Du lịch thông minh là hướng phát triển đúng đắn, giúp nâng cao tính cạnh tranh lâu dài, bền vững cho các điểm đến tại Việt Nam. Trong ảnh: Vịnh Hạ Long, một địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Xu thế tất yếu
Chuyển đổi số trong ngành du lịch là đưa toàn bộ ngành lên môi trường số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch; ứng dụng công nghệ số nâng cao trải nghiệm du khách...
Theo nghiên cứu, chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025; đồng thời cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), số người sử dụng Internet toàn cầu trong năm 2023 đã tăng 100 triệu, chạm mốc 5,4 tỷ người, tương đương 67% dân số thế giới. Thống kê của công ty truyền thông Wearesocial cho thấy, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Các trang web, app điện thoại về du lịch với lợi thế tối ưu, cho phép đặt chỗ mọi lúc mọi nơi, cung cấp các đánh giá, thông tin tổng quan ngày càng trở thành địa chỉ quen thuộc của giới trẻ, thịnh hành xu hướng du lịch thông minh.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT cho rằng, du lịch thông minh có thể thay đổi hoàn toàn trải nghiệm khách hàng và nâng cao tính cạnh tranh lâu dài cho các điểm đến du lịch Việt Nam.
Theo chuyên gia, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư vào các hệ thống công nghệ tiên tiến để xây dựng các thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân. Song song với xu hướng toàn cầu này, nhiều điểm du lịch cũng đang hiện đại hóa và sử dụng công nghệ thông minh trong nhiều mảng vận hành, từ dịch vụ đặt chỗ, phương thức thanh toán đến các hoạt động tương tác và quản trị nguồn lực.
Các điểm đến hiện đang dẫn đầu xu hướng du lịch thông minh có thể kể đến là Amsterdam (Hà Lan), Barcelona (Tây Ban Nha), Dubai (UAE), London (Anh), Melbourne (Australia), New York (Mỹ), Oslo (Na Uy), Singapore (Singapore) và Tokyo (Nhật Bản). Tại những nơi này, khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác đơn giản như tự phục vụ và làm thủ tục check in ở sân bay, trả tiền taxi, đặt thức ăn, xác định thời gian chờ và đọc thông tin về điểm đến hoặc thắng cảnh qua mã QR code được cung cấp.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam: “Sự trỗi dậy của số hóa đã định hình lại cách mọi người đi du lịch, đặt phòng và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình”.
Trên thực tế, chỉ riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của Statista, một cuộc khảo sát trên 2.614 người Việt được thực hiện vào tháng 11/2020 cho thấy, 60% số người được hỏi biết và sử dụng đại lý du lịch trực tuyến. Tiến sĩ Ribeiro cho biết: “Sự thay đổi theo hướng số hóa này không chỉ giới hạn ở đặt phòng mà còn mở rộng sang việc sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể”.
Ông phân tích: “Theo kết quả cuộc khảo sát do nền tảng công nghệ du lịch Egencia thực hiện vào năm 2021, 74% khách du lịch sử dụng thiết bị di động để nghiên cứu các lựa chọn du lịch của họ. Điều đó càng khẳng định rằng, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần thích ứng với xu hướng này và cung cấp giải pháp thân thiện với thiết bị di động”.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Tháng 5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, theo đó xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.
Tại Diễn đàn Du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” (tháng 9/2023), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có nguồn lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác, song cũng phải bắt đầu bằng hành động, mục tiêu cụ thể.
Quan điểm xuyên suốt là tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; lấy khách du lịch làm trung tâm, thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa. Đây vừa là động lực, sức bật cho ngành du lịch, vừa phát huy được thành quả, mở ra một không gian, tiềm năng mới để phát triển xanh, hiệu quả, bền vững.
Triển khai các giải pháp cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển du lịch số; ra mắt Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch; hướng dẫn kết nối tích hợp vào các nền tảng số của ngành... Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số du lịch tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Công nghệ hiện đại đang được dùng để tạo ra trải nghiệm du lịch được cá nhân hóa cho khách hàng. (Nguồn: VGP) |
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu về phát triển du lịch nói chung và chuyển đổi số du lịch nói riêng, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh. Tiếp tục phát triển các ứng dụng khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch nhằm hỗ trợ du khách, quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, doanh nghiệp thông minh; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch kỹ thuật số; tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về du lịch thông minh, du lịch số.
Tiến sĩ Jackie Ong nhận định: “Là một điểm đến mới nổi với lực lượng lao động trẻ và thông thạo công nghệ, tương lai của du lịch Việt Nam rất tươi sáng. Có rất nhiều tiềm năng để ngành du lịch nơi đây học tập kinh nghiệm của các điểm đến toàn cầu và áp dụng công nghệ phù hợp nhằm thay đổi hoàn toàn trải nghiệm khách hàng, từ đó nâng cao tính cạnh tranh lâu dài của ngành du lịch”.
Theo bà, nhiệm vụ hiển nhiên đầu tiên mà các điểm du lịch Việt Nam cần thực hiện là đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để hỗ trợ năm yếu tố quan trọng của du lịch, thường được gọi theo năm chữ A trong tiếng Anh gồm: Accessibility – khả năng tiếp cận điểm đến, Attractions – thắng cảnh, Activities – hoạt động, Amenities – cơ sở tiện nghi, và Ancillary services – các dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, du lịch thông minh không chỉ có áp dụng công nghệ mà còn bao hàm nhiều khía cạnh khác như tính bền vững, hiệu quả, đổi mới sáng tạo và quản trị.
Một yêu cầu quan trọng là phải có nguồn nhân lực thông minh để quản trị du lịch thông minh. Lãnh đạo và quản lý cấp cao trong tương lai của ngành du lịch cần được trang bị hiểu biết về công nghệ, tư duy phản biện, quản trị và phân tích, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề, để đưa ra những giải pháp tích cực cho các vấn đề phát triển bền vững toàn cầu.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nhận định, một bước phát triển đáng kể trong ngành du lịch là việc sử AI và học máy. Những công nghệ này đang được dùng để tạo ra trải nghiệm du lịch được cá nhân hóa cho khách hàng. Ví dụ, các chatbot được hỗ trợ bởi AI có thể giúp hành khách lên kế hoạch cho chuyến đi, đưa ra đề xuất về các điểm tham quan địa phương và thậm chí hỗ trợ đặt chỗ.
Mặc dù việc chuyển đổi số trong ngành du lịch còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nếu được thực hiện đúng cách, nó sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp, giúp ngành công nghiệp không khói phát triển bứt phá.