Hội thảo đã diễn ra tại Hà Nội trong cả ngày 22/10 với hai phiên tham luận của các đại biểu. Đây là lần thứ hai UBNN về NVNONN phối hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về chủ đề này. Đặc biệt là Hội thảo lần này có sự tham gia của gần 20 phóng viên kiều bào từ Hoa Kỳ, Nga, Czech, Ba Lan… cùng các giáo viên kiều bào đang tham dự Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN tại Hà Nội.
Nguy cơ đồng hóa ngôn ngữ
Đó chính là trăn trở của tất cả các đại biểu tham dự Hội thảo. Theo nhà báo Hoàng Hướng (Ban Việt kiều – Đài Tiếng nói Việt Nam), điểm chung của các cộng đồng là nỗi ưu tư chung của người Việt xa quê là bảo tồn tiếng Việt, giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương mình.
Cùng chung quan điểm, nhà báo Lê Vũ (Chủ nhiệm VietWeekly – Mỹ) chia sẻ: “Cộng đồng người Việt tại Mỹ có tồn tại được hay không là nhờ vào việc chia sẻ văn hóa chung và ngôn ngữ chung. Nếu thói quen này không còn, cộng đồng người Việt sẽ bị đồng hóa, mặt dù có tồn tại một số người mang họ Lê, Nguyễn, Lý,… Và đó là một thiệt thòi lớn không những cho từng cá nhân mà cho cả dân tộc Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm UBNN về NVNONN nhấn mạnh: “Hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là hạt nhân hết sức tích cực trong việc truyền bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam với thế giới, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào quá trình quốc tế hóa. Đặc biệt, việc đẩy mạnh phong trào dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ trẻ thứ 3, thứ 4 người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn quảng bá nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế”. |
Kết hợp truyền thông và gia đình
Nhìn chung, bức tranh về khả năng sử dụng tiếng Việt đối với thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới không mấy sáng sủa. Đại biểu Ngô Tiến Điệp (nhà báo tự do tại Liên bang Nga) nhận xét: “Người Việt ở Nga hiện nay đa số mưu sinh bằng công việc buôn bán, không có nhiều thời gian gần gũi với con cái mình. Trẻ em người Việt được gửi cho các bảo mẫu người Nga nuôi chăm sóc từ khi chập chững biết đi. Khi đến tuổi đi học, trẻ Việt cả ngày ở trường, nói tiếng Nga, học nếp sinh hoạt của người Nga. Hơn nữa, phần đông cha mẹ các cháu không đánh giá cao tầm quan trọng của việc giáo dục ngôn ngữ, văn hóa Việt cho con cái mình mà phó mặc cho nhà trường, xã hội. Sự nhận thức đó đã dẫn đến việc nhiều thanh, thiếu niên Việt ở Nga hiện nay không hiểu về lối sống, văn hóa Việt Nam”.
Có thể thấy, sự mai một của tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài diễn ra do nhiều nguyên nhân, khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chính vẫn là không có không gian để vận dụng tiếng Việt. Nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài sớm nhận thức được nguy cơ này đã hàng năm gửi con em về Việt Nam vào dịp nghỉ hè để các cháu học tiếng Việt ngay trên chính quê hương mình. Đó là giải pháp lý tưởng – nhưng không khả thi đối với đại chúng kiều bào.
Ở nhiều nước trên thế giới, các cơ quan truyền thông lớn thường có riêng chương trình về dạy ngôn ngữ. Đặc biệt là gần đây, sự phát triển rộng các ứng dụng dạy ngoại ngữ trên điện thoại di động và máy tính bảng rất thuận lợi cho người học. Nhờ đó, việc đưa các chương trình dạy tiếng mẹ đẻ đến với cộng đồng người Việt ở nước ngoài trở nên dễ dàng hơn.
Thay cho lời kết, xin chia sẻ một phần thông điệp của Kênh truyền hình Văn hóa Việt VTC10 NetViet tham luận tại Hội thảo: “Gia đình chính là môi trường học tập, gìn giữ tiếng Việt hiệu quả nhất. Truyền thông đa phương tiện đang phát huy vai trò trở thành cầu nối về ngôn ngữ, kết nối các thế hệ và giúp thế hệ trẻ Việt Nam tương tác và học tiếng Việt, làm sao để các bài học tiếng Việt trở nên gần gũi, dễ tương tác và thấm vào tâm thức của kiều bào trẻ trên khắp thế giới”.
Trao chứng chỉ cho giáo viên dạy tiếng việt ở nước ngoài Ngày 22/10, tại Hà Nội, UBNN về NVNONN và Bộ GD&ĐT đã bế giảng và trao chứng chỉ cho học viên khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN. Sau thời gian tập huấn, 14 học viên là giáo viên dạy tiếng Việt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Czech, Đức, Ba Lan, Nga, Lào... đã cùng trao đổi về những kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt tại địa bàn, tham gia tập huấn trên lớp về phương pháp dạy tiếng Việt nói chung qua các giáo trình Tiếng Việt vui, Quê Việt và các tài liệu chuyên sâu về tiếng Việt do Bộ GD&ĐT biên soạn.
Thiên Đức