📞

Chuyện một ngày lịch sử ở Liên hợp quốc

Phương Hằng 15:53 | 20/06/2019
TGVN. “Chúng tôi lặng đi một lúc, nghe tiếng vỗ tay xung quanh mới vỗ tay theo như một phản xạ! Không ai tin vào tai mình với kết quả 192/193 phiếu bầu”, Quyền Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhớ lại... 
Toàn cảnh Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

10 ngày đã trôi qua kể từ buổi sáng ngày 7/6 khi, tại Đại hội đồng LHQ, Việt Nam lần thứ 2 được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA), chúng tôi mới có dịp gặp gỡ ông Đỗ Hùng Việt, nhưng dư âm của phiên bỏ phiếu lịch sử đó vẫn in đậm rõ nét trong câu chuyện với chúng tôi. “Đây là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời ngoại giao của mình” - ông Việt chia sẻ. Con số 192/193 phiếu bầu - gần như tuyệt đối - là vượt mọi mong đợi. Niềm vui của chúng tôi hôm đó thật lớn, nhưng niềm tự hào và hãnh diện về uy tín và vị thế quốc tế của đất nước mới thực sự lớn lao.

Hồi hộp trước mỗi lần bỏ phiếu

Từng gắn bó nhiều năm với ngoại giao đa phương, ông Hùng Việt đã nhiều lần hồi hộp chờ kết quả bỏ phiếu, như khi tham gia đợt vận động Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), hay Ủy ban luật pháp quốc tế (2017-2021). Có trải qua những lúc ta phải vận động và “nâng niu” từng lá phiếu, mới thấm thía hết giá trị của giây phút Việt Nam được công bố dẫn đầu trong phiên bỏ phiếu vừa qua.

Thực ra, công tác vận động lần này là một quá trình dài hơi, bắt đầu ngay từ khi ta chính thức ứng cử lần thứ hai vào năm 2010. Ông Hùng Việt kể lại, trước thời điểm lên đường sang New York tham dự cuộc bầu cử, số lượng các nước cam kết chắc chắn ủng hộ Việt Nam mới chỉ trên 180 nước, mà thực tế bỏ phiếu tại LHQ thì không thể lường trước được. Đã có nước nhận được thấp hơn tới 10-15% số phiếu dự kiến. Buổi tối trước ngày bầu cử, cả đoàn công tác ngồi lại, đánh giá mức “trần” phiếu ta có thể đạt được. Niềm tin của cả đoàn là rất lớn, song vẫn canh cánh bởi yếu tố khó lường và bất ngờ luôn có thể xảy ra.

Sáng ngày 7/6 tại New York, mọi thành viên đoàn đều cảm thấy bồn chồn và háo hức, hy vọng và lo lắng đan xen. Như đã thành quy ước trước mỗi lần có việc trọng đại, mấy anh em chúng tôi dành ít phút đứng trước tượng Bác Hồ đặt ở Phái đoàn Việt Nam tại LHQ trước khi ra xe đi đến Đại hội đồng. Lúc đó, tôi chợt nhớ chính Bác Hồ, ngay từ ngày đầu lập nước, đã viết thư cho lãnh đạo Liên xô, Mỹ, Anh, Trung Quốc khi đó đề nghị các nước công nhận nền độc lập của Việt Nam và đề nghị để Việt Nam tham gia LHQ. Sau này, lá đơn xin gia nhập LHQ của Việt Nam cũng đã từng hai lần bị phủ quyết. Thế nhưng, câu chuyện của 40 năm về trước nay đã khác: Việt Nam, với thành tựu của đổi mới và hội nhập quốc tế đã được các nước công nhận là bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, từ đó, đàng hoàng đảm nhận trọng trách mà quốc tế giao phó. Chặng đường dài đó rất đỗi tự hào, bởi đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ.

Quyền Vụ trưởng vụ Các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt.

Tấm bản đồ và những chấm đỏ

Mức độ tin cậy cao đó thể hiện vị thế cao của đất nước ta, chỉ có thể có được qua một quá trình kiên trì triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, tăng cường quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, đẩy mạnh tham gia tại các diễn đàn đa phương, như việc chúng ta tham gia HĐBA lần đầu tiên năm 2008-2009, cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đóng góp tích cực khi là thành viên Hội đồng Nhân quyền hay Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC). Thành công của các sự kiện đa phương lớn như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018 hay gần đây là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều có ý nghĩa cộng hưởng quan trọng, tạo dựng niềm tin vào vị thế mới của đất nước trong con mắt bạn bè quốc tế.

Mặt khác, tinh thần chủ động, tích cực của ngoại giao Việt Nam thể hiện rõ trong công tác vận động của ta, được triển khai sớm, đồng bộ ở cả trong nước, Phái đoàn thường trực tại LHQ và các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài, có sự phối hợp nhịp nhàng với Vụ chính trị khu vực của Bộ Ngoại giao cũng như với nhiều bộ ngành liên quan.

Trực tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, các đồng chí lãnh đạo Bộ, đã có chỉ đạo sát sao, quyết liệt và bài bản công tác vận động các nước ủng hộ Việt Nam vào HĐBA. Các nội dung vận động đều xuất hiện trong tất cả các cuộc tiếp xúc đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tại các đợt tham vấn chính trị, trao đổi đoàn các cấp, các Bộ, ngành khác nhau. Công tác vận động cũng được đẩy mạnh đối với Đại sứ quán các nước tại Hà Nội. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn ta tại New York qua các nhiệm kỳ cũng đều coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn nước rút, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đặng Đình Quý đã có hơn một trăm cuộc tiếp xúc với Đại sứ các nước tại LHQ.

Chúng tôi để ý thấy một tấm bản đồ thế giới với dày đặc những chấm đỏ và mũi tên được đặt tại Vụ các Tổ chức quốc tế. Đây được coi như “bản đồ chiến dịch” Vụ sử dụng trong quá trình vận động. Khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và các nhóm đảo nhỏ Nam Thái Bình Dương mặc dù là “kho” phiếu nhưng Việt Nam lại có ít điều kiện tiếp xúc, vận động, quan hệ song phương với các nước này cũng chưa nhiều. Để tìm kiếm điểm đồng và thuyết phục họ ủng hộ Việt Nam, các nhà ngoại giao phải trao đổi với họ tại các diễn đàn đa phương dựa trên những vấn đề cốt lõi họ quan tâm như biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, bảo vệ thường dân, trẻ em trong xung đột,…

Chiếc đồng hồ 730 ngày đếm ngược

Ít lâu nữa, chiếc đồng hồ bên ngoài hành lang Vụ các Tổ chức quốc tế sẽ cài đặt chế độ đếm ngược với con số 730 ngày. Với các nhà ngoại giao đã, đang và sẽ làm việc trong 2 năm nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của Việt Nam tại HĐBA ở cả “đầu cầu” Hà Nội và New York, đó là một hành trình đầy thử thách, nhưng cũng hứa hẹn nhiều trải nghiệm quý giá.

Ông Việt hóm hỉnh nói: tôi mong lại được cảm nhận niềm hạnh phúc như vừa trải qua cách đây 10 ngày khi được nhìn chiếc đồng hồ hiện con số “0”, là lúc ta hoàn thành nhiệm kỳ tại HĐBA.

“Có lẽ với người cán bộ ngoại giao, việc lựa chọn và được chọn lựa để làm về LHQ, về đối ngoại đa phương sẽ là một thách thức không nhỏ, bởi nó đồng nghĩa với nhiều đêm thiếu ngủ vì văn kiện thương lượng chưa xong, bởi nhiều cuộc họp với tần suất dày đặc, trải rộng trên rất nhiều vấn đề và nhiều khi tưởng sẽ không bao giờ dứt…Thành quả của đối ngoại đa phương không cảm nhận được ngay, mà luôn có độ trễ nhất định. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ, đã “dấn thân” vào đa phương, cần tự rèn mình sự kiên nhẫn, trí sáng tạo và nhất là niềm tin vững vàng vào vị thế và uy tín của đất nước. Như vậy, sẽ có ngày bạn lại được sống trong những giây phút tự hào như ngày 7/6 lịch sử vừa qua ở Đại hội đồng Liên hợp quốc” – ông Việt chia sẻ khi chia tay chúng tôi.

(ghi)