📞

Chuyên gia giáo dục, TS. Giáp Văn Dương: Học trực tuyến có thể tạo ra một lớp học sinh mới

Nguyệt Anh 14:04 | 10/05/2021
Chia sẻ với báo TG&VN, TS. Giáp Văn Dương - chuyên gia giáo dục, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Tiểu học Times School nêu quan điểm, học trực tuyến sẽ tạo tiền đề cho học sinh làm quen với việc tự học qua các nguồn học liệu trực tuyến khác nhau. Nhờ đó có thể tạo ra một lớp học sinh mới, học theo một cách hoàn toàn khác.
Chuyên gia giáo dục, TS. Giáp Văn Dương nhận định, học trực tuyến phụ thuộc quá lớn vào sự hỗ trợ của bố mẹ và sự tự giác của học sinh.

Theo ông, việc dạy và học trực tuyến có những rào cản gì?

Những vấn đề của giáo dục trực tuyến về cơ bản vẫn như xưa. Đó là sự suy giảm tương tác trực tiếp giữa thầy và trò. Ngoài ra, nhiều nội dung thuộc về thực hành, hoặc cảm thụ trực cảm, không thể dạy trực tuyến hiệu quả được.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện thời, dạy học trực tuyến là lựa chọn duy nhất. Hy vọng dần dần, kỹ năng dạy và học của cả thầy và trò đều cải thiện. Đồng thời, việc học trực tuyến sẽ tạo tiền đề cho học sinh làm quen với việc tự học qua các nguồn học liệu trực tuyến khác nhau. Nhờ đó có thể tạo ra một lớp học sinh mới, học theo một cách hoàn toàn khác.

Vậy khi học online, nhà trường, giáo viên cần chủ động thay đổi nội dung, thiết kế bài giảng ra sao, có những cải cách, cải tiến gì so với dạy trực tiếp?

Việc đầu tiên cần làm là giảm thời lượng học trực tuyến sao cho phù hợp. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng không nên học trực tuyến quá 20 tiết/tuần. Còn lại, nên để thời gian cho học sinh tự học, tự đọc sách theo chủ đề.

Muốn vậy, chương trình học cần phải rút gọn và thiết kế lại, tập trung vào các nguyên lý chính, các trọng tâm kiến thức của môn học. Nếu không, học sinh sẽ bị quá tải.

Kỹ năng quản lớp của giáo viên cũng cần cải thiện thêm trong môi trường trực tuyến, sao cho vừa đảm bảo kết nối mà vẫn giữ nhịp được cho tiết học.

Ngoài ra, học sinh chỉ có thể tập trung được trong khoảng thời gian 10-20 phút tùy lứa tuổi, nên cần có khoảng nghỉ giữa tiết học cho các em thư giãn và bảo vệ mắt. Nói chung, đây là những kỹ thuật nhỏ, cần quan sát và cải thiện dần dần trong quá trình dạy và học.

Trong tương lai, việc học online sẽ trở thành xu hướng. Tuy nhiên, thực tế không ít trường đang “bê” nguyên chương trình, nội dung dạy trực tiếp lên dạy trực tuyến. Có phải điều này khiến việc học trực tuyến chưa hiệu quả như kỳ vọng?

Với bậc học phổ thông, việc học trực tuyến không thể nào thay thế hoàn toàn học trực tiếp, nhưng là một bổ trợ quan trọng. Trong các hoàn cảnh bắt buộc như hiện giờ, học trực tuyến còn là một giải pháp thay thế khi học sinh không thể đến trường.

Tuy nhiên, sư phạm trực tuyến còn chưa được nghiên cứu và định hình, mọi việc gần như tự phát. Hiệu quả học tập dao động rất nhiều, phụ thuộc quá lớn vào sự hỗ trợ của bố mẹ và sự tự giác của học sinh.

Vì thế, trong thời gian tới, một trong những vấn đề ngành sư phạm phải xử lý là hoàn thiện phương pháp giảng dạy trực tuyến cho giáo viên và tạo ra kho tàng các học liệu phù hợp với môi trường giáo dục trực tuyến.

Dịch Covid-19 đã tạo ra thách thức về hướng giảng dạy online, qua đó yêu cầu người thầy nâng cấp kỹ năng, cần chuẩn bị điều kiện để ứng phó với tình huống bất ngờ, cập nhật công nghệ để có thể làm tốt vai trò “người thầy 4.0” thế nào?

Hơn một năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành giáo dục.

Với người thầy, ảnh hưởng lớn nhất là khó đảm bảo chất lượng giáo dục trong một môi trường học tập mới, ở đó sự sát sao và tương tác trực tiếp thầy-trò đã suy giảm rất nhiều. Ngoài ra, kho học liệu phù hợp với giáo dục trực tuyến bằng tiếng Việt hiện cũng rất hạn chế.

Vậy làm thế nào để khắc phục? Tôi nghĩ cách tốt nhất là cải thiện kỹ năng sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến và học thêm ngoại ngữ để khai thác các học liệu bằng tiếng Anh. Ngoài ra, cũng cần quan sát và rút kinh nghiệm liên tục, ở từng chi tiết trong quá trình dạy học, để cải thiện không ngừng.

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là phần kỹ thuật. Phần quan trọng hơn là người thầy phải yêu nghề và tận tâm với nghề. Hiểu được đây là nghề nghiệp của mình, định nghĩa mình là ai trong xã hội, để trau dồi và cải thiện, từ đó họ sẽ thích nghi và hoàn thành tốt công việc.

Giáo dục mùa Covid-19 sẽ gặp khó khăn nên bản thân người học lẫn phụ huynh phải thay đổi và thích nghi ra sao?

Theo tôi, chẳng còn cách nào khác là phải chủ động hơn, đặt ra các mục tiêu học tập rõ ràng hơn nữa. Lưu ý, mục tiêu học tập không chỉ đơn thuần là kiến thức và điểm số, quan trọng nhất là sự thuần thục trong các kỹ năng sống, rộng hơn là sự trưởng thành chung của trẻ. Vì lẽ đó, với mỗi lứa tuổi khác nhau, mục tiêu học tập này cũng sẽ khác nhau.

Về phía phụ huynh, hãy coi những ngày con học trực tuyến ở nhà là cơ hội để bố mẹ dạy con những điều mình muốn dạy khi bình thường cả con và mình đều không có thời gian. Chẳng hạn, kỹ năng làm việc nhà, phép tắc văn minh, văn hóa gia đình hoặc đơn giản đây là cơ hội để cả nhà kết nối tốt hơn với nhau qua các công việc chung.

Chỉ cần ý thức là phải chủ động thích nghi, có được một vài mục tiêu cụ thể, chắc chắn những ngày nghỉ dịch sẽ không trôi qua vô nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)