📞

Chuyên gia Nga lý giải vì sao Moscow không mặn mà với chiến thắng của ông Trump

Đức Anh 15:51 | 08/11/2024
Tiến sĩ Andrey Evseenko thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga dự báo về tương lai quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Họp báo chung của ông Donald Trump và ông Vladimir Putin sau thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki (Phần Lan) hồi năm 2018. (Nguồn: AP)

Tiến sĩ khoa học chính trị Andrey Evseenko, nhà nghiên cứu Mỹ hàng đầu và là Phó giám đốc Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, đã đưa ra những nhận định về quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai sau khi Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ lộ diện là ông Donald Trump. Ông Trump được cho là có quan điểm cứng rắn với Ukraine và có phần mềm mỏng hơn với Nga so với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Vai trò trong giảm leo thang xung đột

Nhìn về tổng thể, chuyên gia Evseenko chỉ ra rằng quan hệ Nga-Mỹ đang ở tình trạng khủng hoảng sâu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Có thể nói, quan hệ này đã ở mức gần chạm đáy và chỉ còn thiếu bước cắt đứt quan hệ ngoại giao mà thôi, một khả năng mà ông Evseenko gọi là khó nhưng không loại trừ.

Theo Tiến sĩ Evseenko, Nga luôn hiểu rất rõ và đặc biệt là giờ đây, khi ông Trump thắng cử, việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START 3) có khả năng đóng lại. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới vẫn ở bên bờ vực một cuộc chạy đua vũ trang bởi không có cơ chế giảm leo thang nào trong quan hệ Nga-Mỹ hay Nga-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Về cuộc xung đột tại Ukraine, vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ hai nước hiện nay đang được bàn luận sôi nổi bởi tuyên bố “chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ đồng hồ” của ông Trump, chuyên gia Evseenko nhận định rằng kế hoạch thành lập một khu phi quân sự cũng như bảo đảm cam kết trung lập của Ukraine mà ông J.D.Vance, Phó tướng của ông Trump, công bố không có ý nghĩa thực tiễn. Bởi kế hoạch này không phù hợp với cả lợi ích của Ukraine lẫn Nga. Vì vậy, Nga không chờ đợi khả năng Mỹ làm trung gian hoà giải hoặc một bước đi nào khác ủng hộ Nga.

Theo vị chuyên gia này, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine có khả năng chỉ khác biệt chỉ về số lượng, danh mục và thời hạn cung cấp so với thời tổng thống đương nhiệm, chứ không ngừng hẳn viện trợ. Lý do việc này không chỉ phụ thuộc vào quan điểm của mỗi vị tổng thống Mỹ, mà còn ở quyền lợi của khối công nghiệp quân sự của nước này.

Còn quan điểm về Nga, ông Evseenko khẳng định rằng thời vị Tổng thống từ đảng Cộng hòa trước đây - ông George W. Bush như thế nào thì đến thời ông Trump cũng sẽ như vậy.

Tiến sĩ Eveseenko nhìn nhận, người ta có thể nói dưới thời ông Trump không xảy ra cuộc chiến nào, song các cuộc xung đột đã diễn ra cũng không chấm dứt cho đến tận ngày nay. Vì vậy, cá nhân Tiến sĩ Evseenko không quá phóng đại vai trò của ông chủ Nhà Trắng sắp tới trong giảm leo thang xung đột.

Với châu Âu, chuyên gia Eveseenko cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ vẫn sẽ sử dụng giọng điệu gay gắt liên quan đến chính sách thương mại và quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay đã khác với nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Trump, châu Âu sẽ phòng ngừa và ngăn chặn luận điệu “chống NATO” của ông Trump hay “cuộc ly dị” giữa Mỹ và NATO. Châu Âu hiểu ông Trump muốn gì và sẵn sàng đáp ứng. Mỹ muốn châu Âu tăng ngân sách quốc phòng và châu Âu đã tăng.

Thêm vào đó, giờ NATO còn có thêm các thành viên mới ở Bắc Âu. Do đó, chuyên gia Evseenko cho rằng châu Âu tới đây vẫn là nơi để Mỹ leo thang căng thẳng, hơn là để giảm nhiệt xung đột.

Rào cản trong quan hệ Nga-Mỹ

Theo Tiến sĩ Evseenko, trong tương lai, Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là “đối thủ số một” của Mỹ. Ông khẳng định Mỹ và Trung Quốc sẽ có những vòng xoáy chiến tranh tranh thương mại mới, những vòng xoáy sức ép mới lên các đồng minh châu Âu của Mỹ nhằm buộc họ phải ngừng quan hệ thương mại và nhất là công nghệ với Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt vẫn là công cụ phổ biến nhất trong chính sách đối ngoại của ông Trump với Trung Quốc, Nga, Iran…

Chuyên gia Evseenko cho rằng không nên dự báo cụ thể gì trong chính sách của Mỹ với Nga tới đây. Ông chỉ ra rằng nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris thắng cử, thì giữa Nga và Mỹ còn có thể đối thoại về kiểm soát vũ khí tấn công, về bảo đảm an ninh chiến lược, còn với ông Trump của đảng Cộng hoà thì sẽ không có đối thoại nào hết.

Vì trong đảng Dân chủ còn có những tiếng nói chống lại chạy đua vũ trang, chống lại phát triển vũ khí hạt nhân, còn có những người có thể muốn đối thoại, trong khi đảng Cộng hoà thì đại diện là những tiếng nói như ông Marshall Billingslea (Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump).

Tất nhiên, trong chính quyền ông Trump sắp tới, quan hệ trong NATO sẽ được rà soát lại theo hướng đẩy trách nhiệm nhiều hơn sang các đồng minh châu Âu đối với việc bảo đảm an ninh ở châu Âu cũng như kiềm chế Nga.

Về các lệnh trừng phạt, Phó giám đốc Viện Mỹ và Canada không mong chờ sẽ sớm có một sự nới lỏng nào, trừ những lĩnh vực mà Mỹ bị thiệt hại, ví dụ như Mỹ đã rút lại các lệnh trừng phạt đối với nhôm của Nga khi các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại bởi lệnh cấm này.

Chuyên gia Nga nhấn mạnh đối với Tổng thống Mỹ trong hai năm tới đây, chương trình nghị sự trong nước mới là ưu tiên hàng đầu.

Tựu chung về những rào cản trong quan hệ Nga-Mỹ, chuyên gia Evseenko cho rằng đó hoàn toàn không phải là xung đột ở Ukraine, mà là sự thiếu niềm tin nền tảng liên quan đến việc cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Ông Evseenko kết luận, cho dù tổng thống mới của Mỹ có là ai đi chăng nữa, thiếu niềm tin thì không thể đối thoại bởi điều này vẫn là đặc thù trong mối quan hệ giữa hai cường quốc này.

(theo TTXVN)