📞

Chuyên gia khuyên chế độ ăn uống tốt cho bệnh nhân ung thư thận

10:23 | 02/06/2024
Một số phương pháp điều trị ung thư thận thường ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và tiêu hóa của người bệnh. Vì vậy, cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng để giảm mệt mỏi và duy trì sức khỏe.
Chế độ ăn uống phù hợp cũng có thể giúp người bệnh ung thư thận đáp ứng tốt hơn với các phương pháp điều trị như xạ trị, hóa trị. (Nguồn: GHV Ksol)

Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh ung thư thận

Theo ThS.BS Bùi Xuân Nội, Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện K, ung thư thận thường gặp ở Việt Nam. Người bệnh cần được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống cũng cần được đặc biệt quan tâm.

Mặc dù chế độ ăn uống không có tác dụng điều trị bệnh nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phục hồi, tăng cường sức khoẻ, chống chọi với bệnh tật.

ThS.BS Bùi Xuân Nội cho biết, để đảm bảo các chất dinh dưỡng, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ các thực phẩm thuộc các nhóm chất đạm, bột, béo, vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, đối với mỗi bệnh sẽ được áp dụng một chế độ ăn uống riêng.

Theo các chuyên gia y tế, ung thư thận là thương tổn ác tính của thận, chiếm khoảng 3% các ung thư của người lớn. Bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh đã được chỉ ra bao gồm: hút thuốc lá, phơi nhiễm với amiante và hóa chất ngành thuộc da, thận đa nang…

Bệnh ung thư thận nếu không được chẩn đoán có thể gây ảnh hưởng lên toàn thân. Các biến chứng có thể gặp bao gồm: Gầy sút cân, đái máu nhiều, u thận vỡ gây chảy máu cấp tính… Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu được điều trị ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm trên 5 năm khoảng 60-80%.

Một số phương pháp điều trị ung thư thận, đặc biệt là các phương pháp điều trị toàn thân có thể dẫn đến buồn nôn hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa. Những tác dụng phụ này ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và hấp thụ dinh dưỡng của người bệnh.

Người bệnh ung thư thận thường gặp vấn đề về ăn uống do tác dụng phụ của điều trị như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khiến họ khó khăn trong việc nhai, nuốt và hấp thụ thức ăn. Do đó, một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng rất quan trọng, giúp giảm mệt mỏi, duy trì sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tâm trạng, tinh thần của người bệnh.

Chế độ ăn uống phù hợp cũng có thể giúp người bệnh ung thư thận đáp ứng tốt hơn với các phương pháp điều trị như xạ trị, hóa trị. Một số loại thực phẩm có thể giúp tăng cường hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tái phát bệnh như thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, E, beta-carotene giúp bảo vệ cơ thể giảm tác hại của hóa trị liệu.

Một số loại thực phẩm có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của ung thư thận như buồn nôn, nôn, táo bón... Ví dụ: gừng, bạc hà, hoa cúc có thể giúp giảm buồn nôn; rau xanh, trái cây có thể giúp giảm táo bón.

Người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Chọn thực phẩm mềm, dễ nhai, dễ nuốt. Chia nhỏ thức ăn thành nhiều phần nhỏ. Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thức uống có gas, cà phê, rượu bia... Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh ung thư thận

Theo Viện Ung thư Hoa Kỳ, khi nói đến việc ngăn ngừa và kiểm soát ung thư thận, chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng. Người bệnh thể giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư và duy trì sức khỏe của thận bằng cách tiêu thụ một số loại thực phẩm và chất dinh dưỡng bao gồm:

Vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa

Tiêu thụ trái cây và rau quả là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt đối với những người mắc bệnh ung thư thận. Những thực phẩm này rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, đồng thời chúng cũng có đặc tính chống viêm. Tất cả những đặc tính này giúp tăng cường chức năng miễn dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều trị.

Một số loại trái cây, rau quả nên đưa vào chế độ ăn uống của người bệnh ung thư thận là: rau lá xanh, quả mọng, bưởi, xoài, cà rốt, khoai lang, ớt chuông…

Chất xơ

Ngoài rau quả, nên bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, quinoa, lúa mì nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt vào chế độ ăn uống của người bệnh ung thư thận để có được chất xơ, vitamin, khoáng chất. Chúng giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm táo bón, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Protein nạc

Protein rất cần thiết cho việc sửa chữa mô và chức năng miễn dịch nhưng phải chọn nguồn protein nạc để giảm gánh nặng cho thận. Thực phẩm giàu protein nạc tốt cho người bệnh ung thư thận bao gồm: cá, thịt gà, đậu phụ, các loại đậu.Chất béo lành mạnh

Bổ sung chất béo lành mạnh như: dầu ô liu, bơ, các loại hạt giúp cân bằng dinh dưỡng, giảm thiểu viêm nhiễm.

Cung cấp đủ nước

Giữ nước là điều quan trọng đối với những người bị ung thư thận, vì nó có thể giúp loại bỏ độc tố, giảm nguy cơ mất nước. Người bệnh nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày, các loại đồ uống khác như trà thảo dược, nước ép trái cây ít đường.

Thực phẩm ít natri

Natri dư thừa gây hại cho những người đang đang điều trị ung thư thận vì nó có thể làm tăng huyết áp và giữ nước. Nên lựa chọn thực phẩm có hàm lượng natri thấp như trái cây, rau quả tươi, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Cần lưu ý tránh thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, đồ muối, đồ ăn vặt.

Rau xanh, trái cây, thịt nạc là những thực phẩm tốt cho người bệnh ung thư thận.

Một số thực phẩm cần hạn chế khi mắc ung thư thận

Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn

Thịt đỏ, thịt chế biến sẵn có nhiều chất béo bão hòa và làm tăng nguy cơ ung thư thận. Người bệnh nên hạn chế hoặc tránh các loại thịt đỏ, thịt đã qua chế biến như: thịt bò, lạp xưởng, xúc xích, thịt nguội…

Thực phẩm giàu phốt pho

Phốt pho là một khoáng chất thiết yếu nhưng những người bị ung thư thận nên hạn chế vì thận có thể gặp khó khăn trong việc xử lý nó. Thực phẩm giàu phốt pho bao gồm các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chế biến sẵn, đồ nướng, nước ngọt.

Thực phẩm giàu kali

Những người bị ung thư thận có thể cần hạn chế ăn thực phẩm có hàm lượng kali cao, vì thận gặp khó khăn trong việc bài tiết kali do chức năng thận suy giảm. Thực phẩm giàu kali bao gồm: chuối, cam, cà chua, rau bina và khoai tây.

Thực phẩm và đồ uống có đường

Thực phẩm và đồ uống có đường không tốt cho những người mắc bệnh ung thư thận vì chúng có thể góp phần tăng cân, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Người bệnh nên hạn chế các thực phẩm và đồ uống có nhiều đường như bánh kẹo, soda, nước ngọt, bánh tráng miệng...

Rượu

Rượu gây hại cho những người bị ung thư thận vì nó làm tăng nguy cơ mất nước và cản trở quá trình chuyển hóa của một số loại thuốc. Người bệnh nên tránh hoặc hạn chế tối đa uống rượu, đặc biệt là trong quá trình điều trị ung thư.

(theo SK&ĐS)