, mở ra trước mắt tôi là một không gian rộng, tĩnh mịch như tờ, với hai ngôi chính là Tam Bảo và Đại Bái, phần còn lại là khuôn viên chùa với những hàng cây xanh mát và ao chùa lúc nào cũng đầy ăm ắp nước… Chênh chếch phía xa bên phải của khuôn viên có ba ngôi miếu nhỏ, là nơi lưu giữ xá lị của các vị sư từng có công xây dựng và trông coi Phong Đăng Tự.
Đi vào phía trong ngôi Tam Bảo, tôi gặp sư thầy duy nhất đang trông coi ngôi chùa: Sư thầy Thích Đàm Thủy, năm nay đã hơn 50 tuổi và đã thoát tục từ 20 năm nay. Sư thầy Đàm Thủy cho biết: "Hai cụ của tôi từng là sư trụ trì chùa này, một cụ là Đàm Minh và một cụ là Đàm Trí. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cụ Đàm Minh đang làm cách mạng ở Diên Phúc, Diên Hà (Thái Bình) thì bị lộ nên được tổ chức chuyển về Hà Nội hoạt động".
Trước đó, chùa Phong Đăng đã bị lính Pháp phá tan tành - vì là một địa điểm bí mật của Cách mạng. Ngay sau trận đốt phá của giặc Pháp, dân làng Thượng bí mật ra bãi hoang tàn thì thấy tháp chuông và nhà bia vẫn còn nguyên, chưa hề bị cháy. Thấy vậy, dân làng bèn khiêng bia đi cất giấu, còn chiếc chuông chùa thì được tháo xuống và đem vào làng Văn Xá thả xuống giếng, đề phòng sau này giặc Pháp quay lại lấy đi mất.
Khi sư thầy Đàm Minh về nhận công tác ở Hà Nội thì các cụ bô lão địa phương đã mời sư thầy về nhận chùa làng, thực chất chỉ còn cái nền chùa cũ, còn tất cả đã bị đốt phá sạch. Sư thầy Đàm Minh nhận lời và bắt tay vào xây dựng lại ngôi Tam Bảo trên nền chùa cũ. Mãi thời gian sau, khi hòa bình lập lại, dân làng mới dám đem bia và quả chuông về chùa. Vừa trông coi hương khói cho chùa Phong Đăng, sư thầy Đàm Minh vừa hăng hái hoạt động Cách mạng, ban đêm thì đi họp - những khi có xảy ra đánh nhau giữa quân Cách mạng và giặc Pháp thì sư thầy lại cùng tham gia cứu thương.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chùa Phong Đăng trở thành địa điểm chuyển quân và điều trị thương binh trong chiến tranh. Lúc này, ngoài ngôi Tam Bảo, sư thầy Đàm Minh đã cùng dân làng xây dựng được thêm phần Đại Bái và hậu cung - dù chỉ bằng tranh tre nứa lá nhưng cũng là một địa điểm rộng rãi và yên tĩnh để các thương binh nằm điều trị và cũng là một trong những địa điểm tập kết của bộ đội miền Nam ra Bắc. Sau khi sư thầy Đàm Minh qua đời, sư thầy Đàm Trí đã tiếp tục trông giữ ngôi chùa trong suốt những năm tháng khó khăn của đất nước. Thi thoảng, các cựu chiến binh từng đóng quân trong chùa vẫn lui tới Phong Đăng tự để hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng ấy.
Mãi đến năm 1997, nhờ một người làng khá giả đóng góp, sư thầy Đàm Trí mới có điều kiện kiên cố hóa ngôi Đại bái như ngày nay. Những tấm liếp của ngôi Đại Bái chùa Phong Đăng ngày ấy hiện vẫn được lưu giữ trong chùa Phong Đăng, như một phần chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử và những đóng góp của ngôi chùa cho hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Dù vậy, nhưng trải qua thời gian, ngôi chùa cổ đã xuất hiện mối xông ở khắp nơi mà các hộp thuốc diệt mối của người dân mang đến đặt chẳng hề phát huy tác dụng.
Chùa thiêng, chuông cổ
Chùa Phong Đăng được tiếng là thiêng. Những câu chuyện ly kỳ được người dân trong làng lưu truyền thì nhiều vô kể, nhưng khi được hỏi, sư thầy Đàm Thủy cười hiền rồi kể lại những chuyện mà hai cụ sư thầy trụ trì trước được chứng kiến tận mắt.
Ấy là những năm chiến tranh, chùa Phong Đăng có khoảng 3 sào ruộng để cụ Tăng của chùa trồng cấy. Mùa thóc năm đó, sau khi gặt xong, thầy Đàm Minh để lúa bên bờ ruộng, chưa kịp gánh về vì phải đi công chuyện gấp trong đêm. Đến sáng hôm sau, ra đến ruộng thì đống lúa mới gặt đã không cánh mà bay. Giận quá, sư thầy về thắp hương khấn Đức ông trong chùa, rằng chỉ thu hoạch được ít lúa mà kẻ gian đã gánh trộm mất rồi. Đến sáng hôm sau nữa, sư thầy đi ra ruộng lúa thì đã thấy đống lúa mình gặt hôm trước đã nằm nguyên vẹn trên bờ ruộng, như chưa hề bị suy suyển. Sư thầy cứ băn khoăn, không hiểu kẻ gian biết là thóc của chùa nên đem trả hay là Đức ông trong chùa đã "đòi" giúp.
Một lần khác, khi một phần khuôn viên chùa còn dùng làm trụ sở hợp tác xã. Hôm đó, có ông Dương và ông Liêm ra trụ sở làm việc rồi nhân lúc rảnh, ngồi nhờ rồi chơi bài trong ngôi Tam Bảo. Chơi một hồi thì khát nước nên ông Dương vái lạy xin một quả cam trên ban ăn cho đỡ khát, còn ông Liêm chẳng vái chẳng rằng, tự tiện lấy ăn. Đến khi về nhà, ông Liêm bị đau bụng dữ dội. Người nhà cứ đưa đến bệnh viện thì khỏi mà đưa về nhà thì lại đau trở lại. Đến khi vợ ông Liêm thấy lạ quá, mới gặng hỏi thì ông Liêm mới kể rằng có ăn một quả cam trong chùa. Vợ ông liền sắm một cái lễ ra chùa khấn vái một hồi thì hết đau.
Sư thầy Đàm Thủy đang kể chuyện thì có một cụ bà người của làng vào chùa, mang theo hai bó hoa cúc lớn vừa cắt ở ruộng nhà vào biếu nhà chùa. Bà cụ này kể rằng, đoạn đường sắt song song với quốc lộ 1A trước cổng làng Thượng, trước đây thường xuyên xảy ra tai nạn tàu hỏa. Có những lần nghiêm trọng, máu người bị nạn bắn xuống sông Tô Lịch chảy qua đó làm đỏ cả dòng nước. Đến khi làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân, người ta mới xin sư trụ trì đưa vong linh họ vào làm lễ trong chùa để hóa giải những oan khuất trên đoạn đường. Kể từ đó đến nay, đoạn đường sắt chạy qua thôn Thượng chưa hề có thêm một tai nạn đường sắt đáng tiếc nào nữa.
Sư thầy Đàm Thủy dẫn tôi đi tham quan khắp nơi trong khuôn viên rộng tới hơn 1 mẫu vuông của chùa Phong Đăng. Đặt bàn chân trần lên từng lớp rêu mát lịm dưới chân, tôi như quên hết mọi âm thanh ồn ào, xô bồ của cuộc sống thường nhật. Lần tay đọc từng chữ Hán Nôm viết trên văn bia và chiếc chuông cổ treo ở góc gian Đại Bái: "Chữ viết rằng, Phong Đăng tự khởi công vào mùa Thu năm Canh Dần và hoàn thành vào mùa Xuân năm Tân Mão, năm Thành Thái thứ 4… Chiếc chuông này rất kỳ lạ là sau khi được dân làng cất giấu, bị ngâm xuống giếng một thời gian dài mà đến nay, khi đánh lên, tiếng chuông vẫn thanh và ngân xa. Không giống như phần lớn chuông chùa bị ngâm xuống giếng thì đều bị câm, đánh không ra tiếng nữa…".
Khánh Nguyễn