📞

Chuyện “ăn uống” tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều

15:00 | 07/03/2019
Câu chuyện "ăn uống" có thể là nhỏ bé tại sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế giới, nhưng lại vô cùng sống động trên truyền thông quốc tế và có ý nghĩa đặc biệt với Hà Nội, cũng như nước chủ nhà Việt Nam.

Để phục vụ hơn 3.000 nhà báo quốc tế và trong nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, có thể nói Hà Nội đã mở cả "đại tiệc" ở Trung tâm Báo chí quốc tế (IMC) để đãi khách...

Không chỉ có phở, bánh mì

Đây là thông điệp mà Việt Nam muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế khi hiện diện hàng chục món ăn tinh túy, đậm hương vị truyền thống như phở Thìn, bún chả Hà Nội, bún thang bà Ẩm, bánh khúc cô Lan, xôi chè Phú Thượng, giò chả Ước Lễ, trà sen Tây Hồ, cà phê trứng Giảng...

Suốt ba ngày phục vụ tại Hội nghị, Phở Thìn lúc nào cũng đắt khách và món quà giá trị dành cho anh Bùi Chí Thành (cháu nội ông Bùi Chí Thìn) là những nụ cười cùng sự hài lòng của khách. “Từ con số dự định khoảng 300 suất ăn/ngày nhưng thực tế đã lên đến gần 1000 suất/ngày. Công việc khiến cả gia đình tôi “mất ngủ” nhưng niềm vinh dự này khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi. Mừng nhất là rất nhiều phóng viên nước ngoài đã hỏi thăm địa chỉ cửa hàng để những lần sau họ sẽ ghé đến và giới thiệu bạn bè đến thưởng thức”, anh Thành chia sẻ.

Gian hàng phở Thìn- một thương hiệu phở nổi tiếng, tại IMC. (Ảnh: Trần Trung)

Giống như anh Đoàn Văn Lai (cháu đời thứ ba của thương hiệu Bún thang bà Đoàn Thị Ẩm), chủ quán Nguyễn Chí Hòa của Cà phê Giảng cũng được sống trong “vòng quay” phục vụ khách tại IMC. Chủ các cửa hàng này cho biết, gia đình đã phải huy động mọi thành viên và dồn hết sức lực để phục vụ nhưng niềm vui nhận lại được thì không thể đong đếm.

Những chủ cơ sở như bánh cuốn bà Hoành, bánh khúc cô Lan, hay giò chả Ước Lễ cũng có chung niềm phấn khởi được giới thiệu sản phẩm của mình tại IMC. Lần đầu được phục vụ từ 500-700 khách tại một sự kiện lớn của đất nước, chị Nguyễn Thị Loan (Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng) còn mong hương vị xôi Phú Thượng sẽ bay xa hơn, ra ngoài biên giới đất nước.

Những vị "đại sứ quảng bá” hào phóng

Bên cạnh hoạt động quảng bá về ẩm thực Việt trên kênh truyền hình CNN với hàng trăm triệu lượt xem, Hà Nội may mắn hơn nhận được sự hào phóng của những phóng viên quốc tế như là các “đại sứ quảng bá”. Bận rộn với sự kiện chính, nhưng những phóng viên ấy vẫn dành thời gian để truyền tải những góc nhìn khác về cuộc sống, ẩm thực Việt đến khán giả và bạn bè của họ.

Những ai theo dõi trang Twitter của nhà báo David Nakamura đến từ tờ Washington Post (Mỹ) sẽ thấy ngay bên cạnh những bài viết về sự kiện, ông thường xuyên đăng tải hình ảnh phong phú về ẩm thực Hà Nội. Đó là clip thú vị khi ông được phục vụ món bánh khúc tại khu vực chiêu đãi của IMC, là khi ông háo hức thưởng thức xôi lá sen hay ly cà phê trứng. David Nakamura còn tự mình khám phá ẩm thực đường phố Hà Nội với bữa tối là bát mì vằn thắn chỉ với giá 1,5 USD (tương đương hơn 30.000 đồng) và phấn khởi đăng lên trang cá nhân. David Nakamura chia sẻ rằng dù đi đến đâu ông cũng thích thú tìm hiểu, thưởng thức ẩm thực bản địa. Nhà báo này còn đặt chân đến tận quán Bún chả Hương Liên – nơi cựu Tổng thống Barack Obama từng ăn và gọi ngay một xuất “Combo Obama”.

Dù ưu tiên những tin tức nóng của Hội nghị, nhưng Korea Times - tờ báo lâu đời nhất trong số ba tờ nhật báo tiếng Anh tại Hàn Quốc cũng không thiếu những hình ảnh về ẩm thực đường phố của Việt Nam. Đáng chú ý, trong bản tin tối 27/2, phóng viên David Muir của ABC News (Mỹ) đã trực tiếp khám phá ba món ngon nổi tiếng của Hà Nội. David Muir đã len lỏi qua một đoạn ngõ ngách nhỏ, tới quán cà phê Phố Cổ để thưởng thức cà phê trứng. Sau đó, nam phóng viên còn đi thử món nộm đu đủ và phở bò với lời khen ngợi “ngon tuyệt”.

Trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam, Kim Tea Yeon - người hỗ trợ phiên dịch cho đoàn phóng viên đài MBC News (Hàn Quốc) luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho bánh mì Việt Nam, ngay cả khi chưa quen với hương vị rau thơm. Nếu như phóng viên Tanaka Yoichiro của báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) hết lời khen ngợi món bún thang với dư bị thanh ngọt, thì phóng viên Joao Manuel Pimeta (Bồ Đào Nha) lại ấn tượng với suất cơm bình dân với cá sốt, rau củ và canh. Đâu đó, trên con phố Hàn Thuyên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bánh mì Việt cũng được phóng viên Reuters đăng tải cùng lời nhắn nhủ "rủ nhau thưởng thức món bánh mì ngon nhất Hà Nội".

"Bếp ăn của thế giới"

Từ năm 2017, khi đến thăm Việt Nam, Philip Kotler - một trong những nhà sáng lập trường phái “marketing hiện đại” của thế giới đã gợi ý điều này.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù thời gian để chuẩn bị cho hội nghị rất gấp nhưng Sở được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ các chủ cơ sở chế biến. Tất cả đều xác định đây là cơ hội quảng bá tuyệt vời và ai cũng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam sẽ thành bếp ăn của thế giới”.

Tại một buổi tọa đàm về thương hiệu quốc gia, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh đã thể hiện niềm tin Việt Nam có thể tạo nên thương hiệu sánh ngang các nước, thậm chí vươn xa hơn nữa trong lĩnh vực ẩm thực. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam có thể đãi khách quốc tế hàng chục bữa với những món ăn đặc sắc mà không sợ trùng lặp.

Sau hiệu ứng quảng bá ẩm thực tại IMC trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Hà Văn Siêu –  Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch đã xây dựng kế hoạch để xúc tiến hoạt động quảng bá Việt Nam, trong đó có ưu tiên về lĩnh vực ẩm thực. Đặc biệt, với sự lan tỏa của sự kiện này, ngành Du lịch sẽ tổ chức một loạt hoạt động xúc tiến du lịch tại Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhằm gia tăng sự ảnh hưởng của Việt Nam và thu hút khách du lịch.