Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát các cuộc tập trận tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên, trong một bức ảnh được công bố vào ngày 10/10/2022. (Nguồn: Reuters) |
Vụ nổ nhỏ, nỗi lo lớn
Trong bối cảnh Triều Tiên ngày càng tiến gần đến khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên sau 5 năm, một trong những nỗi lo lớn nhất đối với Mỹ và các đồng minh có thể đơn giản chỉ là một vụ nổ tương đối nhỏ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nói rõ rằng ông muốn xây dựng một kho vũ khí hạt nhân “chiến thuật”, nói cách khác là các quả bom có sức công phá thấp hơn và có thể được sử dụng trên chiến trường thay vì dội vào toàn bộ thành phố.
Đầu tiên, Triều Tiên sẽ phải sản xuất các đầu đạn thu nhỏ để gắn trên loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày càng đa dạng chủng loại mà nước này sẽ thiết kế để đe dọa quân đội Mỹ và các đồng minh của nước này ở châu Á.
Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố một loạt tên lửa được phóng trong những ngày gần đây nhằm mục đích thử nghiệm tấn công hạt nhân chiến thuật, đồng thời cảnh báo Washington rằng bất kỳ cuộc tấn công có chủ đích nào từ phía Mỹ cũng đều sẽ được đáp trả bằng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các bình luận này là dấu hiệu mới cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ tháng 9/2017, điều mà Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong nhiều tháng qua.
Moon Seong-Mook, cựu sỹ quan quân đội Hàn Quốc, hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul bình luận: “Để sản xuất hàng loạt vũ khí chiến thuật, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ cần vụ thử hạt nhân lần thứ bảy với mục đích tạo ra các loại vũ khí mạnh hơn nhưng với đầu đạn nhẹ hơn”.
Theo số liệu của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, dù đã có hơn 2.000 vụ thử nghiệm hạt nhân trong nhiều thập kỷ sau khi Mỹ ném bom vào Nhật Bản năm 1945, Triều Tiên vẫn là quốc gia duy nhất tiến hành các vụ nổ bom nguyên tử. Chuyên gia Moon Seong-mook tin rằng: “Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ tất cả các đầu đạn hiện có, đủ để chúng có thể được trang bị trên các tên lửa”.
Ông Kim Jong Un đã bắt đầu một chiến lược hạt nhân gồm hai mũi nhọn là phát triển vũ khí chiến thuật cho khu vực châu Á và các thiết bị nhiệt hạch mạnh hơn tương thích với tên lửa tầm xa để có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ đất liền của Mỹ.
Katsuhisa Furukawa, nhà phân tích cấp cao của tổ chức phi chính phủ Open Nuclear Network nhận định: “Triều Tiên rõ ràng coi các vụ thử hạt nhân là điều cần thiết để cảm thấy tự tin về năng lực vũ khí hạt nhân của mình… Tôi cho là hoàn toàn hợp lý khi nói rằng Triều Tiên đã nâng cao đáng kể khả năng phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ”.
"Vũ khí chiến thuật"
“Vũ khí chiến thuật” là thuật ngữ để chỉ một loại vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng tại chiến trường, mà với Triều Tiên có thể là bao gồm các căn cứ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Vũ khí chiến thuật có đầu đạn kém uy lực hơn và được phóng ở cự ly ngắn hơn. Sức công phá của đầu đạn này có thể nhỏ hơn 1 kiloton, nhưng nhiều loại lên tới hàng chục kiloton.
Việc Triều Tiên thông báo về vũ khí chiến thuật đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Hàn Quốc về việc liệu Seoul có nên hợp tác với đồng minh Washington để triển khai vũ khí chiến thuật trên bán đảo này hay không. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Shin Beom-chul đã bác bỏ ý kiến này, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Đài SBS ngày 13/10 rằng cách tốt hơn để răn đe Triều Tiên là triển khai “các tài sản chiến lược của Mỹ tới Bán đảo Triều Tiên một cách kịp thời và có sự phối hợp đồng bộ”.
Chuyên gia Furukawa, người từng tham gia nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc chuyên giám sát các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cùng các chuyên gia khác cho biết họ sẽ theo dõi xem liệu cuộc thử nghiệm tiếp theo của Triều Tiên có diễn ra tại Đường hầm số 3 hay không. Đây được coi là địa điểm có khả năng kích hoạt đầu đạn của một vũ khí chiến thuật.
Trong khi đó, theo Lee Choon-geun, một nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, Đường hầm số 4 được cho là dành riêng để thử nghiệm một thiết bị nhiệt hạch lớn hơn.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 1/2021, kêu gọi hướng đến các loại vũ khí nhỏ và nhẹ hơn. Nhà lãnh đạo này cũng thúc đẩy việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn có thể nhanh chóng triển khai và tấn công các mục tiêu chiến lược trong phạm vi 15.000km – khoảng cách rõ ràng là để ám chỉ Mỹ.
Chang Young-keun, chuyên gia tên lửa làm việc tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc cho rằng có nhiều khó khăn hơn khi chế tạo đầu đạn cho tên lửa liên lục địa. Những tên lửa này thường bay ra ngoài khí quyển và phải chịu được áp lực khi quay trở lại ở vận tốc trên 3.200km/giờ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã chứng minh rằng Triều Tiên đã làm chủ các hệ thống phóng chiến thuật bằng cách thử nghiệm gần 70 tên lửa tầm ngắn kể từ năm 2019. Các tên lửa này có thể được triển khai nhanh chóng, được thiết kế để tránh các hệ thống đánh chặn Mỹ triển khai trong khu vực và có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc trong thời gian chưa đầy 5 phút sau khi được phóng. Theo chuyên gia Chang Young-keun “điều này có nghĩa các tên lửa tầm ngắn hoàn toàn cũng có thể gây tai họa”.