📞

Chuyện làm mới thông tin đối ngoại

10:50 | 18/05/2018
Tìm ra cách thức sáng tạo để công tác thông tin đối ngoại đạt được hiệu quả tốt nhất trong giai đoạn hiện nay là nội dung cuộc tọa đàm vừa được Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 16/5 tại Hà Nội.

Tọa đàm “Thông tin đối ngoại phục vụ tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới trong giai đoạn hiện nay” thu hút sự tham gia của đông đảo các diễn giả đến từ các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Ngoại giao (Bộ  Ngoại  giao), một số cơ quan báo chí.... Tại đây, các diễn giả đã cho thấy bức tranh tổng thể về thực trạng công tác thông tin đối ngoại hiện nay cũng như đưa ra những bài học quý đã được ứng dụng trong tình hình mới. Ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương, cho rằng Tọa đàm đã mang đến đánh giá khách quan về thông tin đối ngoại trên mọi lĩnh vực, hoạt động của các cấp, các ngành, địa phương ...

Sáng tạo từ nội dung đến hình thức

Tham dự Tọa đàm, ông Ngô Toàn Thắng - Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao cho biết, trong những năm qua Bộ đã nỗ lực với nhiều đổi mới, cải tiến về nội dung và hình thức thông tin đối ngoại để kịp thời thích ứng với yêu cầu của công tác thông tin đối ngoại giai đoạn mới. Theo ông Thắng, thời gian tới cần phát huy tính chủ động và sáng tạo của các cơ quan đại diện trong việc triển khai hoạt động thông tin đối ngoại tại địa bàn, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Việt Nam chú trọng thông tin bằng tiếng Anh và tiếng địa phương. Bên cạnh đó, những công việc quan trọng khác là cần củng cố và phát triển mạng lưới “Người bạn của Việt Nam” cùng những thông tin quảng bá về Việt Nam, đẩy mạnh tiếp xúc, giao lưu với các cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và phát huy thế mạnh của truyền thông hiện đại.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm (Ảnh: T.V)

Là một bộ đa ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gắn kết sức mạnh tổng hợp văn hóa, thể thao và du lịch trong quảng bá hình ảnh quốc gia. Ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu ra những hình thức thông tin hiệu quả mà Bộ đã vận dụng thành công như tranh thủ nguồn lực quốc tế tổ chức các sự kiện văn hóa lồng ghép quảng bá hình ảnh quốc gia, quảng bá Việt Nam trên những phương tiện quảng cáo, bảng công cộng và truyền hình; tham gia các sự kiện quảng bá quốc tế lớn, chuyên ngành uy tín;  xây dựng những Lễ hội Việt Nam ở các nước, hợp tác dự án truyền hình, điện ảnh...

Theo Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Đoàn Công Huynh, đối với Việt Nam, những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết... là chất liệu để đẩy mạnh thông tin quảng bá Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hình ảnh Việt Nam xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế vẫn còn ở tần suất thấp và thời lượng ít. Thông tin tích cực về Việt Nam cần được phổ biến rộng rãi hơn trên báo chí và các mạng xã hội như Facebook, Youtube...

Mũi nhọn là thông tin báo chí

Khi nói về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong nước trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, ông Huynh khẳng định trong suốt tiến trình đổi mới và phát triển đất nước, báo chí luôn là mũi nhọn xung kích là lực lượng quan trọng góp phần làm cho thế giới thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá về người Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin đối ngoại trên báo chí còn nhiều hạn chế như nội dung thông tin còn chưa phong phú, thiếu chiều sâu, trùng lặp, nhiều khi chưa chính xác...

Chia sẻ vai trò của kênh truyền hình phát sóng quốc tế trong việc thông tin, quảng bá hình ảnh ra nước ngoài, bà Lý Hải Yến - Phó Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, việc tăng cường nguồn lực cho đài truyền hình phát sóng ra nước ngoài là một chiến lược truyền thống khôn ngoan mà nhiều quốc gia đã thực hiện trong hơn 20 năm đầu thế kỷ 21. Bà Yến cho biết hiện nay hầu như tất cả các đài truyền hình quốc gia và các đài lớn trên thế giới đều có kênh truyên hình tin tức phát sóng ra quốc tế để quảng bá cho quốc gia mình, và tỏ rõ tiếng nói, trách nhiệm và vị trí quốc gia trong môi trường chính trị toàn cầu.Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có kênh truyền hình quốc tế phát bằng ngoại ngữ 24/24 giờ, do đó hạn chế trong tiếp cận công chúng quốc tế là điều mà tất cả chúng ta đều nhìn thấy. Mặt khác, ngay ở trong nước, công chúng Việt Nam cũng chịu tác động từ truyền hình nước ngoài.

Để thông tin đối ngoại Việt Nam có thể bắt nhịp với báo chí quốc tế, ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, cần sự đầu tư có trọng điểm, cũng như  nâng cao cả số lượng và chất lượng. Chia sẻ một quan niệm làm việc là “độc giả ở đâu chúng ta có ở đó” trên bất kỳ phương tiện gì, ông cho rằng bên cạnh việc học hỏi các xu hướng làm báo mới, các cơ quan cần bắt tay hợp tác với các cơ quan báo chí lớn của nước ngoài.

Vẫn là chuyện kinh phí

Thực tế, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác thông tin đối ngoại còn hạn hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin. Ông Ngô Toàn Thắng cho biết, mặc dù là một trong những cơ quan trực tiếp triển khai công tác thông tin đối ngoại nhưng hoạt động này tại Bộ Ngoại giao chưa có kinh phí riêng của Bộ hoặc của Chính phủ, đang phải lấy từ ngân sách hoạt động thường xuyên của đơn vị.

Phó Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Vũ Hải cũng chia sẻ, hiện kinh phí cho hoạt động của kênh truyền hình đối ngoại VTV4 ngày càng tốn kém do đầu tư về chất lượng chương trình, số lượng tiếng nước ngoài, chuyển đổi công nghệ, chi phí về nhân lực... Theo ông Hải, thời gian tới cần đầu tư hơn nữa về nhân lực  và kinh phí cho công tác thông tin đối ngoại, cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan.

Tại Tọa đàm, đại diện các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học quý trong việc đầu tư cho tuyên truyền thông tin đối ngoại. Ví dụ điển hình là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 với Tuần lễ Cấp cao tổ chức tại Đà Nẵng đã đem lại cho thành phố Đà Nẵng nhiều cơ hội đưa kinh tế thành phố phát triển nhanh. Các đại biểu cũng đều nhất trí, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mức đầu tư cho công tác quảng bá eo hẹp, thì thông tin đối ngoại cần khuyến khích sự tham gia mỗi người dân, cũng như mọi thành phần kinh tế để có thể huy động các nguồn lực, sáng tạo nhằm mục tiêu quảng bá Việt Nam ra thế giới ngày càng rộng, hiệu quả.