📞

'Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người'

Nguyệt Anh 14:03 | 14/04/2022
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông nêu quan điểm, chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, trước hết phải nói đến vai trò của người đứng đầu...
Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân trình bày tham luận tại Diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn". (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Sáng nay (14/4), trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức Diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn".

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng chuyển đổi số là nói đến con người chứ không phải công nghệ. Mua sắm thiết bị công nghệ không khó nhưng quan trọng phải khai phá được tiềm năng của con người, chuyển đổi số muốn thành công phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người.

Đồng thời, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: “Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu nhập dữ liệu độc giả trực tiếp. Đặc biệt, cần chuẩn bị cho một ‘thế giới không cookie" thời gian tới, trong khi cân nhắc cơ chế và kết hợp các sản phẩm in/digital”.

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh những thách thức khi chuyển đổi số là về công nghệ, vốn và con người.

“Muốn chuyển đổi số, các cơ quan báo chí đứng trước những phương án khác nhau. Phương án 1, tuyển chuyên gia, kỹ sư công nghệ để hình thành lực lượng công nghệ tại chỗ phục vụ chuyển đổi số. Phương án 2, thuê công ty công nghệ thực hiện việc chuyển đổi số trọn gói cơ quan báo chí chỉ vận hành. Khi điều chỉnh, bổ sung hay thay đổi sẽ đặt hàng công ty công nghệ giải quyết. Phương án 3, tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ, đồng thời thuê ngoài những việc cần thiết để đảm bảo hiệu quả quản lý lẫn vốn đầu tư. Lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới”, nhà báo Lê Xuân Trung nói.

"Chuyển đổi số là quá trình đào thải, sàng lọc tự nhiên"

Trong cuộc thảo luận, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm, ở góc độ quản lý Nhà nước về báo chí, ông ủng hộ và khẳng định xu hướng tất yếu của chuyển đổi số báo chí. Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh, việc có tỷ lệ phần trăm các cơ quan báo chí chưa sẵn sàng với việc chuyển đổi số là hết sức bình thường.

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, chuyển đổi số không có nghĩa là đến với tất cả mọi người, đó là một quá trình đào thải, sàng lọc tự nhiên. Nhà nước sẽ cố gắng tham gia vào chuyển đổi số báo chí như hỗ trợ, dẫn dắt và làm những việc nếu một mình cơ quan báo chí sẽ không thể tự làm được. Đó có thể là một phần đầu tư của cơ quan Nhà nước vào hạ tầng của báo chí trên nền tảng số. Thứ hai, Nhà nước phải quan tâm những vấn đề lớn hơn về công tác an ninh, an toàn trên không gian số.

Đồng thời, Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chỉ nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần có một trang web, một tờ báo điện tử là đã lên không gian số. Việc này do một phần kiến thức và cũng do nguồn lực không có. Thứ hai, chúng ta lên trang web vẫn còn cung cấp thông tin một chiều. Thứ ba, người nói công nghệ, người nói nội dung nhưng cái quan trọng nhất là sự thay đổi từ mô hình tổ chức cho đến cách chúng ta làm báo.

"Làm báo thì phải chấp nhận sự tương tác và giám sát, thậm chí sự phản biện rất mạnh, bởi chúng ta không còn là nguồn duy nhất phát thông tin. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế cho cách làm báo kiểu khác. Tuy nhiên, cái đó nhiều cơ quan báo chí vẫn chưa sẵn sàng", ông Lâm nói.

Cuối cùng, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, chúng ta nói đầu tư về công nghệ nhưng cái khó nhất chính là thay đổi mô hình tổ chức. Nhiều cơ quan báo chí nói về chuyển đổi số báo chí trở thành những cơ quan truyền thông đa phương tiện rất hay nhưng mô hình tổ chức gần như giữ nguyên và chưa đưa ra được giải pháp thiết thực.

Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập báo Vietnamplus, ngoài vấn đề về tư duy, nhân sự, ông còn đề cập cơ chế.

Ông Nhật cho rằng: “Nếu mở cửa thì nên mở cửa cả cơ chế, bởi trong lúc chúng tôi làm, chúng tôi vẫn phải vượt qua những cơ chế để làm mới mình. Nếu bây giờ chúng ta vẫn giữ cơ chế cũ, chúng ta làm gì cũng phải xin phép bằng văn bản, chờ duyệt thì sẽ khó”.

Đồng thời, Phó Tổng Biên tập báo Vietnamplus nhấn mạnh, vấn đề lớn mà các cơ quan báo chí thường gặp phải đó là việc xử lý cơ chế.

"Cơ chế làm sao để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí dễ dàng hơn trong chuyển đổi số. Để giải quyết căn cơ thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước chứ chúng tôi vẫn phải đi đường tắt. Theo tôi, chuyển đổi số phải từ cơ chế chính sách, sau đó là có độ 'mở', 'phá rào' cho chúng tôi".

Ngoài ra, ông Nhật cũng cho rằng, thay đổi lớn nhất là thay đổi tự thân. Chúng ta phải dám chấp nhận thất bại, không phải sản phẩm nào cũng đạt được thành công.

Đi chậm trong chuyển đổi số không có nghĩa sẽ thất bại

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, đi chậm trong chuyển đổi số không có nghĩa sẽ thất bại, các cơ quan đi sau cần tranh thủ kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đi trước để thực hiện hiệu quả hơn.

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số báo chí còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những lãnh đạo cơ quan báo chí có kiến thức, hiểu biết về công nghệ, dễ dàng chuyển đổi số, thì nhiều cơ quan báo chí từ lãnh đạo đến phóng viên đều thiếu kiến thức về công nghệ, không biết nên làm từ đâu, định hướng thế nào. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đang gặp khó khăn về nguồn tiền đầu tư cho chuyển đổi số.

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Do đó, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng, các cơ quan báo chí muốn chuyển đổi số phải thay đổi từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người, hiện nay nhiều nhân lực báo chí còn ngại thay đổi trong xu hướng chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, trong đó trước hết phải nói đến vai trò của người đứng đầu. Khi loay hoay rằng bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, như thế nào thì người đứng đầu cần quyết, cần thay đổi. Khi chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì chắc chắn việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, đội ngũ phóng viên cũng cần thay đổi nhận thức về công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến trong năm 2022 sẽ đào tạo khoảng 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, trong đó báo chí có từ 3.000-5.000 người. Việc đào tạo bồi dưỡng sẽ được thực hiện cả trực tiếp và trực tuyến.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong định hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí có 2 mảng việc cần thực hiện ngay là quản trị nội bộ, các vấn đề về tài chính trong báo chí. Mảng thứ 2 là quản lý, sản xuất và lưu trữ nội dung, việc này cần một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn.

Để giải quyết những khó khăn này cho các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chủ trương xây dựng các nền tảng lớn đảm bảo độc lập chủ quyền trên không gian mạng.

“Chúng ta đầu tư cho xã hội vật lý thế nào thì đầu tư trên không gian mạng như thế và cơ quan Nhà nước cần vào cuộc. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất với Chính phủ đầu tư nền tảng lớn dùng chung cho 6 cơ quan báo chí chủ lực", ông Phạm Anh Tuấn nói.

Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung, xác định về khoảng giá, tránh tình trạng cùng một nền tảng nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị.

Thứ trưởng khẳng định: “Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan báo chí, đảm bảo dù chậm nhưng vẫn hiệu quả, từng bước cải tiến để đứng vững trên môi trường chuyển đổi số”.