Tôi có cơ hội trò chuyện với Giám đốc Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài Trịnh Tú Lan ngay khi bà vừa hoàn thành một nội dung trao đổi tại Lớp cập nhật thông tin dành cho phu nhân, phu quân các cán bộ, nhân viên công tác tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2017. Chia sẻ về khóa học, bà hồ hởi: “Đây là một khóa học cực kỳ hiệu quả và ý nghĩa. Nó không chỉ hữu ích với bản thân các phu quân, phu nhân, mà còn đóng góp vào thành công chung của cơ quan đại diện nói riêng và của ngành Ngoại giao nói chung.
Vai trò của các phu quân/phu nhân ngoại giao sẽ không chỉ dừng lại là “hậu phương” mà họ có thể chủ động “ra tiền tuyến” trên mặt trận ngoại giao văn hóa. (Ảnh: Nguyễn Hồng). |
Không phải chuyến đi chơi
Bà Trịnh Tú Lan cho rằng mình may mắn khi đã trải qua nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài cả với tư cách là cán bộ ngoại giao và với tư cách là phu nhân ngoại giao. Vì vậy, từ hai góc độ, bà hiểu rõ hơn ai hết những điều mà phu quân/phu nhân cần được trang bị trước khi theo vợ/chồng mình ra công tác ở nước ngoài.
“Đó không phải là chuyến đi chơi!”, bà Tú Lan khẳng định. Bà kể lại câu chuyện trong nhiệm kỳ công tác với vai trò là phu nhân của mình. Hồi đó, cơ quan đại diện có một đồng chí đưa vợ và con nhỏ đi công tác cùng. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao chưa tổ chức lớp cập nhật thông tin cho các phu quân/phu nhân như vài năm trở lại đây. Vì thế mà ban đầu, phu nhân của đồng chí đó còn e ngại, chưa tích cực tham gia các hoạt động chung của đại sứ quán. Các anh chị em trong cơ quan phải đến tâm sự, chia sẻ nhiều lần mới thuyết phục được vị phu nhân này tham gia.
Bà Tú Lan cho rằng, nếu không có các hoạt động trang bị kiến thức cho các phu quân/phu nhân thì khó tránh được tình trạng trên bởi rất nhiều trong số họ lần đầu đi công tác nhiệm kỳ tại cơ quan đại diện. Nhận thức về những điều được làm, không được làm hay nên làm... đều rất mơ hồ. Sự mơ hồ đó khiến họ không thể phát huy hết khả năng của mình trong việc đóng góp cho cơ quan đại diện.
Theo bà, ở nước ngoài, người cán bộ ngoại giao chỉ có thể yên tâm công tác khi gia đình họ ổn định. Nhân sự của một cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài khá khiêm tốn nên công việc khá bận rộn. Nếu người cán bộ ngoại giao bị chi phối bởi việc gia đình, họ sẽ gặp khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bà Trịnh Tú Lan trao đổi tại khóa học. |
Những vị sứ giả nhân dân
Trở lại với câu chuyện về vị phu nhân ở trên. Sau khi được thuyết phục, phu nhân này đã tham gia rất nhiệt tình vào các hoạt động chung và phát huy được sở trường của bản thân trong việc đóng góp cho cơ quan đại diện. Bà Tú Lan cho biết: “Sau này, tâm sự với tôi, cô ấy nói giá như trước khi đi sang đây, chúng em được tham gia các khóa đào tạo cơ bản thì sẽ không mất nhiều thời gian để loay hoay tìm hiểu mà có thể nhập cuộc với tâm thế sẵn sàng, chủ động hơn”.
Trong thời gian gần đây, tại một số cơ quan đại diện, vai trò kết nối của các phu nhân/phu quân được đẩy mạnh rất bài bản. Trong số đó có thể kể đến Hội Phu nhân – Phu quân Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, tại Mỹ hay Nhật Bản... Các hội này không chỉ tích cực kết nối cộng đồng, hỗ trợ hiệu quả cho nhiều công tác của cơ quan đại diện mà còn đóng góp cho các hoạt động ngoại giao nhân dân được nhân dân và bạn bè quốc tế ở sở tại đánh giá cao.
Theo Vụ Tổ chức – Cán bộ (Bộ Ngoại giao), trong vài năm trở lại đây, đã có khoảng 100 phu quân/phu nhân trưởng các cơ quan đại diện và vài trăm phu quân/phu nhân cán bộ ngoại giao tham gia các lớp đào tạo nói trên. Trong lớp học này, các học viên đã trao đổi nhiều thông tin thiết thực, từ việc “cơ quan đại diện phân công cho tôi những việc gì?”, “nếu do hoàn cảnh mà tôi không thể tham gia được thì có sao không?”, hay “các hoạt động văn hóa mà trường con tôi theo học mời tham gia thì được cơ quan đại diện hỗ trợ như thế nào?”... Trách nhiệm của những người đứng lớp là giải đáp càng chi tiết càng tốt những thắc mắc, băn khoăn của họ.
Trong khóa học vừa qua, bà Tú Lan đã trình chiếu cho các học viên xem một video clip do các đồng nghiệp của bà ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xây dựng. Clip này tái hiện toàn bộ các hoạt động từ đối nội đến đối ngoại mà các phu quân/phu nhân tham gia khi theo vợ/chồng mình ra công tác ở nước ngoài. Nhiều học viên lần đầu theo vợ/chồng mình đi công tác nhiệm kỳ đã phát biểu, sau khi xem clip, họ đã hình dung được tương đối rõ ràng những việc mình sẽ làm trong thời gian tới.
Thế giới đang đổi thay một cách nhanh chóng. Phương thức làm đối ngoại trên mọi mặt trận cũng vì thế mà đã biến đổi rất nhiều so với trước đây. Trong điều kiện hiện nay, hoạt động dành cho các phu quân/phu nhân ngoại giao đã trở nên vô cùng phong phú. Đó là các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, từ thiện, xã hội... từ song phương đến đa phương, từ các nước trong khu vực cho đến những tổ chức toàn cầu... Sự vận động đó đã mang đến cho các phu quân/phu nhân ngoại giao vai trò mới: Sứ giả nhân dân.
Vị Giám đốc Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài chia sẻ mong muốn của bà là các lớp tiếng Anh cơ bản nên được bổ sung vào nội dung khóa đào tạo để các phu quân/phu nhân khi ra nước ngoài có thể chủ động trong mọi tình huống đơn giản như khi đi mua sắm, đi chợ, đưa con đi học, liên hệ với cảnh sát, bệnh viện hay bảo hiểm... Nếu làm tốt được những việc này, các phu quân/phu nhân sẽ không chỉ đảm đương tốt hơn nữa vai trò hậu phương cho cán bộ ngoại giao ở nước ngoài mà còn là vị sứ giả nhân dân khi họ thường xuyên giao tiếp với cộng đồng sở tại. Thông qua đó, văn hóa, hình ảnh của Việt Nam, những thông tin chân thực về đất nước sẽ được cộng đồng quốc tế biết đến nhiều hơn.
“Đến một lúc nào đó, vai trò của các phu quân/phu nhân ngoại giao sẽ không chỉ dừng lại là “hậu phương” mà họ có thể chủ động “ra tiền tuyến” trên mặt trận ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân với những thế mạnh và điều kiện riêng có của mình. Chính vì vậy, việc trang bị hoàn thiện tối đa kiến thức đối ngoại cho lực lượng này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho nhiệm vụ chung của ngành Ngoại giao, trong điều kiện đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào một thế giới đang liên tục chuyển mình”, bà Trịnh Tú Lan khẳng định.
Nội dung một khóa học dành cho các phu quân, phu nhân - Kỹ năng thích ứng với môi trường mới và những chuẩn bị cần thiết cho công tác nhiệm kỳ tại nước ngoài - Cách giới thiệu về văn hóa, đất nước và con người - Cơ quan đại diện và các chế độ chính sách, quyền hạn của phu nhân, phu quân - Lễ tân đối ngoại tại cơ quan đại diện - Công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - Trang phục trong các sự kiện - Tổng quan về rượu vang - Tiệc và thực hành tiệc - Một số món ăn chính & tráng miệng |