📞

Chuyên gia lo sợ kịch bản tồi tệ của đại dịch cúm 1 thế kỷ trước có thể lặp lại

15:45 | 15/03/2020
TS Graham Mooney, Đại học Johns Hopkins nhận định: “Các con số dịch tễ học của Covid-19 hiện đang gần tiệp cận với các dịch bệnh từng hoành hành trong quá khứ như đậu mùa, Ebola và đặc biệt là đại dịch cúm Tây Ban Nha”.  
Chuyên gia lo sợ kịch bản tồi tệ của đại dịch cúm 1 thế kỷ trước có thể lặp lại. (Nguồn: History)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, WHO ngày 11/03 đã chính thức coi dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra là Đại dịch toàn cầu. Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia y tế cũng bày tỏ sự quan ngại về việc kịch bản tồi tệ của các đại dịch từng xảy ra trong lịch sử có thể lặp tại.

TS Graham Mooney, Đại học Johns Hopkins nhận định: “Các con số dịch tễ học của Covid-19 hiện đang gần tiệp cận với các dịch bệnh từng hoành hành trong quá khứ như đậu mùa, Ebola và đặc biệt là đại dịch cúm Tây Ban Nha”.

Quay ngược lại khoảng thời gian 1918-1922, dịch cúm do một loại virus kì lạ gây ra này đã càn quét khắp thế giới và cướp đi sinh mạng của trên dưới 10 triệu người. “Loại virus gây nên dịch cúm Tây Ban Nha sẽ gây nhiễm trùng phổi và dẫn đến tình trạng viêm phổi ở bệnh nhân và họ có thể chết chỉ sau vài ngày” - TS Graham Mooney phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, mặc dù rõ ràng cúm Tây Ban Nha và Covid-19 là hai dịch bệnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là nguyên nhân khiến chúng lây lan nhanh có một phần không nhỏ nằm ở chính sách kiểm soát dịch ở các nước.

Khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát, giới khoa học chỉ có rất ít thông tin về loại virus đã gây nên căn bệnh này. Thậm chí, mãi đến những năm 30 của thế kỷ trước, giới chuyên gia mới có thể quan sát được hình thái của mầm bệnh dưới kính hiển vi. Chính vì vậy, vào thời điểm đại dịch này càn quét trên toàn thế giới, không một loại vaccine hay thuốc kháng virus nào được chế ra.

Nói một cách dễ hiểu hơn, các bác sĩ không thể có phương pháp điều trị đặc hiệu cho dịch cúm này. Vào thời điểm bấy giờ, người thầy thuốc chỉ biết sử dụng tất cả những gì mà nền y học hiện tại cung cấp cho họ: trích máu, thở oxy và các loại caccine thử nghiệm, thứ không hề có hiệu quả.

Trên tất cả, đợt đại dịch này đã bị trầm trọng hóa bởi Chiến tranh thế giới lần thứ I. Các báo cáo ban đầu về dịch cúm Tây Ban Nha cho thấy, nó xuất phát từ các trại lính, nơi mà mầm bệnh đã dễ dàng lây nhiễm cho hàng loạt quân nhân, vốn là những người bị giới hạn về không gian riêng và cả nhận thức về kiểm soát dịch bệnh. Thông qua các cuộc hành quân, lực lượng quân đội cũng đã mang dịch bệnh này gieo rắc khắp châu Âu.

Mọi việc càng tồi tệ hơn khi dịch bệnh lan ra cộng đồng dân cư, bởi nhiều người gần như không biết làm gì ngoài việc chờ chết, khi mà các bác sĩ, nhân viên y tế đã bị rút cạn cho tiền tuyến.

Đối với trường hợp của dịch Covid-19 hiện nay, mặc dù không có một cuộc chiến tranh thế giới nào, nhưng dịch bệnh lại có một cách lây lan thậm chí còn nhanh và dễ dàng hơn, đó là thông qua lượng lớn hành khách di chuyển xuyên quốc gia, xuyên lục địa trên các phương tiện giao thông mỗi ngày. Chính vì vậy, virus SARS-CoV-2 đã có cơ hội phát tán đi những nơi xa hàng nghìn cây số so với xuất phát điểm ban đầu của nó là Thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc.

Một trong những điểm tương đồng lớn nhất về công tác chống dịch giữa Covid-19 và dịch cúm Tây Ban Nha, chính là cách các chính phủ kiểm soát các luồng thông tin.

Như đã đề cập, cúm Tây Ban Nha xảy ra vào thời kì Thế chiến I. Các quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch này hầu hết đều đang tham gia vào cuộc chiến, đồng nghĩa với việc truyền thông củacác nước lúc bấy giờ đang được kiểm soát một cách triệt để bởi chính phủ. Như một biện pháp phục vụ cho chiến tranh, tin tức về dịch bệnh dường như rất ít được công bố, dẫn đến việc các thông tin không chính xác đã bao trùm khắp châu Âu.

Cùng với đó, các kênh tuyên truyền của các nước này lại liên tục trấn an người dân và thuyết phục họ rằng, đây là một dịch bệnh chẳng lấy gì làm nghiêm trọng. Trên thực tế, lý do chính khiến đại dịch này có tên cúm Tây Ban Nha là bởi xứ sở bò tót là một quốc gia trung lập và báo chí của họ được thoải mái đưa tin về dịch bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, thông tin về Covid-19 cũng cho thấy sự nhiễu loạn, trước hết là bởi nạn tin giả, kế đến là tính thiếu nhất quán trong cách tuyên truyền về dịch bệnh ở mỗi quốc gia, nhất là về mức độ nghiêm trọng của covid-19.

TS Graham Mooney nhận định: “Tôi nghĩ kiến thức là sức mạnh, mọi người không thể có biện pháp phòng ngừa đúng đắn, nếu họ không tiếp cận được với nguồn thông tin đầy đủ, khách quan và chính xác”.

(theo Dân Trí/ Futurism, Britanica)