📞

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Khi Việt Nam đã ‘bước lên thuyền’

Đại sứ Phạm Quang Vinh 08:00 | 18/02/2023
Đại hội XIII của Đảng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Trong các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, những khái niệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số lần đầu tiên được đề cập. Nội hàm của những khái niệm này cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển và các đột phá chiến lược.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao.

Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những quan điểm thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Đây chính là mục tiêu, ý nghĩa của việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở nước ta; là lý do để Đại hội XIII của Đảng vừa qua đặc biệt nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các văn kiện Đại hội.

Bên cạnh đó, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Từ những định hướng quan trọng đó, tôi cho rằng, thứ nhất, rõ ràng những định hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nêu trên phù hợp với câu chuyện chung của thế giới khi thế giới đang chuyển động để hướng tới phát triển bền vững, chất lượng hơn. Do vậy, nếu Việt Nam kết hợp được cả định hướng trong nước và trào lưu quốc tế thì sẽ tạo thêm động lực; kết hợp trong, ngoài để phát triển trong thời gian tới ở mức độ cao hơn, có nhiều thuận lợi và hướng tới chất lượng hơn.

Thứ hai, có thể nói, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ là động lực tăng trưởng của thế giới trong thời gian tới, nếu như nước nào không bắt kịp thì sẽ bị tụt hậu nhanh hơn so với phần còn lại. Người ta đã từng nói rằng nếu thời kỳ cách mạng công nghiệp trước đây, khi bị tụt hậu thì chỉ mất một vài năm để có thể bắt kịp nhịp độ phát triển. Tuy nhiên, với xu hướng cách mạng 4.0, xu hướng công nghệ số, nếu bị tụt hậu thì phải mất hàng chục năm mới có thể đuổi kịp được thế giới.

Thứ ba, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là khẩu hiệu mà đòi hỏi một công cuộc đổi mới và cải cách cực kỳ mạnh mẽ ở trong mỗi một quốc gia để có thể nắm bắt được cơ hội này và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng cao. Quá trình này bao gồm về công nghệ, hạ tầng, tổ chức quản lý và đặc biệt là cả về tư duy nhận thức và năng lực con người. Tất cả các khía cạnh đó đều vô cùng quan trọng mà Việt Nam đã đi được một bước, tuy nhiên, để bắt kịp với những trông đợi của Đại hội Đảng lần thứ XIII còn cần phải làm nhiều hơn nữa.

Tựu trung, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là động lực cho phát triển ở tầm mức mới của thế giới, vì vậy, Việt Nam đã đi đúng hướng, mong muốn phát triển ở tầng nấc cao hơn của Việt Nam là đáng trân trọng.

Vì vậy, để sớm đạt được thành tựu, trong lòng Việt Nam còn cần phải tiếp tục công cuộc đổi mới.