TIN LIÊN QUAN | |
Cảm ơn những người bạn đã đóng góp cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản | |
Bộ Ngoại giao hỗ trợ địa phương Việt Nam kết nối với địa phương Nhật Bản |
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (giữa) thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, tháng 12/1978. (Ông Nguyễn Hữu Chủ là người thứ ba từ trái). |
Trong những hồi ức nhiều màu sắc về các năm tháng hoạt động ngoại giao sôi động của ông Nguyễn Hữu Chủ, 73 tuổi, nguyên Thám tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, thì câu chuyện tiếp quản Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Tokyo sau ngày Giải phóng vẫn khiến ông bồi hồi về mối lương duyên Việt Nam - Nhật Bản, về những đồng nghiệp cũ thân yêu, người còn, người đã ra đi...
Sứ mệnh đặc biệt
Mới vào ngành Ngoại giao ba năm, anh cán bộ trẻ đã nhận nhiệm vụ quan trọng là tiếp quản Đại sứ quán ta tại Nhật Bản. “Với tôi, đây là nhiệm vụ to lớn và ý nghĩa khi mình là người thực hiện nhiệm vụ ngoại giao thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh”, ông Chủ bồi hồi nhớ lại.
Lúc đó, trong số 13 cán bộ thuộc biên chế của Đại sứ quán Việt Nam, ông Chủ gần như trẻ nhất (chưa đầy 30 tuổi). Ông cùng với hai đồng nghiệp là ông Vi Minh Tân - điện báo viên và Khổng Khuê - Trưởng phòng Thông tin Bộ Ngoại giao có một “sứ mệnh” đặc biệt là “chuyên chở máy điện đài rất cồng kềnh, nặng mấy tạ” sang Nhật Bản. Đó là lý do mà ba ông phải đến xứ sở Hoa anh đào bằng tàu biển.
Sứ mệnh đó cũng đánh dấu một loạt “lần đầu tiên” đáng nhớ của ông. Trước hết, đây là nhiệm kỳ công tác nước ngoài đầu tiên của ông. Và cũng là lần đầu tiên ông được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong buổi gặp và chia sẻ kinh nghiệm đối ngoại với các cán bộ chuẩn bị đi nhiệm kỳ.
Chuyến đi này cũng là lần đầu tiên ông đi tàu biển xa như vậy. Và cũng thật thú vị khi chuyến đi đó cũng là chuyến hải hành viễn dương đầu tiên của thuyền trưởng Cao Trọng Tùng, người Nghệ An.
Cho nên, “rất hồi hộp và lo lắng nữa”, ông Chủ không sao quên cảm giác đó, nhất là đối với chàng trai mới cưới vợ được vài tháng và lần đầu tiên đón một cái Tết xa nhà, “nhớ mẹ, nhớ gia đình” ở Hong Kong (Trung Quốc)…
Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, khi tàu cập cảng Naoetsu (Niigata, Nhật Bản), đoàn được ông Inoue ở Cục châu Á, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đón tiếp nhiệt tình và nồng hậu.
“Người Nhật mà, lúc nào họ cũng chu đáo, tận tụy và khiêm tốn”, ông Chủ đúc kết về con người Nhật Bản nói chung mà ông vô cùng ngưỡng mộ.
Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản có thể không xa lạ với ông Chủ vì ông đã có gần 5 năm học tập chuyên ngành về Nhật Bản tại CHDCND Triền Tiên (1967-1972) song những ấn tượng “trực tiếp tai nghe, mắt thấy” đầu tiên về đất nước Mặt trời mọc vẫn khiến ông thấy “choáng”.
Một đất nước rất hiện đại, thể hiện ở những chiếc tivi màu ông nhìn thấy ở khắp nơi hay những xe taxi tự động đóng mở cửa và một xã hội văn minh với những người dân tự giác xếp hàng và chiếc ô tô lưu thông trên đường dù 12h đêm đều tự giác dừng lại khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ…
Không sai sót
Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo khi ấy là một ngôi nhà gỗ nằm trên một quả đồi, rộng 2.200 m2. Trong tám tháng (5/1975 đến 12/1975), các bạn Cuba giúp chúng ta trông nom, làm vệ sinh, dọn vườn, chặt cây… cho đến khi đoàn cán bộ ngoại giao Việt Nam sang vào đầu năm 1976.
Người đứng đầu Cơ quan đại diện lúc đó là Đại biện lâm thời Trần Đức Tuệ và đến tháng 7/1976, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản là ông Nguyễn Giáp đặt chân tới Tokyo.
Nhiệm vụ của ông Chủ bấy giờ là phiên dịch, lễ tân, trực điện thoại và giúp ông Lê Minh Hương - Bí thư thứ hai (Bộ trưởng Bộ Công An sau này) về công tác lãnh sự, Việt kiều. Cùng làm phiên dịch với ông Chủ còn có ông Nguyễn Hữu Sự.
Ông Chủ còn nhớ như in cảm giác vinh dự khi là một trong những người đầu tiên kéo cờ đỏ sao vàng ở Đại sứ quán, “nhìn lá cờ tung bay mà một cảm xúc khó tả trào dâng trong lồng ngực”.
Cảm giác tự hào lắm mỗi khi nhìn tấm biển bằng đồng đúc chữ “Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản” bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. “Cả cờ và tấm biển đều mang từ Việt Nam sang vì nếu làm ở Nhật thì đắt lắm”, ông Chủ chia sẻ.
Một trong những điều tâm đắc nhất của ông Chủ về những tháng ngày đầu tiên tiếp quản Đại sứ quán là bắt đầu mọi thứ từ con số không mà không mắc phải sai sót nào. Tiếp quản Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa đồng nghĩa với việc không có sự bàn giao kinh nghiệm, do đó mọi thứ ông và các đồng nghiệp phải “tự tìm tòi, sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ mọi người xung quanh”.
Nhờ vậy mà các hoạt động ngoại giao của Cơ quan đại diện diễn ra rất trơn tru và êm thấm.
Một chi tiết đáng nhớ nữa trong dòng chảy hồi ức của ông Chủ là Đại sứ quán ta nhận được thư của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản mời ta tham dự một sự kiện của họ. Hoạt động tưởng chừng đơn giản trong bối cảnh hiện nay nhưng lại khá “tế nhị” ở thời điểm bấy giờ, khi quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc không hề thuận lợi. Tình huống chưa được học, chưa được biết nhưng “sau khi tham khảo ý kiến của các bạn trong khối XHCN như Cuba, Lào thì mới đưa ra quyết định” .
Tự hào Việt Nam
“Lúc đó tôi cảm thấy tự hào lắm vì mình đại diện cho đất nước, là một trong những người miền Bắc đầu tiên sang công tác ngoại giao tại Nhật Bản”.
Ông Chủ còn nhớ như in cảm giác vinh dự khi là một trong những người đầu tiên kéo cờ đỏ sao vàng ở Đại sứ quán, “nhìn lá cờ tung bay mà một cảm xúc khó tả trào dâng trong lồng ngực”. |
Là người làm công tác cộng đồng, ông Chủ cũng nhớ như in cái Tết đầu tiên ở Tokyo do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Hàng trăm người đã đến dự. Về phía Ngoại giao Đoàn có đại diện các nước như Lào, Campuchia, Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là các bạn Cuba đến nhảy múa, đánh đàn dương cầm… rất vui.
Bên cạnh những đại diện các cơ quan chính phủ, đoàn thể của Nhật là những người Việt có đóng góp tích cực cho hoạt động của Đại sứ quán như các ông Nguyễn An Trung, Huỳnh Sỹ Chánh, Trần Văn Thọ, Lê Văn Tâm, là đông đảo du học sinh và các chị em lấy chồng người Nhật…
“Cảm động lắm. Tết chính là lúc để đoàn kết, chia sẻ và cảm nhận về tình cảm của đồng bào, của những người con Việt Nam đối với Cơ quan đại diện của một đất nước mới thống nhất. Tự hào và vinh dự khi mình là anh tò te mới vào Ngành đã được chọn là một trong những người đầu tiên thực hiện nhiệm vụ của đất nước, của ngành Ngoại giao tại nước ngoài sau Ngày Thống nhất” ông Chủ trải lòng.
Hai chữ “Việt Nam” bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo tiếng Nhật, tiếng Anh lúc bấy giờ. Nhiều nhà báo Nhật đã đặt câu hỏi “Vì sao Việt Nam có thể thắng đế quốc Mỹ?”. Và sau đó, hằng năm, đến ngày Quốc khánh, bài phát biểu của Đại sứ Việt Nam có mặt trên các tờ báo uy tín của Nhật Bản.
Sự quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam ngày càng tăng lên, đặc biệt sau chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh vào tháng 12/1978 - chuyến thăm cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 21/9/1973).
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản tất nhiên không phải bắt đầu từ việc Việt Nam tiếp quản Đại sứ quán, mà có thể tính từ khi Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973 hay xa hơn nữa là khi các nhà buôn Nhật đến Việt Nam giao thương từ thế kỷ XVI...
Bốn nhiệm kỳ học tập và công tác tại xứ sở Phù tang đã giúp cho ông Chủ được chứng kiến những dấu ấn mạnh mẽ, những bước đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản sâu rộng trên nhiều lĩnh vực song câu chuyện về việc tiếp quản Đại sứ quán vẫn là hồi ức không bao giờ phai mờ.
Đó là dấu mốc đáng nhớ đầu tiên trong sự nghiệp ngoại giao hơn 40 năm của ông với nhiều kỷ niệm ấm áp với những đồng nghiệp thân yêu mà giờ đây, nhiều người ông không thể gặp lại như ông Nguyễn Giáp, ông Lê Minh Hương, ông Nguyễn Hữu Sự…
Vinh danh cá nhân xuất sắc trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản Ngày 10/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức lễ chúc mừng Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản ... |
Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Ấn tượng Nhật Bản Năm 1982, với cương vị Trưởng phòng Nhật Bản (Bộ Ngoại giao), lần đầu tiên tôi được Bộ Ngoại giao Nhật mời thăm Nhật Bản. ... |
“Đại sứ Xoài, Thanh Long” kể chuyện... “Tôi muốn bổ sung thêm hai chữ “đoàn kết”, yếu tố đã góp phần vào những thành công chung mà ngành Ngoại giao đã làm ... |