Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, vấn đề khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục chính là vấn đề con người. (Ảnh: Vietnamnet) |
Tạo ra công dân có kỹ năng chuyển đổi số
Phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” ngày 9/12 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, một nhiệm vụ ngành giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu. Bộ GD&ĐT đã thống nhất rất cao với Bộ TT&TT và các Bộ ngành liên quan cũng như các tập đoàn công nghệ.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, không phải bây giờ mới ban hành nhiệm vụ này mà trước đó ngành giáo dục đã cùng ngành TT&TT và các tập đoàn công nghệ thực hiện chuyển đổi số rất tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt những kết quả tích cực.
Dịch Covid-19 tạo áp lực nhưng cũng đồng thời tạo động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả của việc dạy học trực tuyến trong dịp Covid-19 được đánh giá tốt. Theo đó, cần tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn.
“Muốn đi xa phải trang bị kỹ năng chuyển đổi số”
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước hết là phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, các giáo viên, học sinh… đều tham gia nền tảng thống nhất đó để hoạt động được nhanh và hiệu quả.
Trên cơ sở nền tảng đó, ngành giáo dục rất cần cơ sở dữ liệu. Vừa rồi ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên… Đây có thể coi là bước tiến, nhưng cơ sở dữ liệu này vẫn cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để hiệu quả tăng cao.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dantri) |
Việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất thì công cuộc học tập nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời mọi người sẽ hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị lớn.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các phần mềm hiện đại đã tạo cơ hội cho mọi người hỗ trợ, chia sẻ thông tin rất tốt. Rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay thế bởi phần mềm, thiết bị, mô phỏng rất nhanh, hiệu quả, kết nối không chỉ trong nước mà toàn cầu.
Bộ GD&ĐT xác định rất rõ tầm quan trọng của kho học liệu số này và việc mọi người cùng có trách nhiệm tham gia đóng góp, chia sẻ vào hệ tri thức số hóa.
"Chúng ta muốn đi xa, đi một cách chắc chắn thì phải có trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ theo các cấp bậc học. Hiệu quả kết nối, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực đặt ra yêu cầu chúng ta phải rà soát, xây dựng chuẩn kỹ năng số cho các cấp bậc. Vừa rồi họp Bộ trưởng các nước ASEAN đã rất thống nhất nội dung này", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh, phải xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp.
Theo đó, các trường đại học rà soát để mở mã ngành chưa có trong truyền thống, để phục vụ ứng dụng tiến bộ CNTT, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.
Bộ GD&ĐT đã làm việc với một số đại học Việt Nam và nước ngoài để phát triển đội ngũ này. Gián tiếp thì chúng ta thực hiện tốt được các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số để từng công dân được tiếp cận, làm quen và từng bước rèn luyện bài bản.
"Mục tiêu của ngành GD&ĐT là cố gắng phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD&ĐT, qua đó đóng góp đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Con người phải thay đổi để thích nghi
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, ngành giáo dục phải tiên phong và giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục đào tạo.
Ông Sơn nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành giáo dục trong sự nghiệp chuyển đổi số, một mặt phải chuyển đổi những hoạt động trong ngành, từ cách dạy và học đến quản trị, quản lý, hướng tới một hệ thống giáo dục có chất lượng tốt với chi phí thấp và người dân dễ dàng tiếp cận; một mặt phải phát triển con người và đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Sơn vấn đề khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi này chính là vấn đề con người. Việc thay đổi tư duy của cán bộ quản lý lẫn phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, giảng viên là điều không hề dễ dàng.
“Con người phải thay đổi để thích nghi thì chuyển đổi số mới thành công. Bởi lẽ, giờ đây học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án; đặc biệt phải làm sao cá thể hóa tới từng học sinh”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Ông Sơn dẫn chứng, khi còn là Hiệu trưởng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vào thời điểm gấp rút, chiều thứ 7, tập thể lãnh đạo vẫn còn bàn việc có nên chuyển sang dạy trên nền tảng trực tuyến hay không thì đến tối đã phải ra quyết định. Ngay hôm sau, toàn trường phải triển khai ngay. Sang tuần mới, 30% các lớp học đã chuyển sang online và tăng lên 90% sau đó 2 tuần.
Ngoài dạy và học, nhiều hoạt động khác như việc thu học phí, đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên cũng được thực hiện qua hình thức trực tuyến. Sinh viên đại học Bách khoa chỉ cần cầm điện thoại di động đến các sự kiện, quét mã QR, hệ thống sẽ tự động đưa vào để đánh giá điểm rèn luyện.
"Nói ví dụ này để thấy khi có sự thích ứng cao và có năng lực chuyển đổi thì việc chuyển đổi số hoàn toàn khả thi”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Trường đại học phải trở thành một quốc gia thu nhỏ
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhìn nhận, trong sự nghiệp chuyển đổi số, trường đại học phải trở thành một quốc gia thu nhỏ.
“Những bộ phận tinh hoa của quốc gia đều có thể nhìn thấy ở trong trường đại học. Do đó, trường đại học không chuyển đổi số thành công thì quốc gia cũng không thể chuyển đổi số thành công được”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, một trong những điểm đột phá có thể lựa chọn trong giai đoạn tới là phát triển hệ sinh thái nội dung số, bởi từ môi trường số, học liệu số thì mới có thể thay đổi phương pháp dạy và học. Trong quá trình chuyển đổi, vai trò của giáo viên, giáo viên vô cùng quan trọng.
“Giáo viên lúc này giống như huấn luyện viên. Sự khác biệt của giáo viên trong kỷ nguyên số là sự xâu chuỗi tài nguyên học tập thành một giáo trình học tập hấp dẫn thay vì những video bài giảng nhàm chán", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
| Thành tích 'khủng' của 2 nhà khoa học Việt Nam được vinh danh giải thưởng Noam Chomsky 2020 TGVN. PGS.TS Trần Xuân Bách, người được biết đến là một trong những Phó giáo sư (PGS) trẻ tuổi nhất tại Việt Nam và PGS.TS ... |
| Vụ thử thách Momo: Liều vaccine tránh hiểm họa từ Internet phải ‘tiêm’ cho người lớn TGVN. Sau câu chuyện đau lòng liên quan đến Thử thách Momo, chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên trường Đại ... |
| Chân dung ứng viên Giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2020 sinh năm 1983 TGVN. Trong số 339 ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2020, ứng viên giáo sư trẻ nhất Việt Nam là Lê Anh Vinh ... |