Theo một bài viết mới đây trên Nikkei Asia, Việt Nam tự hào là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, dân chúng lạc quan và ổn định chính trị. Các khoản đầu tư lớn từ các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics hay Nestle đang biến Việt Nam thành công xưởng sản xuất khổng lồ và giúp nâng cao mức sống.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến sức ép hàng Trung Quốc trở nên “khủng khiếp” đối với thị trường Việt Nam. Khi bị Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa, Trung Quốc sẽ xả hàng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Giai đoạn mới của cuộc chiến
Theo tác giả bài báo trên Nikkei Asian Review, trong bối cảnh đó, Việt Nam cần gấp rút thực hiện các cải cách về kinh tế để tránh bị đè bẹp bởi chiến tranh thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump chỉ là một trong số các mối đe dọa hiện hữu nhất đối với sự ổn định kinh tế và xã hội của nền kinh tế lớn thứ sáu của Đông Nam Á. Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tháng Sáu, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã giảm 0,1% sau khi tăng 13,2% vào tháng Năm.
Nhưng cũng có lập luận rằng ngay cả trước khi Washington công bố chính sách thuế quan, các kinh tế gia từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tìm kiếm một kế hoạch B khi chi phí ở thị trường Trung Quốc tăng cao.
Sự bất ổn của thị trường Trung Quốc có thể thúc đẩy các doanh nghiệp chạy sang các thị trường ổn định hơn, chi phí cạnh tranh thấp hơn, như Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung bắt đầu với việc Mỹ áp mức thuế quan trị giá 34 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. (Nguồn: Tibet Express) |
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn mới với quy mô toàn cầu. Kể từ ngày 6/7, đạo luật của Mỹ về việc áp thuế tăng 25% đối với hơn 800 loại hàng hóa Trung Quốc, với tổng trị giá 34 tỷ USD bắt đầu có hiệu lực.
Trong tương lai, con số này sẽ đạt ngưỡng 50 tỷ USD. 280 mặt hàng khác cũng đang được xem xét để đưa vào danh sách. Cùng ngày 6/7, Trung Quốc bắt đầu áp dụng mức thuế 25% đối với 545 mặt hàng của Mỹ, với tổng trị giá 34 tỷ USD, và con số này sẽ không dừng ở đây. Washington còn đưa ra những quy định mới, cấm các công ty có hơn 1/4 vốn của Trung Quốc được tiếp cận với các ngành công nghệ then chốt. Trong tháng 7/2018, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico cũng sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả việc chính quyền của ông Trump tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm mà Mỹ nhập khẩu từ các nước trên.
Chính sách bảo hộ của ông Trump đã tạo đà cho một cuộc chiến thương mại, và đương nhiên, làm dấy lên nhiều ý kiến bình luận, đánh giá và dự đoán khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính và dẫn tới sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Các cựu quan chức tại Mỹ nêu quan điểm rằng, mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp luyện kim và nhôm của Mỹ phát triển, nhưng đồng thời tạo ra nguy cơ đối với ngành công nghiệp ôtô và nhiều ngành khác. Người ta đưa ra những giả định khác nhau về thiệt hại của các biện pháp nêu trên đối với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nước châu Á theo định hướng xuất khẩu chịu ảnh trực tiếp
Các chuyên gia đều có chung quan điểm cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nước châu Á, vốn là các nước có nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với kinh tế Trung Quốc. Vậy Việt Nam sẽ được gì và mất gì trong cuộc chiến này?
Việc trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ có tác động tới thị trường toàn cầu. (Nguồn: atimes.com) |
Việc các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất bị đánh thuế cao sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng tương tự sang Mỹ. Ví dụ, sản phẩm của các ngành luyện kim, công nghiệp khai thác gỗ hay ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam lo ngại trước nguy cơ các xí nghiệp luyện kim của Trung Quốc sẽ mở rộng phát triển tại Việt Nam và nguy cơ hàng Trung Quốc với giá cạnh tranh sẽ tràn lan tại thị trường Việt Nam.
Chuyên gia về nền kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Evgenia Aksenova nhận định rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh một thế giới hiện đại với sự gắn kết tương tác cao giữa các quốc gia không thể không ảnh hưởng đến các nền kinh tế của các nước khác. Trước hết, nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của các nước châu Á. Tin tức về cuộc chiến thương mại đã dẫn đến sự suy giảm các chỉ số chứng khoán ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà đầu tư tin rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến sự sụt giảm hoạt động kinh doanh tổng thể trong khu vực châu Á nói chung.
Nhiều nước châu Á hiện nay là một phần trong chuỗi mắt xích của dây chuyền sản xuất trong khu vực thương mại tự do, chuyên cung cấp linh kiện cho các mặt hàng của Trung Quốc sang Mỹ. Giờ đây, các mặt hàng này bị áp thuế suất mới. Thiệt hại gián tiếp từ việc áp thuế nhập khẩu của Mỹ đối với các mặt hàng Trung Quốc sẽ rơi vào Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và một số nước châu Á khác. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Việt Nam được đưa vào chuỗi giá thành sản phẩm của các mặt hàng Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ Trung Quốc và các nước châu Á.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Việt Nam với tổng số vốn đầu tư tích lũy trong năm 2017 là 60,7 tỷ USD. Phần lớn số tiền đầu tư này được rót trực tiếp vào ngành công nghiệp sản xuất để tạo ra những linh kiện cho hàng Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ.
Việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ gây khó khăn cho các công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia đang hoạt động tại Việt Nam. Một số công ty có khả năng phải tăng chi phí, chuyển gánh nặng lên vai người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, sẽ có một số công ty, tập đoàn buộc phải giảm vốn đầu tư, và phải đóng cửa nhà máy tại Việt Nam để tìm những giải pháp rẻ tiền hơn, dẫn tới làm suy giảm tính năng động của nền kinh tế Việt Nam.
Mức độ tác động không lớn tới Việt Nam
Về những lợi ích tiềm năng của Việt Nam trong viễn cảnh trung hạn, có thể có sự gia tăng sản phẩm của một số ngành xuất khẩu có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, và nhiều khả năng sẽ diễn ra xu hướng chuyển các công ty xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần có thời gian để thích nghi với các điều kiện kinh tế mới, trong khi hậu quả tiêu cực đầu tiên có thể rất đáng kể và dễ thấy.
Chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, nhận định rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận cụ thể về tác động của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lên nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên theo chuyên gia này, dù thế nào Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng trong cuộc chiến của hai cường quốc, nhưng “ở một mức độ không lớn”, vì Việt Nam không phải là một nhà cung cấp toàn cầu như Singapore, Malaysia… về các sản phẩm như linh kiện điện tử, vốn là mặt hàng chịu tác động nặng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Chuyên gia của CSIS nói thêm rằng không những vậy, Việt Nam có thể sẽ còn hưởng lợi nếu biết cách “xoay sở” thúc đẩy thương mại tự do với châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN, bên cạnh những “lợi ích ngắn hạn” từ việc hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc gặp trở ngại trong việc xuất khẩu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp dụng thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 200 tỷ USD, thậm chí có cả con số 400 tỷ USD. Hành động này có thể kích động Trung Quốc đưa ra những biện pháp trả đũa mới. Các số liệu thông kê thời gian tới sẽ cho thấy hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại này đối với châu Á và toàn thế giới.