📞

Chuyển đổi kinh tế-sinh thái, xã hội theo mô hình sinh thái bền vững ở Việt Nam

Minh Khuê 12:23 | 16/12/2022
Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam cần sớm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đạt các mục tiêu phát triển quan trọng.
Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển tăng trưởng xanh. (Nguồn: Báo Chính phủ)

Thách thức của thời đại

Theo Báo cáo Phát triển Con người 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), loài người đang gây bất ổn cho các hệ thống trên Trái đất. Sự căng thẳng của các hệ thống sinh thái phản ánh bất ổn trong các hệ thống xã hội. Sự mất cân bằng của hệ thống này làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng của các hệ thống khác, tạo ra thách thức to lớn cho con người và sự sống trên Trái đất. Biến đổi khí hậu, với tầm ảnh hưởng toàn cầu, chắc chắn là thách thức như thế.

Việt Nam không phải là ngoại lệ. Mảnh đất hình chữ S đã, đang và sẽ chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Hạ tầng đô thị, chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân, đặc biệt là tại vùng duyên hải, trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước hàng loạt thiên tai, bão lũ và tình trạng nước biển dâng.

Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu và vì thế, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu, với sự chung tay của tất cả các nước. Tuy nhiên, các quốc gia cần xây dựng cho mình một kế hoạch tăng trưởng khoa học, chú trọng giảm thiểu tác động của đô thị hóa tới hệ sinh thái, khí hậu và môi trường hiện nay.

Trong bối cảnh đó, “phát triển bền vững” đã trở thành từ khóa được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, phát triển ra sao để bền vững là nhiệm vụ không dễ dàng.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi sinh thái-xã hội là khía cạnh không thể tách rời để đạt được sự phát triển bền vững. Lý thuyết về sinh thái-xã hội đã được phát triển để tạo ra tri thức kết nối xã hội và tự nhiên, từ đó làm cơ sở để con người có thể xây dựng khung lý thuyết cho sự phát triển hài hoà giữa tự nhiên và xã hội. Chuyển đổi sinh thái-xã hội là cách tiếp cận phát triển mới, trong đó có sự dịch chuyển của hệ thống xã hội, vốn có sự tách biệt tương đối với hệ thống tự nhiên, sang một hệ thống tích hợp hài hoà các yếu tố tự nhiên và xã hội.

Sơ đồ về phát triển bền vững của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). (Nguồn: Zing)

Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam

Tại Việt Nam, từ Đại hội VIII (năm 1996), Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu cho chiến lược xây dựng và phát triển nền kinh tế-xã hội theo hướng “tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân…”. Quan điểm phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững của Việt Nam đã được khẳng định tại văn kiện Đại hội lần thứ IX, X, XI, đặc biệt trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, quan điểm xây dựng và phát triển nền kinh tế-xã hội theo mô hình sinh thái bền vững một lẫn nữa được Đảng cụ thể hóa bằng chiến lược “đổi mới mô hình tăng trưởng”. Theo đó, “mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Trước đó, đứng trước những cơ hội và thách thức để phát triển nền kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững, ngay từ giữa những năm 2000, Đảng và Nhà nước đã đặt ra chiến lược “Phát triển bền vững quốc gia”. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tại Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12/4/2012. Chiến lược này đã xác định các quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển trong 10 năm tiếp theo, các nhóm giải pháp và các chỉ tiêu phát triển bền vững để giám sát, đánh giá quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Những phân tích trên đây cho thấy việc Đảng và Nhà nước lựa chọn mô hình phát triển bền vững đối với kinh tế-xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là tất yếu và hoàn toàn cấp thiết.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, bên cạnh những thành tựu quan trọng, quá trình phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam thời gian qua đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, hạn chế về khoa học, công nghệ cùng với chất lượng đội ngũ lao động chưa được cải thiện khiến trình độ của nền sản xuất của Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn còn lạc hậu và kém bền vững.

Điều này thể hiện rõ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có lợi thế về ngành này, song về căn bản lại chưa tận dụng được thế mạnh của mình. Lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối đông (chiếm 41,9% lực lượng lao động cả nước năm 2016), nhưng trình độ lao động hạn chế, kỹ thuật lạc hậu dẫn đến năng suất lao động thấp. Do đó, đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước còn khiêm tốn và thiếu bền vững. Năm 2016, mức tăng của ngành nông nghiệp Việt Nam là 1,36%, thấp hơn nhiều so với năm 2011. Tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp chỉ chiếm 16,32% trong cơ cấu chung của nền kinh tế.

Đáng ngại hơn, ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 vừa qua đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á (trừ Singapore và Brunei). Trong bối cảnh đó, ngành này cần có điều chỉnh kịp thời, song phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, sinh thái từng quốc gia và địa phương.

Ở chiều ngược lại, sản xuất công nghiệp và dịch vụ đã đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, tăng trưởng của nền kinh tế thời gian qua chủ yếu vẫn dựa vào hoạt động khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô. Trong khi đó, các ngành kinh tế công nghiệp có tính bền vững cao như dịch vụ về tài chính, vận tải, du lịch, công nghệ thông tin… tuy có bước phát triển, nhưng chưa thật vững chắc.

Theem vào đó, vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay đang đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức. Hiểu biết còn hạn chế cùng với hệ thống luật pháp, nhất là luật pháp về môi trường còn nhiều bất cập, đã góp phần dẫn đến các phương thức sản xuất, lối sống ít thân thiện với môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho công tác bảo vệ môi trường ở mảnh đất hình chữ S vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu và vì thế, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu, với sự chung tay của tất cả các nước. Tuy nhiên, các quốc gia cũng cần xây dựng kế hoạch tăng trưởng khoa học, chú trọng giảm thiểu tác động của đô thị hóa tới hệ sinh thái, khí hậu và môi trường hiện nay.

Bốn giải pháp đồng bộ

Tất cả hạn chế, thách thức nêu trên cho thấy để đạt các mục tiêu cơ bản trong chiến lược xây dựng và phát triển nền kinh tế-xã hội theo mô hình sinh thái bền vững, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Đầu tiên, tiếp tục đẩy nhanh “Chiến lược tăng trưởng xanh” ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Muốn vậy, cần tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế và tiến tới xóa bỏ các ngành sử dụng lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm mô trường. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và cập nhật rộng rãi công nghệ hiện đại trong nước và trên thế giới để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích vai trò của các thành phần kinh tế và người dân tham gia tích cực vào việc xây dựng nền kinh tế xanh mọi lúc, mọi nơi. Song song với đó là hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật cần tích cực xây dựng bộ máy quản lý nhà nước phù hợp để quản lý và vận hành nền kinh tế xanh trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, đẩy mạnh chiến lược quản lý và bảo vệ môi trường một cách bền vững ở Việt Nam hiện nay. Trước mắt, cần tập trung kiểm soát việc xả thải của các dự án phát sinh lượng nước lớn ra môi trường; các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường như luyện thép, khai thác khoáng sản, nhiệt điện, sản xuất giấy, dệt nhuộm…; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu. Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về vai trò và ý thức bảo vệ môi trường. Về lâu dài, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo cho phát triển một nền kinh tế-xã hội theo mô hình sinh thái bền vững.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm đáp ứng yêu cầu cho phát triển nền kinh tế-xã hội ở Việt Nam hiện nay theo mô hình sinh thái bền vững. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị theo hướng một mặt vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhưng mặt khác, tạo ra cơ chế dân chủ để đảm bảo hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa theo hướng đề cao vai trò và địa vị pháp lý của các thành phần kinh tế. Đổi mới hoạt động quản lý của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng tiết dụng, chuyên nghiệp và dân chủ.

Về lâu dài, nhà nước cần tạo ra một hệ thống cơ chế, chính sách và pháp luật phù hợp nhằm khai thác và phát huy tối đa hiệu quả sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, cùng hướng đến mục tiêu chung xây dựng và phát triển thành công nền kinh tế-xã hội theo mô hình sinh thái bền vững.