Chuyên gia tâm lý, PGS. TS. Trần Thành Nam nêu quan điểm, để đưa trẻ trở lại trường bền vững cần “ba sẵn sàng”, bao gồm: nhà trường, phụ huynh và học sinh. (Ảnh: NVCC) |
Sau thời gian dài học trực tuyến, không ít học sinh phụ thuộc vào thế giới ảo, đánh mất các hoạt động thực tế, việc kết nối trong thế giới thực bị “đứt gãy”, khả năng tương tác giảm. Ông nghĩ gì về thực trạng này?
Đúng vậy, những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra với giáo dục tạo ra những lỗ hổng gần như không thể khắc phục được. Việc đóng cửa trường học, phải học trực tuyến cũng đã khiến trẻ trở nên thiếu hụt các kỹ năng làm toán và đọc viết cơ bản (với học sinh tiểu học), sa sút trong học tập, giảm khả năng tập trung, giảm khả năng nhận thức cấp cao và tư duy phản biện.
Về mặt kỹ năng sống, các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống xã hội, giải quyết vấn đề bị “chuội” đi. Các em mất các mối quan tâm, quan hệ bạn bè, thầy cô trở nên lỏng lẻo.
Stress và các vấn đề sức khỏe tâm thần bào mòn sự sắc bén của tư duy. Việc đọc quá nhiều thông tin liên quan đến nguy cơ bệnh nên cảm thấy choáng ngợp với rất nhiều hoạt động khi quay lại trường nên động lực quay lại trường không cao.
Thời gian đầu trở lại trường, nếu chưa thích ứng kịp sẽ có nhiều cảm xúc khó chịu, khó bình tĩnh trước những sự kiện thiếu an toàn hoặc gây ấm ức như các vụ xích mích hoặc thông tin về những người bạn trở thành F0, F1...
Vậy để đưa các em trở lại trường thời điểm này cần những yếu tố nào để thực sự "bình thường mới"?
Chúng ta cần xác định "ba bình thường" gồm: Thứ nhất, trẻ có cảm xúc tiêu cực khi trở lại trường là bình thường. Chúng ta cần giúp các em kỹ năng để kiểm soát lo âu, bình thường hóa lo âu.
Thứ hai, cảm nhận khác biệt, gượng gạo, thậm chí có lúc cô lập với các quy trình thủ tục ở trường là bình thường. Cảm nhận này chỉ là nhất thời, nó sẽ mất đi khi mọi việc vào khuôn khổ và suy nghĩ của chúng ta bận rộn với những niềm vui.
Thứ ba, không hiểu những gì đang diễn ra xung quanh, mắc lỗi hoặc hành động khác biệt với nhóm bạn xung quanh do không theo kịp hướng dẫn là bình thường. Sức tập trung và sự sắc bén của tư duy sẽ trở lại khi cơ thể quen với hoạt động tích cực.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao cha mẹ cho trẻ đi chơi nơi công cộng nhưng vẫn e ngại khi cho con đến trường học. Vì sao vậy theo ông?
Câu hỏi rất hay. Rõ ràng là nguy cơ ở đâu cũng có. Việc cha mẹ bắt đầu cho trẻ đi chơi nơi công cộng cũng thể hiện phụ huynh ý thức được những hậu quả tâm lý, thể chất và nhận thức của việc giữ con ở quá lâu trong nhà. Họ cho con ra những không gian xanh là một cách để giúp con cân bằng lại về mặt tâm lý.
Tuy nhiên, điểm khác giữa việc sẵn sàng đưa con đi chơi nơi công cộng và e ngại khi đưa con đến trường học là cảm nhận về mức độ kiểm soát nguy cơ.
Rõ ràng, khi đưa con đi đến nơi công cộng, cha mẹ tham gia kiểm soát và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các yếu tố liên quan đến nguy cơ mắc bệnh.
Ví dụ, họ sẽ là người chọn không gian công cộng phù hợp, chọn khung giờ phù hợp, kiểm soát được việc thực hành an toàn của con như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc... Nếu có tình huống nào nguy cơ xuất hiện, họ có thể can thiệp được ngay.
Tuy nhiên, khi đưa con quay trở lại trường, họ không có mặt ở đó. Việc kiểm soát nguy cơ và các tình huống bất thường giao hết lại cho nhà trường và giáo viên trong khi nếu học sinh trở thành F0 thì về cơ bản các gia đình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Thời điểm trước Tết Dương lịch, chúng ta cũng đã muốn đưa học sinh trở lại trường nhưng khi đó tỷ lệ phụ huynh ủng hộ không cao. Tôi cho rằng, thời điểm đó, phụ huynh chưa được truyền thông rõ về các quy trình xử lý tình huống khẩn cấp khi học sinh trở lại trường.
Các trường cũng chưa mời phụ huynh cùng tham gia diễn tập. Các chuyên gia y tế chưa có sự lên tiếng khẳng định nhất quán dựa trên số liệu khoa học khi đưa học sinh trở lại trường nên phụ huynh e ngại cũng là điều dễ hiểu.
Thời điểm hiện tại, chúng ta xác định trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường không chỉ là của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của cha mẹ vì tương lai của chính con em mình, rộng hơn là của cộng đồng xã hội.
Các chuyên gia đã lên tiếng khẳng định về tính cấp thiết cần phải đưa trẻ trở lại trường. Các nhà trường đã diễn tập và sẵn sàng các phương án an toàn; phụ huynh cũng được hướng dẫn các kỹ năng để phối hợp... Vì vậy, tỷ lệ người dân đồng thuận và quyết tâm cao.
Thực tế cho trẻ trở lại trường không chỉ để học kiến thức mà còn nhằm thiết lập lại thói quen, môi trường học tập hằng ngày. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, thế nào là trường học an toàn cho học sinh, theo ông?
Hiện tại, để đưa trẻ trở lại trường bền vững cần “ba sẵn sàng”, bao gồm: nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Thứ nhất, nhà trường sẵn sàng: Các quy trình, các phương án đảm bảo an toàn khi dạy học trong bình thường mới, các dịch vụ tâm lý kích hoạt; hệ thống phòng ngừa bạo lực học đường được kích hoạt; các số điện thoại khẩn cấp...
Các kế hoạch và kỹ năng cho giáo viên chuẩn bị cho học sinh tái hội nhập trong những ngày đầu. Ví dụ, ngày đầu trở lại trường có hoạt động thật ấn tượng với nhiều ảnh chụp mang về nhà; các phần quà đồ dùng học tập; các khóa học về kỹ năng kiểm soát cảm xúc; giao bài tập ghi nhật ký ngày đầu tiên.
Giáo viên có thể nói về kế hoạch của học kỳ II cho đến hết năm học; những mốc thời điểm quan trọng.
Tất cả các quy trình an toàn, các thông điệp hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe tâm thần cần phải được thiết kế và dán trong không gian nhà trường và các phòng học.
Thứ hai, cha mẹ cũng sẵn sàng. Có thể nói, sự sẵn sàng của cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất. Cha mẹ cần sẵn sàng trên nhiều phương diện.
Về thái độ, cha mẹ cần cam kết trách nhiệm hỗ trợ trẻ; khuyến khích trẻ đi học đầy đủ đúng giờ; phối hợp với nhà trường và giáo viên trấn an con trước những thông tin sai lệch; đảm bảo con tuân thủ thực hiện 5K.
Các gia đình cần ý thức việc đưa trẻ trở lại trường không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của từng gia đình và từng phụ huynh.
Vì vậy, cha mẹ cũng cần có trách nhiệm phối hợp với giáo viên để ổn định tâm lý cho trẻ, kể cả trong tình huống xấu nhất có những ca nhiễm xuất hiện tại trường học.
Đồng thời, cha mẹ nên tham gia các hoạt động hỗ trợ học tập, rèn lại lịch trình thói quen nền nếp góc học tập; tham gia các buổi nói chuyện nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần của con; lắng nghe con chia sẻ về những việc xảy ra tại trường.
Đặc biệt, cha mẹ phải là một tấm gương tích cực, khuyến khích con em tuân thủ hướng dẫn của nhà trường, bảo vệ an toàn phòng chống dịch.
Thứ ba, học sinh sẵn sàng: Học sinh tham gia dần các vận động để nâng cao sự sẵn sàng về thể chất với mức độ hoạt động cao khi trở lại trường; tái thiết sự tự tin, tự kiểm soát cảm xúc, kiên định trong các trò chơi, nhiệm vụ theo mục tiêu giáo dục trong những ngày đầu trở lại trường.
Các em thực hành các bài tập để nâng cao năng lực tập trung chú ý, nâng cao khả năng sắc bén của phản xạ tư duy với các câu hỏi, tình huống nhiệm vụ. Đặc biệt, tái thiết các liên hệ với bạn bè, kỹ năng giao tiếp qua các hoạt động nhóm.
Các con của ông học trực tuyến ở nhà thế nào? Có những khó khăn gì trong việc kết nối, rèn luyện kỹ năng hay không? Và ông đã làm gì để giúp các con?
Ngay từ khi có chủ trương đưa trẻ quay lại trường học, tôi đã lên kế hoạch giúp các con làm quen lại với môi trường học tập trực tiếp. Tôi xác định hai trọng tâm.
Một là, ngắt kết nối mạng để kết nối với các hoạt động thực tế. Ví dụ, yêu cầu con đọc một cuốn sách và trao đổi thay vì đọc trên mạng. Trở lại với hoạt động tập luyện ngoài trời, đi bộ buổi tối cùng gia đình thay vì chỉ vận động trong nhà.
Viết nhật ký về những kế hoạch dự định trên sổ tay thay vì viết trên máy tính, nói chuyện về những khó khăn để giúp con học cách chấp nhận và bày tỏ những cảm xúc tiêu cực của mình với người khác.
Hai là, hướng dẫn con một số kỹ năng để tăng sự tập trung, giảm căng thẳng. Đó có thể là những bài thư giãn hít thở sâu để con thực hành giữa các giờ học.
Làm sao để trẻ không bị kỳ thị ở trường khi là F0 cũng là vấn đề đáng quan tâm? Ông có khuyến nghị gì để trẻ trở lại trường một cách bền vững?
Để trẻ không bị kỳ thị ở trường khi là F0, chúng ta cần phải có chương trình giáo dục tâm lý xã hội cho phụ huynh và học sinh toàn trường. Cần nhấn mạnh rằng những người không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không làm gì sai cả. Chúng ta đối xử khác biệt với họ là không công bằng.
Ngoài ra, tôi cho rằng cần thực sự kích hoạt và sẵn sàng các dịch vụ hỗ trợ tâm lý để can thiệp sớm và kịp thời khi những vấn đề tâm lý xã hội như kỳ thị xuất hiện trong trường học.
Trong điều kiện nhân viên tâm lý tại các cơ sở giáo dục chưa có hoặc chưa đáp ứng thì cần huy động sự tham gia của các hiệp hội nghề nghiệp, sự tình nguyện chuyên môn của các giảng viên đại học.
Cần xây dựng và phát triển nhiều tài liệu chuyên môn số hóa dành cho cha mẹ, giáo viên và học sinh để tư vấn mọi tình huống có thể phát sinh nhằm giúp nhà trường – gia đình và học sinh thích ứng linh hoạt với tình hình mới.
Xin cảm ơn PGS.TS!