📞

Chuyên gia Hoàng Nam Tiến: 'Thời đại ngày nay, chọn nhầm trường, nhầm nghề, không sao cả…'

Yến Nguyệt 19:40 | 08/11/2021
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom nêu quan điểm, xã hội luôn cần các bạn trẻ học liên tục bởi vì công nghệ, kiến thức ngày nay đang biến đổi không ngừng. Vì vậy, năng lực tự học là điều rất quan trọng, để mỗi người không bị… cũ.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, bạn trẻ cần phải biết cân bằng giữa thái độ và trình độ, cần có năng lực học tập suốt đời. (Ảnh: NVCC)

Trước sự biến động không ngừng của thế giới buộc mỗi người phải thay đổi thế nào, phải học hỏi ra sao để nắm cơ hội mới, nghề nghiệp mới cho chính mình, theo ông?

Mỗi năm chúng tôi đang tuyển hàng nghìn bạn trẻ vào FPT. Trên thực tế, kể cả những bạn rất xuất sắc thì vẫn phải mất khoảng nửa năm, thậm chí học lại rất nhiều kiến thức, đặc biệt là những kiến thức mà thị trường ngày nay đòi hỏi.

Ví dụ, để làm sao làm việc ở trong một nhóm, làm sao các bạn cập nhật ngay xu hướng phát triển công nghệ, những công cụ, những kiến thức liên quan đến chuyên ngành chuyên môn, đặc biệt là những kiến thức đòi hỏi rất nhiều hiện nay như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…

Ông từng cho rằng, “người ngồi nhầm chỗ, chọn nhầm nghề là vô cùng nhiều”. Cơ sở nào để ông nhận định như vậy?

Thực tế có không ít người chọn nhầm trường, chọn nhầm nghề bởi khi đi làm, các bạn mới biết giữa lựa chọn của mình, mong muốn của gia đình và thực tế thị trường, thực tế về năng lực cá nhân có khoảng cách lớn.

Tôi nghĩ, không sao cả, thời đại ngày nay chúng ta có thể tự học, tự học suốt đời. Luôn luôn có cơ hội cho các bạn trẻ. Mọi người hay hỏi tôi là các bạn trẻ cần gì? Cần nhiều thứ lắm nhưng tôi cho rằng, các bạn phải nhớ ba điều.

Điều thứ nhất, đó là sự cân bằng giữa thái độ và trình độ. Trình độ có thể cao nhưng thái độ làm việc, thái độ ứng xử với mọi người không tốt thì cũng không ổn. Ngược lại, các bạn nhân viên ngoan ngoãn, luôn luôn được coi là có thái độ tốt nhưng năng lực mà không đủ thì hiệu quả công việc cũng không cao. Vì vậy, cân bằng giữa thái độ và trình độ là một trong những điều đầu tiên khi đi làm.

Điều thứ hai, doanh nghiệp cần những nhân viên nhiệt huyết và có kỉ luật. Theo tôi, doanh nghiệp nào cũng cần những nhân viên trẻ luôn luôn máu lửa, sẵn sàng trong mọi hoạt động. Bên cạnh việc cần sức trẻ thì họ cũng cần sự kỉ luật. Doanh nghiệp càng lớn thì đòi hỏi tính kỉ luật càng cao, đặc biệt là kỉ luật làm việc, kỉ luật hợp tác, kỉ luật tuân thủ. Tuy nhiên, đây lại là các điểm yếu của không ít bạn trẻ.

Điều thứ ba, trong thời đại 4.0 luôn cần đến là sự sáng tạo, tìm kiếm cái mới.

Nhìn vào thị trường lao động hiện nay, ông đề cao những tiêu chí nào ở bạn trẻ để trở thành công dân toàn cầu?

Có bốn điều cần để các bạn trở thành những người lao động trong thời đại 4.0, sẵn sàng trở thành những công dân toàn cầu.

Thứ nhất, các bạn phải tư duy phản biện và độc lập. Điều này thế hệ chúng tôi ngày xưa rất thiệt thòi. Các bạn trẻ bây giờ đã khác biệt rất nhiều, có điều kiện để tìm tòi kiến thức, chia sẻ nhiều hơn và bày tỏ quan điểm nhiều hơn.

Thứ hai, bao giờ cũng vậy, xã hội luôn cần ở các bạn năng lực có thể tự học suốt đời, học liên tục bởi vì công nghệ, kiến thức ngày nay biến đổi không ngừng. Vì vậy, năng lực tự học là điều rất quan trọng, để mỗi người không bị… cũ.

Thứ ba, đó là có phong cách sống khác biệt. Nghe có vẻ trái ngược nhưng vì sự cạnh tranh của thị trường ngày càng lớn và khốc liệt hơn. Sự khác biệt sẽ giúp các bạn trẻ chinh phục được thị trường lao động dễ dàng hơn. Họ sẽ mang lại sức trẻ của mình, mang những suy nghĩ khác biệt, sự tươi mới cho các doanh nghiệp. Vì vậy, những phong cách của các bạn sẽ góp phần làm thay đổi doanh nghiệp.

Thứ tư, các bạn phải nhớ rằng tiếng Anh giờ đây là ngôn ngữ làm việc, là ngôn ngữ để sống chứ không còn là ngoại ngữ nữa.

Ông Hoàng Nam Tiến giao lưu với các bạn trẻ. (Ảnh: NVCC)

Về phía các bạn trẻ, họ cần tăng cường đề kháng số ra sao?

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng (reskilling và upskilling).

Điều đó có nghĩa rằng, những công việc “hot” trong thời điểm hiện tại có thể biến mất chỉ sau 5 đến 10 năm nữa. Các bạn trẻ sẽ cần định hướng chính xác những ngành nghề sẽ thành xu hướng sau 10 năm nữa và bồi dưỡng những kỹ năng phù hợp với ngành nghề đó.

Có một số nguyên nhân khiến các bạn trẻ lúng túng khi đứng trước ngưỡng cửa sự nghiệp.

Một là, chương trình đào tạo của trường đại học còn nặng về lý thuyết, chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, chưa có đủ thời lượng thực hành cho các bạn sinh viên để hiểu về công việc thực tế khi ra trường.

Hai là, bản thân các bạn sinh viên chưa đầu tư đúng mức cho việc học và phát triển kỹ năng cần thiết.

Ba là, chưa tiếp cận được môi trường làm việc của các doanh nghiệp lớn và uy tín. Các bạn sinh viên đừng chỉ học mà không đi làm thêm. Tuy nhiên, hãy phân bổ thời gian học - làm hợp lý và làm thêm liên quan đến chuyên ngành học của mình.

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, xã hội biến đổi không ngừng, các doanh nghiệp cũng sẽ liên tục thay đổi, mở rộng quy mô kinh doanh, thử nghiệm các lĩnh vực mới. Họ cần nhân sự của mình đủ nhanh nhẹn, linh hoạt và học nhanh.

Thế hệ của các bạn trẻ bây giờ không chỉ học một lần và dùng suốt đời như thế hệ trước, các bạn luôn phải học những kiến thức, kỹ năng mới để thích nghi và duy trì cuộc sống của mình.

Xin cảm ơn ông!